Hướng nghiệp, giải quyết việc làm cho thanh niên: Còn nhiều khó khăn!

07:04, 01/04/2011

Hướng nghiệp, giải quyết việc làm cho đoàn viên thanh niên (ĐVTN) là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong việc đồng hành cùng thanh niên trong phong trào “lập nghiệp” của các tổ chức cơ sở Đoàn. Tuy nhiên, hoạt động này chưa thực sự tương xứng với yêu cầu đặt ra.

Thời gian qua, Tỉnh Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã phối hợp có hiệu quả với các ngành: Giáo dục - Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ sở dạy nghề, các trường THPT, THCS, các cơ quan báo chí đẩy mạnh việc hướng nghiệp, tư vấn nghề cho sinh viên, học sinh. Các trung tâm giới thiệu, dịch vụ việc làm đã góp phần tư vấn nghề nghiệp, giúp thanh niên hiểu rõ hơn về các chính sách, chế độ, tiêu chuẩn, pháp luật lao động, hướng nghiệp cho lao động trẻ cách thức tìm việc làm phù hợp với trình độ, khả năng, chuyên môn và trang bị cho họ những kiến thức ban đầu trên con đường lập thân, lập nghiệp. Theo đó, năm 2010, Tỉnh Đoàn đã tổ chức được 15 chương trình "Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Việt Nam", "Chọn nghề cho tương lai", "Hành trình đến với trường nghề, làng nghề",… trong khối các trường THPT trong tỉnh. Điển hình có thể kể đến ngày hội "Tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp" do Huyện Đoàn Xuân Trường phối hợp với Trường THPT Xuân Trường tổ chức cho hơn 2.000 học sinh lớp 12 các trường THPT, Trung tâm GDTX trong huyện, với sự tham gia của 12 trường ĐH, CĐ và THCN vào ngày 20-3-2010. Với những nỗ lực đó, cùng sự kết hợp có hiệu quả với các sở, ban, ngành của tỉnh, trong năm 2010, 565 dự án vay vốn từ Quỹ Quốc gia hỗ trợ việc làm với số tiền 24 tỷ 116 triệu đồng, tạo việc làm cho 4.062 lao động. Bình quân mỗi năm có trên 1.000 lao động (92% ở độ tuổi thanh niên) đi làm việc ở nước ngoài (Malaysia, Hàn Quốc, Đài Loan, Quatar, Lào...) mang lại nguồn thu nhập trên 10 triệu USD, không chỉ giúp gia đình họ cải thiện và nâng cao đời sống mà còn góp phần phát triển kinh tế nông thôn, đóng góp tích cực vào công cuộc giảm nghèo, đổi mới về nhận thức, tư duy cho thế hệ trẻ. Công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được các cấp, các ngành quan tâm. Qua 9 phiên giao dịch việc làm vào ngày 10 hàng tháng đã có 6.020 lượt lao động tham gia giao dịch tại sàn Giao dịch việc làm tỉnh, trong đó 3.613 lao động được phỏng vấn và 1.257 lao động được tuyển dụng. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia và đề án xã hội hoá công tác đào tạo nghề của tỉnh, hiện có 37 cơ sở dạy nghề trên địa bàn đang hoạt động, trong đó hàng chục cơ sở đã được đầu tư nâng cấp. Năm 2010 toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 28.325 lao động, trong đó chủ yếu là lực lượng thanh niên, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị xuống còn 4%, tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở khu vực nông thôn tăng lên 84%. 

Người lao động tìm kiếm thông tin việc làm tại một phiên giao dịch việc làm.
Người lao động tìm kiếm thông tin việc làm tại một phiên giao dịch việc làm.
Ảnh: Internet

Những nỗ lực của các cấp, các ngành trong công tác giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho thanh niên đã giảm bớt áp lực nhu cầu việc làm, nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, công tác hướng nghiệp mới chỉ tác động trực tiếp đến một bộ phận thanh niên chứ chưa tạo thành nếp nghĩ, nhận thức chung của toàn bộ thanh niên cũng như toàn xã hội. Theo tính toán, nhu cầu cung - cầu lao động trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2015, toàn tỉnh cần giải quyết việc làm mới cho 30.000 người. Trong khi đó, chất lượng lao động còn thấp, tỷ lệ lao động thanh niên qua đào tạo khoảng 1/3; trong đó đào tạo ngắn hạn chiếm tới 85%. Lao động trẻ từ nông thôn đến làm việc tại các doanh nghiệp hầu hết còn hạn chế về kỹ năng thực hành nghề, lý thuyết và năng lực hành nghề. Bên cạnh đó, một bộ phận thanh niên ngại khó khăn vất vả, không chịu đăng ký theo học nghề. Một nguyên nhân khác là thanh niên chưa nhận thức đầy đủ về công việc, chưa được định hướng nghề nghiệp, thực trạng lao động xã hội, cơ cấu nền kinh tế…, từ đó dẫn đến tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”, trong khi nhiều ngành nghề thuộc các khối hành chính, sự nghiệp sau khi học ra trường,  nhiều người không thể tìm kiếm được việc làm. Điều tra xã hội học cho thấy: 90% thanh niên tốt nghiệp THPT có nguyện vọng học đại học, cao đẳng, 70% thanh niên sau khi tốt nghiệp các trường chuyên nghiệp muốn làm việc trong khu vực Nhà nước; 50% muốn làm việc ở thành phố lớn, chỉ có 8% thanh niên muốn làm việc ở nông thôn…

Để triển khai đồng bộ và có hiệu quả việc giải quyết việc làm cho thanh niên đạt mục tiêu đề ra, trước hết, các cấp, các ngành, đặc biệt là tổ chức Đoàn các cấp cần phải làm tốt công tác tuyên truyền vận động, định hướng phân luồng học nghề cho thế hệ trẻ, giúp họ đánh giá, lựa chọn đúng ngành nghề phù hợp với năng lực của bản thân và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của tỉnh, xoá bỏ định kiến xem thường việc học nghề trong giới trẻ. Thông qua các hoạt động này, sẽ giúp cho thanh niên ý thức được vai trò, trách nhiệm của tuổi trẻ trong việc không ngừng rèn luyện học tập, nâng cao trình độ tay nghề, chuyên môn, nghiệp vụ. Ban hành các chính sách ưu tiên về cấp đất, miễn giảm các khoản thuế cho các Cty, doanh nghiệp có cam kết, đăng ký tuyển dụng nhiều lao động của địa phương vào làm việc. Đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động, dịch vụ giới thiệu việc làm trong và ngoài nước. Bổ sung nguồn vốn Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm, nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, giúp ĐVTN tự tạo việc làm. Duy trì và phát triển “Ngày hội việc làm”, “Hội chợ việc làm”, sàn giao dịch việc làm, nhằm tạo điều kiện cho lực lượng lao động trẻ và người sử dụng lao động hiểu biết lẫn nhau, có cơ hội tìm việc làm và tuyển dụng lao động. Quy hoạch lại, đầu tư nâng cấp các trường, trung tâm dạy nghề cả về cơ sở vật chất lẫn năng lực đào tạo, nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và triển khai thực hiện các chương trình. Hỗ trợ, tạo cơ hội việc làm cho thanh niên, đặc biệt là thanh niên nông thôn. Triển khai và mở rộng mô hình trí thức trẻ tình nguyện, làng thanh niên lập nghiệp, tổng đội thanh niên xung phong, nhằm phát huy vai trò xung kích của thanh niên tham gia phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết việc làm, phân bổ lại lao động. Các cấp uỷ Đảng, chính quyền, ngành chức năng cần tạo điều kiện và bố trí đủ nguồn lực để các cấp bộ Đoàn triển khai thực hiện có hiệu quả đề án giải quyết việc làm cho thanh niên, đồng thời quan tâm, tạo điều kiện cho ĐVTN phát triển một cách toàn diện, xứng đáng là lực lượng xung kích trên mặt trận phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đồng hành cùng thanh niên trên con đường lập thân, lập nghiệp./.

Ngân Huyền



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com