Để thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia y tế trường học, hàng năm, Ban Chỉ đạo Chương trình y tế trường học từ tỉnh đến các xã, phường, thị trấn được kiện toàn và đẩy mạnh hoạt động theo kế hoạch. Trong chương trình phòng chống bệnh mắt hột, đến nay tỷ lệ học sinh bị mắt hột hoạt tính giảm mạnh, tỷ lệ nhiễm mới và tái phát thấp. Kết quả khám mắt hột cho học sinh đầu năm học 2009-2010, đã có 100% số trường, 100% các lớp học trong tỉnh với 98,8% học sinh được khám mắt hột; trong đó chỉ còn 1,36% học sinh bị mắt hột hoạt tính. Chương trình nha học đường cũng có những tiến bộ rõ rệt với tỷ lệ 99,3% số học sinh trong tỉnh được khám răng miệng từ đầu năm học; tỷ lệ học sinh bị bệnh sâu răng, viêm tủy, viêm quanh cuống ở răng sữa giảm so với năm học trước. Năm học 2008-2009 tỷ lệ học sinh mắc bệnh sâu răng, viêm quanh cuống ở răng sữa là 21,7% thì năm học 2009-2010 tỷ lệ này đã giảm xuống còn 15,2%. Tỷ lệ bệnh cao răng, viêm lợi cũng giảm. Chương trình vệ sinh trường học với các công tác: vệ sinh môi trường, vệ sinh phòng học và các phòng chức năng, vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý và chăm sóc sức khỏe học sinh đã có nhiều tiến bộ. Các trường đều có tổ chức khám sức khỏe toàn diện mỗi năm một lần cho học sinh. Tỷ lệ học sinh được khám sức khỏe toàn diện đạt từ 95-97%. Nhiều đơn vị thực hiện tốt công tác y tế học đường như: TP Nam Định và các huyện: Trực Ninh, Nam Trực, Ý Yên… Cùng với việc bảo đảm các tiêu chí về bảo vệ sức khỏe cho học sinh như: phòng chống bệnh mắt hột, nha học đường, vệ sinh học đường như môi trường, nước uống, ánh sáng, việc áp dụng thời khóa biểu có khoa học về thời gian, thiết kế bàn ghế có kích thước hợp lý với từng khối lớp, sĩ số lớp vừa phải, phòng chống các căn bệnh trầm cảm, tự kỷ đang xuất hiện ngày càng nhiều trong học đường, chương trình y tế học đường đang hỗ trợ các nhà trường tạo ra một môi trường "thân thiện" thực sự đối với học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của các trường học.
Khám mắt cho học sinh Trường Tiểu học Nam Hải (Nam Trực)nhằm kịp thời ngăn ngừa bệnh đau mắt hột.
Ảnh:
Xuân Thu
|
Tuy nhiên, công tác y tế học đường ở tỉnh ta vẫn còn bộc lộ một số tồn tại: Một số trường tài liệu tuyên truyền chưa được bổ sung kịp thời; công tác đào tạo đội ngũ cán bộ y tế nhà trường chưa được quan tâm đúng mức… Để khắc phục những tồn tại trên, trong năm học 2010-2011, công tác y tế trường học tỉnh ta tập trung vào các mục tiêu: Hoàn thiện hệ thống quản lý sức khỏe học sinh ở cả 3 cấp mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Tiếp tục thực hiện chương trình y tế trường học bao gồm công tác quản lý sức khỏe học sinh, chương trình nha học đường và vệ sinh học đường, đồng thời thí điểm công tác quản lý tật khúc xạ. Hiện nay, Bệnh viện Mắt tỉnh đang khảo sát, đánh giá tại 9 trường THCS của 9 huyện, trên cơ sở kết quả đợt thí điểm này để xây dựng chương trình cho năm học sau. Qua khảo sát ban đầu tại 5 trường THCS cho thấy số học sinh bị tật khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị) chiếm tỷ lệ khá cao, khoảng 25-30%. Đây là thách thức mới cho công tác y tế học đường của tỉnh ta. Trong dự thảo Chương trình mục tiêu Quốc gia y tế trường học giai đoạn 2011-2015 của Bộ Y tế mới đây cũng đề cập tới các bệnh học đường phổ biến trong giai đoạn hiện nay như tật khúc xạ (chủ yếu là cận thị học đường), cong vẹo cột sống, răng miệng, rối loạn tâm thần học đường, bệnh giun sán, suy dinh dưỡng và thừa cân béo phì… Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay, ngoài 3 chương trình phòng chống mắt hột, nha học đường, vệ sinh học đường nằm trong Chương trình mục tiêu Quốc gia y tế trường học là có kinh phí và được quản lý tốt trong nhiều năm nay thì các bệnh học đường khác như cong vẹo cột sống, tim mạch, rối loạn tâm thần lứa tuổi học đường… ở tỉnh ta chủ yếu còn dựa vào y tế cơ sở, nên việc quản lý những bệnh này còn gặp nhiều khó khăn.
Trước những thách thức đó, công tác y tế học đường cần có sự quan tâm của các cấp, các ngành, đặc biệt là tăng cường sự phối hợp liên ngành giữa ngành Y tế và ngành Giáo dục - Đào tạo trong việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc các địa phương triển khai các hoạt động. Quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác y tế học đường, tăng hiệu quả sử dụng nguồn kinh phí dành cho hoạt động y tế trường học. Tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe cho học sinh, gia đình và cộng đồng, góp phần thực hiện thành công công tác y tế trường học trong những năm tới./.
Minh Thuận