Hải Đường tìm lời giải bài toán thu nhập

09:04, 06/04/2011

Đến đầu năm 2011, xã Hải Đường (huyện Hải Hậu) - địa phương được Trung ương chọn xây dựng thí điểm xây dựng mô hình NTM - đã hoàn thành 14/19 tiêu chí về NTM. Và quyết tâm của xã là đến hết năm 2011, sẽ đạt từ 15 đến 17 tiêu chí, đến năm 2015 thì hoàn thành nốt những tiêu chí còn lại.

Làng quê Hải Đường hôm nay.  Ảnh: Internet
Làng quê Hải Đường hôm nay.
Ảnh: Internet

Bụng dân vẫn rỗng thì chưa phải NTM

Trong 5 tiêu chí còn lại đó, có hai tiêu chí quan trọng nhất, đó là đưa mức thu nhập bình quân của người dân trong xã lên gấp 1,5 lần mức thu nhập bình quân chung của tỉnh (tiêu chí thứ 10) và chuyển dịch cơ cấu lao động, đưa 75% số lao động của xã khỏi lĩnh vực sản xuất nông nghiệp (tiêu chí thứ 12). Về thu nhập, năm 2010, mức bình quân của Hải Đường mới đạt 10 triệu đồng/người, trong khi mức thu nhập bình quân của cả tỉnh Nam Định đã đạt mức 12 triệu đồng/người.

Vì vậy, con đường để nâng mức thu nhập bình quân lên gấp 1,5 lần của tỉnh còn vô cùng gian nan, và là một cuộc “rượt đuổi” không ngừng, bởi thu nhập bình quân của tỉnh mỗi năm một tăng chứ không chỉ dừng ở con số 12 triệu đồng. Không nâng cao được thu nhập (đồng nghĩa với nâng cao đời sống) cho dân, thì nói như nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Huy Ngọ, thành viên Ban chỉ đạo Trung ương về xây dựng NTM, là: Có đường bê tông rộng rãi và có rất nhiều thứ khác nữa nhưng bụng người dân vẫn rỗng, hộ nghèo vẫn nhiều, thì vẫn chưa phải là NTM.

Hai tiêu chí này (10 và 12) có mối liên quan chặt chẽ với nhau, quyết định lẫn nhau. Muốn nâng cao thu nhập của người dân, thì không còn con đường nào khác ngoài việc đưa phần lớn lao động sang khu vực sản xuất phi nông nghiệp. Nhận thức rõ vấn đề này, lãnh đạo xã Hải Đường đang đặt một quyết tâm rất lớn là chuyển dịch cơ cấu lao động của mình theo hướng “nghề hóa”.

Ngày 29-3-2011, nhà máy may số 1 của Cty CP May Hải Đường đã đi vào hoạt động, 500 lao động của xã đã được tuyển dụng vào nhà máy với mức lương từ 1,5-2 triệu đồng/người/tháng, chưa kể hàng trăm hộ gia đình đã sắm máy may, nhận hàng của nhà máy về may tại nhà. Trước đó, xã đã dành cả hội trường làm lớp học để đào tạo nghề may cho dân. Bí thư Đảng ủy xã Kim Quang Đãng cho biết: Nếu Cty may xây dựng tiếp nhà máy số 2, thì khoảng 1.000 lao động nữa là con em trong xã sẽ được tuyển vào đó làm việc.

Nhưng việc xây dựng nhà máy may số 2 của Cty vẫn còn ở “thì tương lai”. Vốn là một xã thuần nông, tuy cũng có một số nghề như thêu ren, xe sợi đay, mộc mỹ nghệ… nhưng số người làm nghề không nhiều, và cũng không phải làm chuyên theo đúng với nghĩa của từ “nghề”, mà chỉ là làm trong lúc nông nhàn. Cho đến lúc này, trên 70% trong tổng số trên 6.000 lao động trong độ tuổi của xã vẫn là lao động nông nghiệp.

Để hoàn thành tiêu chí thứ 12, trên dưới 3.000 lao động nữa của Hải Đường phải được chuyển sang làm nghề hoặc sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ… Và để đạt mức thu nhập gấp 1,5 lần mức thu nhập bình quân của tỉnh (18 triệu đồng/người/năm), với dân số 13.000 người, hàng năm Hải Đường phải có thêm 104 tỷ đồng nữa ngoài những gì mình đã có, với điều kiện là thu nhập bình quân của tỉnh không biến đổi. Đó quả là một thách thức không nhỏ.

Cau, cây cảnh và du lịch sinh thái

Đến Hải Đường, chúng tôi thấy ba lĩnh vực có thể thu hút một lượng lao động khá lớn và nâng cao thu nhập cho người dân nếu được quan tâm, đầu tư đúng mức. Một là phát triển cây cau thương phẩm. Cây cau chiếm diện tích đất rất ít, không kén đất, có thể trồng ở bất cứ chỗ nào, từ góc vườn, ven đường, ven ngõ, bờ mương, bờ ao, thậm chí cả bờ ruộng… Mấy năm nay cau bán rất chạy, nhờ có 6 “hộ lớn” trong xã đứng ra bao tiêu, chế biến xuất khẩu.

Chỉ riêng một hộ anh Phạm Văn Định năm ngoái đã thu mua tới 500 tấn cau tươi, chế biến thành 100 tấn cau khô để xuất khẩu. Năm 2010, ước tính từ 2.500 đến 3.000 tấn cau tươi đã được thu mua, chế biến và xuất sang Trung Quốc, năm 2011 này, lượng cau xuất sẽ lớn hơn vì các hộ trên cho biết thị trường Trung Quốc đang “ăn” mặt hàng này rất mạnh. Mỗi hộ lớn này, vào mùa cau, lại thu hút cả chục lao động làm công việc chế biến cau. Cây cau đang phát triển rất mạnh, nhiều hộ đã thoát nghèo, nhiều hộ khác đã trở nên khá giả từ cây cau. Chị Đặng Thị Cát cho biết, 300 cây cau nhà chị năm ngoái cho thu nhập gần 20 triệu đồng.

Thứ hai là trồng cây cảnh. Đến xóm 21 (xã có 26 xóm) thấy phần lớn ruộng lúa đã được bà con biến thành vườn trồng cây cảnh, hầu hết là cây sanh. Một sào ruộng có thể trồng được ba, bốn chục cây, nhiều cây đã có giá tới vài ba triệu đồng, cây bình thường cũng bốn năm trăm nghìn đồng. Một hộ nhỏ như chị Đặng Thị Cát mà có tới hơn 100 cây sanh. Trong các vườn nhà, cây cảnh cũng phát triển rất mạnh và không ít người đã sống chuyên về việc trồng, kinh doanh cây cảnh, có thể nói là một nghề mới đang hình thành. Đã xuất hiện những cây thế có giá tới hơn trăm triệu đồng, tuy nó chiếm diện tích chỉ vài m2 nhưng đủ sức “đánh ngã” hàng ha ruộng lúa.

Thứ ba, tuy diện tích canh tác bình quân của xã chỉ có khoảng 500 m2/người, nhưng bình quân mỗi hộ ở Hải Đường lại có tới 1.000 m2 đất vườn. Mệt mỏi do ồn ào, bụi bặm và kẹt xe… ở đô thị, nên càng ngày, càng có nhiều du khách cả nước ngoài lẫn trong nước tìm về những làng quê để được hưởng không khí trong lành, được hòa mình với thiên nhiên, với cuộc sống dân dã… Đó sẽ là cơ hội cho Hải Đường nếu biết cách khai thác./.

Thanh Vũ



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com