Hiệu quả từ Chương trình Quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

07:04, 20/04/2011
Vận hành thiết bị cung cấp nước sạch ở nhà máy nước sạch Nam Dương (Nam Trực).
Vận hành thiết bị cung cấp nước sạch ở nhà máy nước sạch Nam Dương (Nam Trực).

Từ nhiều năm nay, Chương trình Quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NS&VSMTNT) đã được triển khai rộng khắp trên địa bàn tỉnh và đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Hết năm 2010, toàn tỉnh có 84,1% dân số được hưởng nước hợp vệ sinh, tương đương 1 triệu 423 nghìn 821 người; tỷ lệ dân số được hưởng nước sạch theo quy chuẩn quốc gia là 51,55%, tương đương 861 nghìn 720 người. Số hộ dân có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 62,4%. Các công trình phúc lợi có công trình cấp nước và nhà tiêu hợp vệ sinh đều đã đạt tỷ lệ cao như: trường học đạt 94,4%, trụ sở UBND xã đạt 95%, trạm y tế đạt 97%... Đạt được kết quả trên là do sự nỗ lực của các cấp, các ngành và sự tham gia tích cực của người dân trong tỉnh. Trong đó công tác tuyên truyền đã được các cấp, các ngành tăng cường, đổi mới, mở rộng địa bàn, phạm vi đối tượng. Cùng với việc tuyên truyền ở các làng nghề truyền thống, các hộ sản xuất CN-TTCN, các ngành chức năng đã chú trọng tuyên truyền ở các vùng quê thuần nông. Nội dung tuyên truyền tập trung vào việc cung cấp thông tin về thực trạng, các nguy cơ tác động tiêu cực đến sức khoẻ, đời sống sinh hoạt, sản xuất khi môi trường bị ô nhiễm. Nhờ đó, trong giai đoạn 2006-2010, mục tiêu của Chương trình Quốc gia NS&VSMTNT đã không chỉ thay đổi nhận thức mà còn tạo lập tâm lý được sử dụng nước sạch và nhà vệ sinh hợp tiêu chuẩn trong nhân dân. Người dân ở các vùng nông thôn đã chủ động vay vốn tín dụng ưu đãi (chiếm tỷ lệ khoảng 40% trong tổng nguồn vốn huy động trong chương trình) để xây dựng các công trình nước sinh hoạt và nhà vệ sinh. Ngoài ra, công tác quản lý, vận hành các công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn cũng được quan tâm giám sát nên đã phát huy được hiệu quả. Đặc biệt do có sự quan tâm và coi việc thực hiện chương trình là một chỉ tiêu phát triển nên các cấp, các ngành đã nỗ lực huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư hỗ trợ. Điển hình như chương trình “khí sinh học” hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng hầm bioga của Chính phủ Hà Lan cho người chăn nuôi. Từ năm 2007, khi tiếp nhận dự án, Ban quản lý dự án đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm nước sạch và VSMT (Sở NN-PTNT) xây dựng kế hoạch, triển khai lực lượng điều tra đối tượng và lựa chọn các hộ có nhu cầu để tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia chương trình. Chương trình đã đào tạo cho mỗi huyện 1 chuyên viên kỹ thuật, 2 tổ thợ xây bảo đảm xây dựng hầm, lắp đặt các thiết bị phụ trợ đúng yêu cầu kỹ thuật, chất lượng theo quy định; hỗ trợ mỗi hộ tham gia dự án 1,2 triệu đồng và tư vấn miễn phí các vấn đề có liên quan đến chất lượng và quy mô công trình. Nhờ đó, bình quân mỗi năm chương trình đã hỗ trợ xây dựng được 350 công trình. Dự án cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn do Ngân hàng Thế giới hỗ trợ, đến hết năm 2010 toàn tỉnh được đầu tư 12 triệu 664 nghìn 400 USD, xây dựng 8 công trình. Trong đó, Cty cổ phần nước sạch và vệ sinh môi trường (được thành lập năm 2008) đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để nâng cấp mạng cấp nước, sửa chữa bảo dưỡng các tuyến ống, thiết bị công nghệ, hệ thống bể lọc tại các nhà máy nước của các huyện Xuân Trường, Mỹ Lộc, xã Nam Dương (Nam Trực), đồng thời trích kinh phí cho công tác truyền thông, sử dụng nước sạch và bảo vệ an toàn các tuyến ống. Dự kiến đến năm 2013, Cty sẽ xây dựng mới và quản lý 11 nhà máy cấp nước sạch tại 40 xã trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, từ năm 2005, tỉnh đã có kế hoạch đầu tư xây dựng các công trình cấp nước liên xã. Mô hình này đã thực sự đạt hiệu quả do tiết kiệm chi phí đầu tư, đồng thời số xã được sử dụng nước sạch tăng nhanh. Thay vì đầu tư ở mỗi xã một công trình, mô hình đã thực hiện đầu tư công trình có quy mô lớn, với khả năng cung cấp cho nhiều xã. Hiện đã có gần 50 công trình cấp nước sạch quy mô liên xã đã và đang được xây dựng trên địa bàn toàn tỉnh. Những công trình đã đưa vào sử dụng đều hoạt động hiệu quả đem lại nhiều tiện ích phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất của người dân. Nhà máy nước sạch Nam Dương (Nam Trực) đi vào hoạt động từ tháng 8-2007, với tổng vốn đầu tư và nâng cấp 7,4 tỷ đồng. Do sử dụng công nghệ bể lọc tự rửa không van, vừa tiết kiệm năng lượng và các loại hoá chất xử lý nước vừa dễ quản lý, vận hành nên nhà máy luôn bảo đảm cung cấp nước hợp vệ sinh cho hơn 2.000 hộ dân trong xã Nam Dương với khoảng trên 1 vạn người dân và 500 hộ ở các thôn: Bình Minh, Rót, Phan, Xây Ít, Cổ Lũng và Xứ Trưởng của xã Bình Minh.

Thời gian tới, Chương trình Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn sẽ tăng cường thực hiện việc công khai, minh bạch về nguồn vốn, chất lượng đầu tư theo hướng: dân biết, dân bàn, dân tham gia, giám sát, quản lý. Đẩy mạnh công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về vệ sinh môi trường với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với từng địa phương để có sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng vì mục tiêu nâng cao tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch./.

Bài và ảnh: Nguyễn Thanh Thúy

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com