Đề án kiểm tra sức khoẻ và tư vấn tiền hôn nhân (Đề án tiền hôn nhân) hướng đến đối tượng trong độ tuổi vị thành niên, thanh niên chưa lập gia đình với các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khoẻ sinh sản, KHHGĐ, giúp các em có quan điểm đúng đắn về tình bạn, tình yêu, về quan hệ tình dục và biết cách phòng tránh những bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Năm 2006, Đề án tiền hôn nhân được triển khai thí điểm ở xã Đại Thắng và Thị trấn Gôi (Vụ Bản), sau nhân rộng thêm 5 xã của 4 huyện. Từ hiệu quả thiết thực, đến hết tháng 12-2010, đề án đã được triển khai ở cả 10 huyện, thành phố trong tỉnh với tổng số 37 xã được thụ hưởng đề án. Bằng nhiều hoạt động: tổ chức tập huấn, nói chuyện chuyên đề, tư vấn và khám sức khoẻ cho đối tượng, tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng..., Đề án tiền hôn nhân đã nhận được sự quan tâm không chỉ của thanh, thiếu niên mà của cả cha mẹ các em. Trong 5 năm qua, trong khuôn khổ đề án đã truyền thông trực tiếp 105 buổi thu hút hơn 4.000 lượt người đến nghe, tư vấn tại cộng đồng 150 buổi với 2.370 lượt người đến nghe; tổ chức hàng trăm hội nghị tuyên truyền ở cấp huyện và cấp xã, 152 buổi sinh hoạt CLB với 2.960 lượt người tham gia; tập huấn cho cán bộ các cơ quan, đoàn thể xã hội, đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên dân số cấp xã để phổ biến rộng rãi đến đối tượng vị thành niên. Ngoài ra, còn cấp phát 150 nghìn tờ rơi cho các đối tượng với nội dung: Hiểu biết đầy đủ về vị thành niên - thanh niên, Nam vị thành niên cần biết, Nữ vị thành niên cần biết, An toàn sức khoẻ sinh sản cho vị thành niên, Một góc tuổi teen... Tổng kinh phí cho 5 năm hoạt động của đề án từ chương trình mục tiêu quốc gia chỉ trên 1,5 tỷ đồng song hiệu quả do đề án mang lại rất lớn, góp phần nâng cao nhận thức, sự hiểu biết cho đội ngũ cán bộ, nhân dân nói chung, đặc biệt là nhóm đối tượng vị thành niên - thanh niên trên địa bàn được triển khai đề án. Từ những thông tin hữu ích về chăm sóc sức khoẻ sinh sản, KHHGĐ, các em có thêm kiến thức để chăm sóc bản thân cũng như biết cách chăm lo, bảo vệ hạnh phúc gia đình, chăm sóc con cái sau này. Qua khảo sát, đánh giá của Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh tại một số xã được thụ hưởng đề án, nhận thức của lớp trẻ đã có chuyển biến tích cực. Khi đề cập đến các vấn đề như: sức khoẻ sinh sản, quan hệ tình dục trước hôn nhân..., các em không còn né tránh mà sẵn sàng tham gia thảo luận, phát biểu ý kiến của mình về vấn đề này. Em Đặng Ngọc Hà, thôn Khang Ninh, xã Trực Cường (Trực Ninh) cho biết: “Trước đây, khi học môn Sinh học có bài giới thiệu về giới tính, các thầy cô thường bỏ qua hoặc giảng rất sơ lược vì thấy học sinh có vẻ e ngại. Sau khi được tiếp cận với đề án tiền hôn nhân, chúng em đã nói chuyện với nhau về vấn đề chăm sóc sức khoẻ sinh sản, quan hệ tình bạn - tình yêu - một cách tự nhiên hơn”. Nhiều bậc phụ huynh cũng cho biết họ không còn lo lắng trước những câu hỏi “vì sao” khó trả lời của lứa tuổi mới lớn nữa mà đã biết cách lắng nghe và thẳng thắn trao đổi, hướng dẫn, đưa ra lời khuyên cho con về lĩnh vực này.
Khó khăn hiện nay là địa bàn triển khai đề án còn quá ít so với nhu cầu, mới có 37 xã, phường, thị trấn được triển khai đề án. Đội ngũ cán bộ tham gia thực hiện đề án từ tỉnh đến cơ sở còn thiếu nên việc triển khai thực hiện có phần chậm, chất lượng có nơi còn hạn chế. Sự phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể chưa chặt chẽ, hoạt động chưa nhịp nhàng, đặc biệt là sự phối hợp giữa ban quản lý đề án cấp huyện, xã với các đơn vị của ngành Y tế, Đoàn Thanh niên, ngành Giáo dục - Đào tạo, ngành Văn hoá - Thể thao. Mặt khác, do kinh phí đầu tư có hạn, việc tổ chức khám sức khoẻ cho đối tượng - một nội dung quan trọng của đề án không tiếp tục được. Những hạn chế này cần sớm khắc phục để việc triển khai đề án trong thời gian tới đạt hiệu quả hơn, góp phần nâng cao chất lượng dân số./.
Hồng Hạnh