Những “Mái ấm tình thương” cho phụ nữ nghèo

08:04, 22/04/2011

Từ năm 2007, hưởng ứng Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã phát động các tầng lớp phụ nữ tích cực tham gia phong trào thực hành tiết kiệm vì phụ nữ nghèo. Đến nay, đã có hàng nghìn phụ nữ nghèo nhận được sự giúp đỡ của Hội, trong đó nổi bật là phong trào “Mái ấm tình thương” cho phụ nữ nghèo với số tiền quyên góp được lên tới hàng trăm triệu đồng.

Những ngôi nhà ấm tình người

Một ngày đầu tháng 4-2011, chúng tôi đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Tám, một phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở xóm 3, xã Tân Thành (Vụ Bản). Chị Tám là con thứ 5 trong một gia đình nông dân nghèo có 7 người con. Nhưng thật bất hạnh, chị và 2 người em trai đều bị mù bẩm sinh. Cuộc sống ở vùng quê nghèo với những người bình thường đã khó, với gia đình chị lại càng khó khăn hơn. Bố mất sớm, 4 chị gái đi lấy chồng chỉ còn người mẹ già và 3 người con mù loà và đứa con của chị Tám. Dù chẳng nhìn thấy gì nhưng vì cuộc sống quá khó khăn nên hàng ngày chị vẫn phải lần hồi kiếm sống bằng “nghề” mò cua bắt ốc ở con máng gần nhà. Nhiều hôm trời tối mà mọi người vẫn còn thấy chị bì bõm dưới máng… Hưởng ứng phong trào thực hành tiết kiệm theo tấm gương của Bác để giúp đỡ phụ nữ nghèo, hoàn cảnh đáng thương của chị Tám đã được Hội Phụ nữ xã quan tâm, đề xuất lên Hội cấp trên. Sau khi tiến hành khảo sát, năm 2009 Hội LHPN huyện đã trích 15 triệu đồng từ Quỹ mái ấm tình thương của Hội để xây cho chị căn nhà mới thay cho căn nhà xập xệ đã xuống cấp. Trong căn nhà nhỏ chỉ rộng chừng 12m2 tuy chẳng có đồ đạc gì đáng giá song với chị đó là niềm mơ ước tưởng chừng không bao giờ với tới được. Thế là từ nay mẹ con chị không còn phải nơm nớp lo nhà sập mỗi khi có mưa to gió lớn. Cùng hoàn cảnh tật nguyền như chị Tám, chị Trịnh Thị Đào ở xã Nghĩa Lợi (Nghĩa Hưng) sống trong cảnh đơn thân, hàng tháng chỉ nhờ vào số tiền trợ cấp ít ỏi của Nhà nước và sự giúp đỡ của bà con chòm xóm. Tiền ăn, tiền thuốc thang hàng ngày chị phải tằn tiệm lắm mới đủ nên căn nhà ọp ẹp đã lâu không có tiền sửa sang. Được sự quan tâm của Hội Phụ nữ huyện, tháng 10-2010, chị đã được nhận căn nhà tình thương trị giá 20 triệu đồng, trong đó có 15 triệu đồng do cán bộ, hội viên Hội Phụ nữ huyện ủng hộ; linh mục Phạm Văn Điển, giáo xứ Quần Vinh ủng hộ 2 triệu đồng, số còn lại do chị em trong chi hội giúp đỡ. Ngày dọn về căn nhà mới, chị Đào đã không giấu được sự xúc động: Không có sự giúp đỡ của các cấp Hội Phụ nữ, không biết đến bao giờ tôi mới được ở trong căn nhà vững chãi như thế (!).

Đó chỉ là 2 trong số rất nhiều phụ nữ nghèo có hoàn cảnh khó khăn được Hội Phụ nữ các cấp giúp đỡ xây, sửa nhà trong 4 năm qua. Đến nay, toàn tỉnh đã xây mới được 42 căn nhà tình thương, sửa chữa 22 căn nhà với tổng số tiền trên 850 triệu đồng, trong đó riêng năm 2010 đã có 19 căn nhà được xây mới và hỗ trợ sửa chữa 13 căn nhà. Những phụ nữ trong diện được nhận nhà tình thương hầu hết là những phụ nữ nghèo, sống đơn thân hoặc có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ốm đau tật nguyền đang phải đi ở nhờ hoặc không có khả năng để xây, sửa. Bởi vậy mỗi căn nhà “Mái ấm tình thương” càng trở nên ấm áp hơn bao giờ hết.

Chị Nguyễn Thị Tám, xóm 3, xã Tân Thành (Vụ Bản) trong buổi nhận
Chị Nguyễn Thị Tám, xóm 3, xã Tân Thành (Vụ Bản) trong buổi nhận

Khơi dậy truyền thống “Tương thân tương ái”

So với nhiều cuộc vận động khác thì những con số nêu trên chưa phải là lớn song đó thực sự là kết quả, sự nỗ lực lớn của các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh. Điều quan trọng hơn là cuộc vận động đã góp phần khơi dậy truyền thống “Tương thân tương ái”, “Lá lành đùm lá rách”, tinh thần trách nhiệm cộng đồng của mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ. Năm 2007 là năm đầu tiên phát động phong trào hỗ trợ xây, sửa nhà cho phụ nữ nghèo, mới chỉ có 2 đơn vị là Thành phố Nam Định và huyện Ý Yên vận động được với số tiền không nhiều. Những năm tiếp theo, số tiền vận động được cũng tăng dần đồng nghĩa với số phụ nữ nhận được sự hỗ trợ cũng tăng lên, từ 67 triệu đồng (năm 2008) lên 362 triệu đồng (năm 2009) và 479 triệu đồng (năm 2010). Với cách vận động, mỗi hội viên đóng góp 500 đến 1.000 đồng/năm để xây dựng quỹ “Ủng hộ phụ nữ nghèo”, sau đó trích nộp một phần lên huyện, huyện lại trích nộp một phần lên tỉnh. Đối với cán bộ chuyên trách Hội LHPN tỉnh và các huyện, thành phố đều thực hành tiết kiệm từ 10 đến 30 nghìn đồng/tháng để ủng hộ quỹ, nhiều đơn vị còn đặt hòm tiết kiệm tại cơ quan để thực hiện việc tiết kiệm hàng ngày. Tại huyện Nghĩa Hưng, mỗi đồng chí lãnh đạo Hội LHPN huyện ủng hộ quỹ 200 nghìn đồng/năm, cán bộ chuyên trách huyện hội và Chủ tịch Hội LHPN các xã, thị trấn ủng hộ 100 nghìn đồng/năm. Qua 4 năm, tổng số tiền tiết kiệm thu được là 179 triệu đồng, hỗ trợ xây 4 ngôi nhà “Mái ấm tình thương” ở các xã Nghĩa Phong, Hoàng Nam, Nghĩa Lợi trị giá 17 triệu đồng/nhà và giúp đỡ sửa chữa nâng cấp 6 ngôi nhà cho phụ nữ nghèo. Từ nhiều năm nay, cơ quan Hội LHPN Thành phố Nam Định đã duy trì “Hộp tiền tiết kiệm” để mỗi cán bộ chuyên trách trực tiếp ủng hộ từ 1 đến 5 nghìn đồng/tuần đồng thời vận động 100% hội viên thực hành tiết kiệm ủng hộ phụ nữ nghèo, kết quả đã thu được gần 130 triệu đồng cùng với số tiền vận động được từ các nhà hảo tâm xây 9 căn nhà tình thương tặng phụ nữ nghèo, hỗ trợ vốn cho 72 phụ nữ nghèo làm chủ hộ phát triển kinh tế. Đối với cấp cơ sở, mô hình “nuôi lợn đất” được triển khai sâu rộng đến các chi, tổ phụ nữ và được đông đảo hội viên tham gia. Bên cạnh sự đóng góp của cán bộ, hội viên phụ nữ, các cấp hội cũng vận động được nhiều nhà hảo tâm, các tổ chức xã hội, các chủ doanh nghiệp nữ cùng chung tay giúp đỡ phụ nữ nghèo. Tiêu biểu như Cty bảo hiểm Manulife hỗ trợ xây dựng 5 căn nhà “Mái ấm tình thương”, Cty du lịch Hoà Bình hỗ trợ 2 nhà, Quỹ UNILEVEL hỗ trợ 1 nhà, Cty cổ phần Traphaco hỗ trợ 1 nhà... Tổng số tiền thu được từ chương trình lên đến 967 triệu đồng, đã mang lại niềm vui cho nhiều hội viên phụ nữ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Điều đáng quý là phong trào đã nhóm lên ngọn lửa nhân ái trong cộng đồng. Từ số tiền hỗ trợ của Hội Phụ nữ, có khi chỉ 10 đến 15 triệu đồng song nhiều căn nhà đã được xây dựng có trị giá 45, 50 triệu đồng chủ yếu do cấp uỷ, chính quyền địa phương, các nhà hảo tâm, bà con chòm xóm hỗ trợ.

Tuy nhiên, hiện nay số phụ nữ nghèo, phụ nữ đơn thân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh vẫn còn không ít, trong đó vẫn còn nhiều trường hợp rất cần có sự hỗ trợ về nhà ở. Nắm bắt thực tế đó, năm 2011, Hội LHPN tỉnh vẫn tiếp tục phát động sâu rộng phong trào trong các tầng lớp phụ nữ để xây, sửa nhà ở cho phụ nữ nghèo, phấn đấu mỗi huyện, thành hội mỗi năm hỗ trợ xây dựng được 1 “Mái ấm tình thương” trị giá tối thiểu 15 triệu đồng/nhà. Do hiện nay, giá cả các loại vật tư xây dựng tăng cao nên để có được những “Mái ấm tình thương” thực sự vững chãi, bên cạnh nỗ lực của các cấp hội, sự đóng góp của hội viên phụ nữ rất cần có sự chung tay góp sức của cả cộng đồng. Đó cũng là một việc làm thiết thực trong giai đoạn “làm theo” tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh./.

Bài và ảnh: Hoài Phương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com