Gần đây, giáo dục văn hoá giao thông cho học sinh được ngành Giáo dục - Đào tạo đặc biệt quan tâm trong công tác giảng dạy. Giờ học về Luật Giao thông được bố trí hợp lý trong chương trình các cấp học. Nhiều cuộc thi tìm hiểu pháp luật về an toàn giao thông (ATGT) liên tục được ngành Giáo dục - Đào tạo phối hợp với các ngành chức năng, các tổ chức xã hội và các đơn vị tổ chức hằng năm. Những nỗ lực này nhằm tạo dựng sân chơi thúc đẩy các em tìm hiểu và áp dụng khi tham gia giao thông.
Nhìn vào không khí sôi nổi và kết quả của các cuộc thi, có thể thấy thành tích mà các trường đạt được đều tốt, các em được trang bị đầy đủ kiến thức pháp luật về ATGT. Nhưng liệu những kiến thức các em thể hiện khi thi có thực sự được các em ghi nhớ và áp dụng vào thực tế tham gia giao thông hằng ngày? Tôi đã được chứng kiến nhiều học sinh ở bậc tiểu học, trung học ý thức rất kém khi tham gia giao thông. Tại ngã tư gần Cty bia ong Xuân Thuỷ, địa bàn xã Xuân Hồng (Xuân Trường) nơi có Trường THCS Đặng Xuân Khu và Trường Tiểu học Xuân Hồng vào giờ tan học thường bị ách tắc. Cổng trường đông nghẹt phụ huynh, người nhà chờ đón con em tan lớp. Những học sinh được người nhà tới đón xách cặp chạy ào qua đường, bất chấp các phương tiện giao thông đang lưu thông qua lại trên đường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Một số em còn tràn xuống cả lòng đường, vây quanh những gánh hàng rong, xe đẩy, tíu tít chuyện trò, mua đồ ăn vặt. Các em học sinh tiểu học có thể còn non nớt về nhận thức, nhưng học sinh bậc THPT cũng có không ít em thường xuyên vi phạm pháp luật về ATGT. Vào giờ tan tầm, từng tốp học sinh THPT, THCS đạp xe dàn hàng ngang, chiếm cả lối đi giành cho những đối tượng tham gia giao thông khác. Hơn thế nhiều em còn vừa đi xe, vừa nô đùa, bá vai bá cổ nhau là những hình ảnh thường thấy tại các cổng trường học trên đường phố vào giờ tan học. Tình trạng trên không chỉ gây nguy hiểm cho người khác mà cho chính bản thân các em. Rất nhiều trường hợp do các em mắc tay lái vào nhau gây đổ xe hàng loạt hay những người tham gia giao thông phải tránh các em bất ngờ nên thường xuyên xảy ra va quệt. Từ đó cho thấy, sự “thiếu ý thức” khi tham gia giao thông của các em học sinh đang hiện hữu trên khắp các xã, phường, thị trấn… Có thể khẳng định rằng từ giáo dục Luật Giao thông đường bộ cho học sinh đến việc các em có ý thức chấp hành khi tham gia giao thông vẫn là một khoảng cách khá xa cần phải lấp đầy.
Vấn đề đặt ra là, ngoài việc quan tâm đầu tư kinh phí, đưa nội dung tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về ATGT vào các giờ giảng dạy chính khoá, ngoại khoá thì ngành Giáo dục - Đào tạo cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với gia đình, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể duy trì thường xuyên việc tuyên truyền, giáo dục, quản lý và có biện pháp xử lý kịp thời các học sinh vi phạm. Với các trường THPT, THCS công tác tuyên truyền, xây dựng ý thức chấp hành các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông phải được tổ chức thường xuyên thông qua hệ thống bảng tin, phát thanh của trường, tại các buổi sinh hoạt đầu tuần… Tổ chức, thành lập các ban quản sinh, đội thanh niên xung kích góp phần giữ gìn nề nếp, kỷ cương trong nhà trường. Tổ chức các diễn đàn tìm hiểu, ký cam kết chấp hành pháp luật về ATGT… Có hình thức kỷ luật các trường hợp học sinh vi phạm, thậm chí đưa vào tính điểm thi đua đối với giáo viên, học sinh để nâng cao ý thức khi tham gia giao thông. Đồng thời các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh phải luôn gương mẫu và là tấm gương sáng về chấp hành luật lệ ATGT để các em noi theo./.
(Trường CĐ PT-TH I)