Chủ động các phương án phòng chống lụt bão năm 2011

07:04, 20/04/2011

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, năm nay, có khoảng 5-6 cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta, diễn biến phức tạp, khó lường, thậm chí có những biểu hiện thời tiết cực đoan. Vì thế, việc chủ động các phương án phòng chống lụt bão (PCLB) được coi là một trong những nhiệm vụ cấp bách của các cấp, các ngành và nhân dân toàn tỉnh trong mùa mưa bão năm nay.

1. Thực trạng công trình đê, kè, cống

Tỉnh ta có 663km đê sông, đê biển; trong đó có 365km đê cấp 1 đến cấp 3; 91km đê biển; 274km đê sông; 298km đê dưới cấp 3 và gần 100km kè sông, kè biển; 282 cống qua đê. Trong số 29 bối có 21 bối có dân cư, 8 bối canh tác, nhiều bối lớn như bối Yên Trị (Ý Yên), Thắng Thịnh (Nam Trực) có từ 7.000 đến 13.000 dân đang sinh sống. Toàn tỉnh đã có 120km mặt đê được bê tông hoá, đã được xây dựng 50 cống qua đê, 20km kè sông, 33km kè biển đã được nâng cấp… Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn nhiều công trình đã xuống cấp chưa được tu bổ kịp thời. Trong 274km đê sông có gần 20km (chủ yếu thuộc tuyến tả, hữu sông Ninh Cơ) cao trình xấp xỉ mực nước thiết kế. Chiều rộng mặt đê một số đoạn thuộc tuyến tả, hữu sông Ninh Cơ, sông Đào, sông Đáy còn hẹp. Tuyến đê sông Sò cao trình đê thấp, mặt cắt đê hẹp. Những đoạn đê sát sông, không còn bãi hoặc bãi hẹp, thường xuyên bị xói lở phải làm kè bảo vệ. Tuy nhiên, do kinh phí đầu tư hạn chế nên quy mô của các công trình kè chưa đáp ứng được yêu cầu PCLB, nhiều kè do dòng chảy áp sát thân nên đoạn đầu và cuối kè vẫn bị sạt lở. Một số kè xây dựng lâu đã xuống cấp như các kè: Hồng Hà, Óng Bò - Ngô Xá, Cồn Ba, Cồn Tư, Giao Hương thuộc tuyến đê hữu sông Hồng; kè Hưng Thịnh, Chương Nghĩa, kè 16 (tả sông Đáy), kè bắc Quần Liêu (kênh Quần Liêu)… cần được đầu tư, sửa chữa. Trong số 170 cống qua đê còn 12 cống xây dựng trước những năm 1970, yếu và ngắn so với mặt cắt đê cần sửa chữa và xây mới như cống: Thanh Khê, Tây Vĩnh Trị, cống xả trạm bơm Yên Quang, Chi Tây, Phú Giáo thuộc tuyến đê tả sông Đáy; Vạn Diệp, Kinh Lũng, Dương Độ, Cốc Thành thuộc tuyến đê tả sông Đào, Quán Khởi thuộc tuyến đê hữu sông Đào; Đại Tám, Sách Đê thuộc tuyến đê hữu sông Ninh Cơ… Một số cống khẩu độ lớn mùa lũ vận hành khó như cống trạm bơm Hữu Bị, Ngô Xá, Ngô Đồng, Hạ Miêu II (sông Hồng), Ấp Bắc, Bình Hải II, Quỹ Nhất (tả sông Đáy), Trung Linh, Âu Múc II, Ngòi Cau (tả sông Ninh Cơ), cống Nam Tân, cống Rõng I, II, Đại Tám (hữu sông Ninh Cơ). Phần lớn tuyến đê biển tỉnh ta thuộc vùng biển lấn, bãi thoái nghiêm trọng. Trong số 91km đê biển có trên 50km đê đi qua khu vực nền cát, đất đắp đê là cát và cát pha. Khoảng 45km đê trực diện với biển, phía trong đồng là thùng đào, thường xuyên chịu tác động gây hại của sóng do triều cường, gió mạnh, áp thấp nhiệt đới và bão. Hiện có gần 33km đã được tu bổ, nâng cấp, kiên cố. Còn 9km đê, kè biển xung yếu thuộc dự án nâng cấp khẩn cấp, gần 8km đê Cồn Xanh (Nghĩa Hưng) và một số công trình xung yếu trên tuyến đê sông cần phải chủ động phương án hộ đê, bảo đảm công trình an toàn. Trong 49 cống qua đê biển còn gần 10 cống được xây dựng trước những năm 1970, ngắn so với mặt cắt đê, đã xuống cấp cần phải sửa chữa và xây mới gồm các cống: Hoành Lộ, Cồn Tàu, Công Đoàn (Giao Thuỷ), cống số 4, Hạ Trại (Hải Hậu), Thanh Hương, Ngọc Lâm (Nghĩa Hưng) và 10 cống yếu qua đê sông, đê biển phải hoành triệt trước mùa mưa lũ… 

Cán bộ xã Nam Phong (TP Nam Định) kiểm tra vật tư PCLB tại trọng điểm cống Ngô Xá.
Cán bộ xã Nam Phong (TP Nam Định) kiểm tra vật tư PCLB tại trọng điểm cống Ngô Xá.

2. Chủ động các phương án PCLB

Để phòng chống và hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và của do thiên tai gây ra, hiện nay, công tác chuẩn bị nguồn vật tư, nhân lực theo phương châm “4 tại chỗ” đã được các cấp, các ngành và các địa phương trong toàn tỉnh chủ động triển khai. Mục tiêu của công tác PCLB năm nay được xác định: Đối với đê sông Hồng, sông Đào, sông Ninh Cơ chống được mức lũ tương ứng mực nước thiết kế tại Hà Nội là 13,1m; đê sông Đáy bảo đảm chống được mức lũ tương ứng với mực nước thiết kế tại Ninh Bình là 4,6m; tuyến đê biển chống được bão cấp 9, gặp nước triều dâng tần suất 5% với mực nước tại Văn Lý, dương 2,29m. Những đoạn đê đã được tu bổ, nâng cấp theo hướng vững chắc chống được bão cấp 10, gặp nước triều dâng tần suất 5%. Mục tiêu chống úng đặt ra là: Vùng phía bắc tỉnh mức nước lũ ngoài sông nhỏ hơn báo động 3, điện bảo đảm ổn định; vùng phía nam tỉnh không trùng với thời kỳ nghén nước. Trong trường hợp mưa 3 ngày liên tiếp, lượng mưa nhỏ hơn 200mm, bảo đảm an toàn 100% diện tích lúa mùa; lượng mưa từ 200-250mm, bảo đảm an toàn 70 nghìn ha lúa mùa trở lên, lượng mưa trên 250mm, bảo đảm an toàn cho 64 nghìn ha lúa mùa trở lên, hạn chế thấp nhất thiệt hại khi xảy ra lũ, bão vượt mức lịch sử và vượt mức thiết kế.

Qua kiểm tra và đánh giá hiện trạng các công trình PCLB, năm 2011, tỉnh ta xác định có 25 trọng điểm PCLB, trong đó có 1 trọng điểm cấp tỉnh là đê, kè Đinh Mùi, xã Hải Triều (Hải Hậu), còn lại là các trọng điểm cấp huyện. Các trọng điểm  này đã được các huyện, thành phố xây dựng các phương án bảo vệ cụ thể. Nguồn vật tư dự trữ toàn tỉnh gồm 57.912m3 đá hộc, đá dăm, 5.755 bộ rọ thép, 41.496m2 vải lọc, gần 550 nghìn bao ni lông và hơn 193m2 bạt chống tràn và nhiều vật tư, phương tiện khác đã được phân bổ, đưa về tập kết tại các điểm xung yếu từ tỉnh cho tới các huyện, xã, thuận tiện khi vận chuyển trong mọi tình huống. Lực lượng quản lý đê nhân dân cũng đã được huy động, giao nhiệm vụ cụ thể. Tuy nhiên, hiện vẫn còn khoảng 80 trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ đê điều tồn đọng từ năm 2010 cần phải xử lý. Để đạt được mục tiêu PCLB đã đặt ra, hiện nay, các đơn vị thi công cũng đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình PCLB, hoàn thành các đoạn đê, kè xung yếu như Xương Điền, Văn Lý (Hải Đông, Hải Lý), cống số 4 đến kè Đinh Mùi (Hải Chính, Hải Triều), Tây Giao Phong (Thị trấn Quất Lâm), Nghĩa Phúc - Nam Điền, Nam Điền - Nghĩa Hải, phấn đấu xong trước ngày 30-4-2011; hoàn thành công trình đê từ phà Thịnh Long đến cống Quần Vinh 1; cống Cồn Nhì (hữu sông Hồng) đến cống số 10 (đê biển) xong trước ngày 31-5-2011. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, được giao, Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành và các địa phương xây dựng cụ thể phương án hộ đê toàn tuyến, phòng chống lũ đối với vùng bối, chống úng theo quy định, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn ở những vùng đê xung yếu, cửa sông, ven biển; kiểm tra những vị trí đê, kè, cống xung yếu. Khi có thiên tai xảy ra khẩn trương huy động lực lượng, vật tư, phương tiện, kinh phí để phòng, chống, nhanh chóng khắc phục hậu quả. Đối với các vùng bối chủ động PCLB, di dời dân và tài sản khi mức lũ đạt và vượt quy định để bảo đảm an toàn về người, giảm thiểu thiệt hại về tài sản; đồng thời bảo đảm cuộc sống cho những người ở lại hộ đê, tuần tra bảo vệ. Tại những nơi xung yếu, những địa bàn trọng điểm như đê, kè Đinh Mùi, xã Hải Triều, đê hữu sông Sò, xã Hải Nam, Hải Phúc (Hải Hậu), đê, kè Giao Hương, Cồn Ba, Cồn Tư (Giao Thuỷ), cống xả trạm bơm Yên Quang (Ý Yên)… hiện các địa phương đã xây dựng xong phương án và có kế hoạch bảo vệ cụ thể. Lực lượng tại chỗ chủ yếu gồm dân quân tự vệ, thanh niên xung kích và huy động nguồn nhân lực của các Cty, doanh nghiệp, trường dạy nghề đóng trên địa bàn, có phương án bổ sung khi cần thiết. Nhiều địa phương đã xây dựng phương án diễn tập PCLB với các tình huống giả định ở nhiều cấp độ, bảo đảm sát thực tế để chủ động phòng, chống nhằm hạn chế thiệt hại. Số thuốc dự phòng, dụng cụ và phương tiện y tế, nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm cần thiết, bảo đảm nguồn điện… cho các vùng chịu ảnh hưởng lụt, bão sẵn sàng ứng cứu trong mọi tình huống.

Công tác PCLB năm nay đang được các cấp, các ngành, các địa phương tích cực chuẩn bị nhằm góp phần giảm bớt thiệt hại cho nhân dân khi có bão lũ xảy ra, đồng thời nhanh chóng ổn định đời sống và khôi phục sản xuất tại các địa phương./.

Bài và ảnh: Thanh Thuỷ



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com