Những “góc khuất” học đường

11:04, 22/04/2011

Vốn là một học sinh khá của trường THPT Đ (TP Nam Định), nhưng từ đầu năm học đến nay, sức học của Nguyễn Thu Hương liên tục giảm sút. Đặc biệt, gần đây Hương cứ nằng nặc xin phép gia đình nghỉ học. Em hay lảng tránh mọi người, sống khép mình, lo lắng về chuyện gì đó và nhất định không nói lý do. Băn khoăn trước những biểu hiện bất thường của con, bố mẹ em đã gặp gỡ những bạn bè của con để tìm hiểu và được biết: Từ khi bước vào lớp 12, Hương liên tục nhận được tin nhắn làm quen của một bạn trai cùng lớp với những lời lẽ yêu đương tha thiết. Ban đầu, em không quan tâm, nghĩ rằng đó là trò đùa trẻ con, nhưng lâu dần cảm thấy quá phiền phức, em đã gặp gỡ và đề nghị “bạn để yên cho mình học”. Cho rằng Hương kênh kiệu và coi thường mình, bạn trai đó đã nghĩ ra nhiều cách để nói xấu em. Cho đến một ngày, Hương đến trường với biết bao ánh mắt cười cợt và lời nói thầm thì sau lưng, rằng em “là đứa con gái hư hỏng, với video clip quan hệ nam nữ đã bị tung lên mạng!?”. Với kiến thức ít ỏi về cuộc sống, Hương cho rằng sẽ không thể thanh minh trước sự vu khống có trong những “chiếc điện thoại chứa nội dung xấu” của các bạn nam kia, bởi theo em “với công nghệ thông tin hiện đại, các bạn ấy có thể làm được bất cứ điều gì”. Chính vì vậy em đã suy sụp tinh thần, trễ nải việc học tập. Rất may, bố mẹ em đã làm rõ mọi chuyện. Nhưng để em ổn định tinh thần, lấy lại sự tự tin trong cuộc sống cần rất nhiều thời gian và công sức của gia đình, bạn bè và các thầy cô giáo.

Những trường hợp như của Hương không phải là hiếm trong thời kỳ công nghệ thông tin phát triển mạnh như hiện nay. Nhiều học sinh đã trở thành “nạn nhân” của những “ý tưởng hiện đại”. Chỉ cần chiếc máy điện thoại có chức năng quay phim, chụp ảnh, bất cứ học sinh nào cũng có thể lan truyền hình ảnh của thầy cô giáo, của bạn mình để thực hiện những ý đồ xấu. Nhiều học sinh trường THCS T vẫn còn nhớ chuyện nữ sinh Trần P. H, học sinh lớp 9, có nhan sắc, lại hát hay, học giỏi nên đã có nhiều bạn trai yêu mến. Và rồi, H đã nhận lời yêu một nam học sinh cùng trường. Kể từ đó, những buổi trốn học đã diễn ra ngày một nhiều hơn. Ấm ức vì không được bạn gái để mắt đến, M - một nam học sinh cùng lớp đã tìm cách ghi lại những hình ảnh H trốn học đi chơi rồi dọa sẽ cho bố mẹ H biết nếu không thực hiện những yêu cầu của M. Sau một thời gian, số tiền bố mẹ cho để ăn sáng, rồi tìm mọi cách để lấy tiền của gia đình đưa cho M cũng không làm M thỏa mãn. Không còn cách nào khác, H buộc phải báo cáo với nhà trường và bố mẹ. Rất may là sau vụ việc đó, H đã nhận ra sai lầm của mình để tiếp tục rèn luyện, vươn lên trong học tập.

Không chỉ chuyện yêu đương, trong nhà trường hiện tượng học sinh, nhất là học sinh nữ đánh nhau được đưa lên mạng internet đã gây “sốc” cho nhiều phụ huynh và các nhà quản lý giáo dục. Gần đây, hình ảnh nữ sinh trường THPT N.Đ.T (TP Nam Định) đánh nhau ngay trong trường rồi tung lên mạng khiến nhiều người phải giật mình vì mức độ hung bạo của các học sinh nữ. Tuy nhiên, điều đáng nói là chứng kiến sự việc đó có rất nhiều học sinh (cả nam và nữ) nhưng không có học sinh nào đứng ra ngăn chặn, khuyên giải. Có chăng chỉ nghe thấy tiếng nói yếu ớt của một vài nữ sinh đứng từ xa để khuyên bạn mình “đừng đánh nữa, tha cho nó!”…

Đến các trường học, nhất là trường THPT, sẽ thấy tình trạng học sinh nói tục, chửi thề, để các kiểu tóc lập dị, đi xe máy đến trường, yêu đương hay có hành động vô lễ với thầy cô giáo không phải là hiếm. Mặc dù đây chưa phải là hiện tượng phổ biến nhưng rõ ràng đó là điều khiến nhiều người lo lắng. Rõ ràng, vấn đề giáo dục giới tính, kỹ năng sống cho học sinh còn nhiều hạn chế, đang đòi hỏi sự chủ động, tích cực của mỗi gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Và bản lĩnh của chính bản thân mỗi học sinh có vai trò rất lớn giúp các em giải quyết những vấn đề phức tạp của cuộc sống. Và hơn hết các em cũng đang rất cần có những chương trình giáo dục kỹ năng sống một cách thường xuyên và thiết thực, giúp các em sống có trách nhiệm với chính mình và cộng đồng./.

Thảo Linh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com