Bảo đảm AT-VSLĐ ở Ý Yên

01:04, 22/04/2011

Huyện Ý Yên là một trong những địa phương phát triển mạnh các nghề như: đúc, cơ khí, chế biến gỗ, mây tre đan, sản xuất gạch tuynel… Với những công nghệ tiên tiến chắc chắn sẽ tạo ra năng suất, chất lượng cao, tăng giá trị và hạ giá thành sản phẩm, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất AT-VSLĐ. Để bảo đảm AT-VSLĐ, PCCN, phát triển sản xuất bền vững, các ngành chức năng của huyện luôn chú trọng tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo công tác AT-VSLĐ, PCCN tới các cấp, các ngành, các doanh nghiệp. Ngoài tổ chức hoạt động hưởng ứng tuần lễ Quốc gia về AT-VSLĐ, PCCN, hằng năm, công tác bảo đảm AT-VSLĐ, PCCN được chỉ đạo thường xuyên, lồng ghép vào các phong trào thi đua như “Xanh, sạch, đẹp, bảo đảm AT-VSLĐ”, bảo vệ môi trường ở các doanh nghiệp… Qua công tác thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp về việc chấp hành các quy định về AT-VSLĐ, PCCN… đã phát hiện những thiếu sót, hạn chế, yêu cầu doanh nghiệp chấn chỉnh, khắc phục, đồng thời trực tiếp tuyên truyền, phổ biến đến chủ doanh nghiệp và người lao động biết quyền và nghĩa vụ trong việc bảo đảm AT-VSLĐ. Các cơ quan chức năng tích cực phối hợp với Đài truyền thanh huyện tuyên truyền thường xuyên về công tác AT-VSLĐ trên hệ thống đài truyền thanh huyện, xã, thị trấn. Hằng năm, người lao động ở các doanh nghiệp, đơn vị ký cam kết chấp hành các quy định về AT-VSLĐ, PCCN và cán bộ phụ trách được tập huấn công tác bảo đảm AT-VSLĐ, PCCN.

Mặc dù vậy, trên thực tế công tác bảo đảm AT-VSLĐ, PCCN của huyện vẫn còn những hạn chế cần được quan tâm, khắc phục. Tình trạng chấp hành quy định pháp luật về AT-VSLĐ ở nhiều doanh nghiệp, làng nghề còn mang tính hình thức, thậm chí đối phó khi có đoàn kiểm tra. Việc tổ chức huấn luyện AT-VSLĐ, PCCN cho người lao động ở một số doanh nghiệp chấp hành chưa nghiêm. Quy định về việc phải có nội quy ATLĐ trong các phân xưởng, hay các thiết bị đặc thù có nguy cơ tai nạn cao nhiều chủ doanh nghiệp không quan tâm thực hiện. Trong nội dung hợp đồng lao động đều có những điều khoản quy định về việc chấp hành nội quy, bảo đảm ATLĐ, nhưng ít lao động khi ký được hiểu hoặc được thông báo đầy đủ những quyền và nghĩa vụ của bản thân cũng như của chủ sử dụng lao động. Tình trạng không thông báo kịp thời tai nạn lao động cho cơ quan quản lý cũng là một vấn đề không nhỏ. Nhiều công nhân cho biết, khi xảy ra tai nạn lao động, trừ tai nạn gây chết người không thể giấu được, còn nếu bị thương nhẹ thì xử lý tại trạm y tế xã; trường hợp bị thương nặng, chủ doanh nghiệp đưa thẳng lên các bệnh viện Trung ương hoặc sang Ninh Bình, trả chi phí chữa chạy và bồi dưỡng cho người lao động. Thực tế này khiến các cơ quan chức năng không nắm được tình hình thực tế, tổng kết rút kinh nghiệm, vừa để cảnh báo cho các doanh nghiệp trong sản xuất, vừa để tham mưu, đề xuất các giải pháp phòng ngừa. Hay việc tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động cũng không được các doanh nghiệp chấp hành nghiêm. Tìm hiểu tại Trung tâm y tế dự phòng và bệnh viện huyện chúng tôi được biết, số doanh nghiệp hợp đồng với cơ quan chuyên môn để khám sức khỏe định kỳ cho người lao động rất ít, chủ yếu là các doanh nghiệp nhà nước. Lý do được các doanh nghiệp đưa ra thường là không có thời gian và khó khăn kinh phí. Song các doanh nghiệp lại “quên” rằng người lao động chính là tài sản, vốn quý của doanh nghiệp. Mặt khác, cái khó để buộc các doanh nghiệp thực hiện quy định này là việc xử lý vi phạm và mức xử phạt hành chính không đủ sức răn đe, trong khi người lao động vì cần việc làm nên không dám đòi hỏi đúng quyền của mình đã được pháp luật quy định.

Như đã nói ở trên, nhiều ngành nghề, làng nghề của Ý Yên vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động. Ở làng mộc La Xuyên, xã Yên Ninh, hầu hết các công việc thủ công trước kia từ cưa, cắt, đục, chạm, đến vanh, mài, làm nhẵn… nay đều có máy móc thay thế. Ngay cả những người đã được huấn luyện sử dụng thì chỉ một chút sơ suất cũng có thể xảy ra tai nạn. Một cán bộ Trạm y tế xã Yên Ninh cho biết, trạm rất hay phải xử lý băng bó các trường hợp bị thương phần mềm trong quá trình lao động, phải khâu vài ba mũi. Ngoài ra việc vận chuyển các sản phẩm, nguyên liệu, lên xuống xe ô tô nếu sơ suất cũng có thể gây tai nạn… Thợ đánh giấy ráp, đánh véc-ni, sơn thường xuyên tiếp xúc với hóa chất, bụi gỗ, thường bị viêm mũi dị ứng. Thợ làm hàng sơn mài, tre nứa ghép cũng có nhiều nguy cơ bị các bệnh liên quan đến hệ hô hấp do chủ quan không thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn. Các công việc trong xưởng đúc ngoài yếu tố nặng nhọc, nhiệt độ trong xưởng cao còn phải thường xuyên tiếp xúc với máy móc, hóa chất nguy hiểm mà những tác động đến sức khỏe nhiều khi không bộc lộ ngay, nhưng tích tụ “ngấm ngầm” hủy hoại sức khỏe người lao động. Các hạn chế nêu trên trong công tác bảo đảm AT-VSLĐ ở Ý Yên vẫn chưa được doanh nghiệp và người lao động chú ý đúng mức. 

Mất an toàn lao động vừa gây hại trực tiếp cho người lao động vừa gây thiệt hại cho doanh nghiệp. UBND và các cơ quan, ban, ngành của huyện Ý Yên cần có những giải pháp hữu hiệu hơn nữa trong quản lý, vận động doanh nghiệp và người lao động tham gia tích cực vào công tác bảo đảm AT-VSLĐ, PCCN, để thống nhất trong hành động thực hiện, vì sự phát triển sản xuất bền vững, bảo đảm chất lượng cuộc sống cộng đồng./.

Vân Anh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com