Trong những năm qua, hệ thống giáo dục ở tỉnh ta phát triển mạnh ở tất cả các cấp học. Tuy nhiên, việc giúp học sinh có những hiểu biết về nghề nghiệp để định hướng, lựa chọn ngành nghề phù hợp với sở thích cá nhân cũng như năng lực bản thân và nhu cầu xã hội còn nhiều hạn chế. Việc phân luồng học sinh THCS và THPT, tạo nền tảng quan trọng cho việc chuẩn bị nguồn nhân lực có chất lượng theo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của địa phương chưa được đáp ứng.
I. Thực trạng phân luồng
Những năm gần đây, Bộ GD-ĐT đã có chủ trương phân luồng học sinh nhằm tạo nguồn lao động lành nghề cho xã hội thông qua việc cho phép học sinh tốt nghiệp THCS được lựa chọn vào học trong các trường THPT, các trung tâm giáo dục thường xuyên (TTGDTX), các trường dạy nghề, trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) và một phần tham gia thị trường lao động mà chưa được đào tạo nghề. Thực hiện chủ trương của Bộ GD-ĐT, tỉnh ta đã xây dựng đề án, phấn đấu đến năm 2010 toàn tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học, tạo điều kiện để phân luồng học sinh, bảo đảm đào tạo cân đối nguồn nhân lực. Tuy nhiên, đến thời điểm này, công tác phổ cập giáo dục trung học còn gặp nhiều khó khăn bởi các tiêu chí số học sinh vào học các trường TCCN, trường nghề thấp và tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia chưa đạt kế hoạch đề ra. Phần lớn học sinh sau khi tốt nghiệp THCS có xu hướng theo học THPT chứ không mặn mà với các trường nghề. Ở tỉnh ta, hàng năm, tỷ lệ học sinh vào THPT ở các loại hình rất cao, đạt hơn 82% số học sinh tốt nghiệp THCS; số học sinh vào học các trường THCN, trường nghề rất thấp. Năm 2009, toàn tỉnh có 33.500 học sinh tốt nghiệp THCS, trong đó tỷ lệ học sinh vào học lớp 10 THPT đạt 70%; số học sinh vào học bổ túc THPT 8,2%, số học sinh vào học TCCN chỉ đạt 0,7% và vào học tại các trường đào tạo nghề là 2,1%. Như vậy, còn gần 20% học sinh sau khi tốt nghiệp THCS chấp nhận tìm việc làm mà không được đào tạo nghề nghiệp gì. Trong khi đó, trường THCN và trường nghề tuyển học sinh tốt nghiệp THCS theo hình thức vừa học văn hóa, vừa học nghề và sau 2 năm học, các em vừa có bằng tốt nghiệp văn hóa vừa có nghề, giảm chi phí đào tạo và đáp ứng nhu cầu cần nguồn nhân lực có nghề cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hiện nay. Kết quả phân luồng trên đã ảnh hưởng tiêu cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, đối với gia đình, học sinh và đối với ngành GD-ĐT. Trong số học sinh học tiếp lên THPT, chỉ có một tỷ lệ nhỏ thi đỗ được vào các trường đại học, cao đẳng. Trong đó, năm 2010, số học sinh học hết lớp 12 THPT cả ở hệ chính quy và GDTX đủ điều kiện dự thi tốt nghiệp THPT là 25.400 em, nhưng số đỗ vào đại học (tính cho cả số thí sinh là học sinh tốt nghiệp THPT năm 2010 và thí sinh là học sinh tốt nghiệp THPT từ các năm trước cùng dự thi tuyển sinh năm 2010) là 10.203 em, đỗ vào cao đẳng là 7.298 em. Như vậy, mỗi năm số học sinh học hết THPT nhưng không vào được đại học, cao đẳng phải theo học TCCN, các trường đào tạo nghề hoặc trực tiếp đi vào cuộc sống còn rất lớn. Nếu phân luồng tốt thì nguồn cung cấp nhân lực cho xã hội sớm được 3 năm, các gia đình cũng như chính những học sinh này đỡ tốn phí công sức và kinh phí trong 3 năm học và ngành GD-ĐT cũng có điều kiện tập trung hơn vào chất lượng cả ở bậc phổ thông và ở dạy nghề, cao đẳng, đại học. Và, nếu được phân luồng tốt thì số học sinh học lên THPT chỉ bao gồm một tỷ lệ không lớn, có năng lực tốt và đồng đều, có sự định hướng và được tiếp thu chương trình chọn lọc theo nghề nghiệp rõ rệt, sẽ dễ dàng thực hiện phân ban, phân hoá trong học tập và đánh giá, thi cử.
Giờ thực hành môn Hàn công nghệ cao của học sinh Trung tâm GDTX Nghĩa Tân (Nghĩa Hưng). |
II. Công tác hướng nghiệp và năng lực của các trường dạy nghề
Hiện nay, công tác hướng nghiệp, dạy nghề ở trường phổ thông đã mang lại hiệu quả không cao. Trước hết là do chất lượng hướng nghiệp-dạy nghề còn nhiều bất cập, ảnh hưởng không nhỏ tới công tác phân luồng học sinh. Đối với bậc THCS, nhiều nơi tổ chức hướng nghiệp-dạy nghề đã không chú ý đến nguyện vọng và sở thích của các em. Có nhiều nghề đáng lẽ phải sớm đưa vào giảng dạy cho phù hợp với ngành nghề truyền thống của địa phương và xu hướng phát triển của thời đại nhưng do khó khăn về cơ sở vật chất, thiết bị và đội ngũ giáo viên nên không thực hiện được. Hầu hết học sinh chỉ được học các nghề như thêu, may, điện, chăn nuôi, trồng lúa, nấu ăn… Những kiến thức về hướng nghiệp - dạy nghề chỉ thuần túy lý thuyết, xa thực tế. Trong việc chọn nghề, phần lớn học sinh chịu sự tác động từ cha mẹ mà xu thế chung hiện nay của các bậc phụ huynh là đều mong con mình học lên cao đẳng, đại học, học ở ngành nghề nào khi ra trường có thu nhập cao, công việc ổn định mà không lượng hết được sức học và điều kiện kinh tế gia đình để tìm con đường học nghề từ sớm. Bên cạnh đó, việc học TCCN và trong các cơ sở đào tạo nghề, với cấp THCS, tuổi học sinh tốt nghiệp lớp 9 (15 tuổi) chưa phù hợp với việc đi học xa nhà hoặc trực tiếp đi làm theo Luật Lao động, khi tốt nghiệp các em còn quá trẻ, khả năng giao tiếp và tiếp cận thông tin còn hạn chế về mặt nhận thức. Mặt khác, học sinh học TCCN, ngoài việc học các môn chung, môn học cơ sở, môn học chuyên ngành, học sinh hệ tốt nghiệp THCS còn phải học các môn văn hóa và phải thi tốt nghiệp nhiều môn, nên học sinh không mặn mà với việc vào học TCCN, học nghề. Bên cạnh đó, người sử dụng lao động chưa đánh giá đúng vai trò của từng trình độ đào tạo và chưa thật sự đãi ngộ theo chất lượng công việc, các trường có đào tạo TCCN và trường dạy nghề chưa quan tâm đúng mức đến nguồn tuyển sinh từ học sinh tốt nghiệp THCS do thời gian đào tạo dài và yêu cầu phức tạp trong khâu quản lý học sinh. Đây là những yếu tố then chốt khi cha mẹ hướng nghiệp cho con em mình. Trong khi đó, nhà trường tư vấn hướng nghiệp lại theo lý thuyết giáo dục, chỉ dựa trên cơ sở sức học, năng khiếu của học sinh mà chưa cập nhật những thông tin ngoài xã hội. Đội ngũ cán bộ giáo viên làm công tác hướng nghiệp - dạy nghề ít am hiểu về tâm lý học nghề nghiệp, cũng như nhu cầu lao động các ngành nghề cũng gây trở ngại cho việc phân luồng học sinh. Nhiều trường chưa quan tâm chất lượng công tác giáo dục hướng nghiệp, thiếu sự phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn để đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp. Bên cạnh đó, quy mô và điều kiện của các cơ sở dạy nghề, TCCN chưa đáp ứng nhu cầu phân luồng học sinh. Chương trình đào tạo trong các trường TCCN và khả năng liên thông giữa giáo dục nghề nghiệp với các bậc học khác; nhất là lên cao đẳng, đại học còn bất cập. Việc mở rộng quá nhanh các trường THPT trong khi hệ thống các cơ sở đào tạo sau trung học chưa đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh tốt nghiệp THPT dẫn đến hiện tượng "dồn toa" khá lớn. Trong khi đó, chính sách khuyến khích đối với học sinh THCS học nghề; khuyến khích các trường nghề tuyển hệ tốt nghiệp THCS còn thiếu. Khi kết thúc chương trình học TCCN, các em chỉ nhận được bằng văn hóa tương đương 9+2 hoặc 9+3, “rất khác biệt” đối với tốt nghiệp THPT, bởi với bằng cấp này, các em khó tìm được một nghề vừa ý, lương khá và rất khó thăng tiến… Ngoài ra, hệ thống các trường trung cấp còn yếu, chưa quảng bá hình ảnh, chất lượng đào tạo của trường rộng rãi trong công chúng, trường học. Chất lượng lao động có trình độ TCCN nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Học sinh ra trường khó tìm kiếm được việc làm đúng ngành nghề đã được đào tạo, nhiều ngành TCCN còn chưa có vị trí rõ ràng trong dây chuyền sản xuất hiện đại. Bên cạnh đó, xã hội và doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm, coi trọng đối tượng lao động được đào tạo TCCN. Hiện, các trường đã có nhiều cố gắng vươn lên, nhưng nhìn chung việc đổi mới mục tiêu, nội dung và phương pháp đào tạo TCCN còn hạn chế, chủ yếu vẫn nặng về lý thuyết, ít thực hành, việc tổ chức thực tập sản xuất tại cơ sở kinh doanh khó khăn, một số ngành hầu như không tổ chức được thực tập sản xuất do chương trình và hiệu quả đào tạo hạn chế, các cơ sở sản xuất có tâm lý ngại nhận học sinh TCCN vào thực tập. Với kinh phí cấp cho đào tạo TCCN thấp, có những ngành nghề chỉ đáp ứng 50% - 60% định mức kinh phí đào tạo nên ảnh hưởng lớn đến chất lượng đào tạo. Ở các trường, tuy đội ngũ giáo viên tăng cả về số lượng, đặc biệt trình độ chuyên môn, nghiệp vụ được nâng lên rõ rệt nhưng trình độ tay nghề, am hiểu về công nghệ tiên tiến, hiện đại và các thiết bị mới còn hạn chế do chưa được thường xuyên cập nhật kiến thức, trang thiết bị dạy học còn thiếu và lạc hậu.
Việc phân luồng học sinh sau THCS và THPT sẽ tạo nền tảng quan trọng cho việc chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và từng địa phương nói riêng. Vì vậy, để phân luồng tốt cho học sinh, cần có định hướng của cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương vừa phù hợp nhu cầu chung, vừa phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội và nhu cầu nguồn nhân lực từng vùng, miền. Từ thực trạng phân luồng hiện nay cũng như những điều kiện cần thiết đặt ra để làm tốt công tác này cần có những giải pháp đồng bộ từ nhiều phía. Với sự quan tâm của các cấp, các ngành, sự nỗ lực của ngành GD-ĐT, của học sinh và các bậc phụ huynh, trong thời gian tới, công tác phân luồng học sinh phổ thông sẽ đạt được hiệu quả cao, góp phần thực hiện thắng lợi đề án phổ cập giáo dục trung học của tỉnh./.