Hiện nay, ở các trường học trong tỉnh, từ bậc THPT đến bậc học mầm non vẫn đang có trên 6.800 giáo viên giảng dạy theo chế độ hợp đồng. Trong số này có cả hợp đồng ký với trường, hợp đồng với Phòng và Sở GD-ĐT. Khác với các ngành nghề khác, giáo viên hợp đồng phải chịu nhiều thiệt thòi so với giáo viên biên chế bởi trong chuyên môn giảng dạy họ vẫn phải đóng góp như những giáo viên biên chế nhưng không được tham gia vào một số hoạt động của trường, của ngành và nhiều giáo viên ký hợp đồng không được đóng BHXH, BHYT và hưởng các khoản bồi dưỡng, phụ cấp khác, bên cạnh luôn ám ảnh nỗi lo mất việc.
Cô và trò Trường Mầm non Hoa Thủy Tiên (TP Nam Định). |
Thực tế ở các trường học, mặc dù đã đủ biên chế nhưng trong quá trình giảng dạy phát sinh thêm việc thiếu giáo viên ở môn này, môn khác, bắt buộc ngành GD-ĐT hay nhà trường phải ký hợp đồng thuê giáo viên. Các giáo viên hợp đồng luôn tích cực học tập, bổ sung kiến thức để nâng cao chất lượng giáo dục, tiếp tục được ký hợp đồng đứng lớp. Cũng như các giáo viên trong biên chế, hàng năm giáo viên hợp đồng đều được học tập, quán triệt nâng cao phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn nghiệp vụ nhằm thực hiện đổi mới, phát triển, nâng cao chất lượng GD-ĐT, được tham gia các buổi trao đổi về những yêu cầu của các cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh’’, “Hai không’’, “Mỗi thầy giáo, cô giáo là tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo’’ và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực’’, nhằm tạo chuyển biến trong nhận thức, ý thức trách nhiệm và hành động của đội ngũ nhà giáo, tạo nền nếp, kỷ cương dạy và học, thi cử, đánh giá cho điểm nghiêm túc đạt được hiệu quả. Điều đó khiến đội ngũ giáo viên hợp đồng thấy mình cũng được hòa chung trong không khí giáo dục của nhà trường và của ngành để từ đó vươn lên. Trường mầm non Trực Thành (Trực Ninh) có 26/28 cán bộ, giáo viên được ký hợp đồng, với mức thu nhập hàng tháng của các cô cao nhất là 718 nghìn đồng, thấp nhất là 645 nghìn đồng. Với mức thu nhập ấy, kinh tế gia đình khó khăn, nhưng các cô đều rất tận tâm, trách nhiệm chăm sóc dạy bảo các cháu, luôn chú trọng việc bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn thông qua các hình thức sinh hoạt, hội thảo chuyên đề, tham quan học tập trường bạn và tham gia các lớp nâng cao trình độ cao đẳng, đại học… Hiện tại 100% giáo viên của trường đạt chuẩn, trong đó có 9 giáo viên đạt trình độ trên chuẩn, 6 giáo viên đang đi học trên chuẩn. Hàng ngày, ngoài giờ lên lớp, các cô vẫn phải làm kinh tế để trang trải cuộc sống gia đình, nhưng vì lòng yêu nghề, mến trẻ, các cô vẫn tranh thủ tự làm đồ dùng, đồ chơi, sưu tầm và tổ chức các trò chơi dân gian, các bài dân ca, ca dao phù hợp với trẻ để làm phong phú thêm giờ dạy, tạo hứng thú cho các em đến trường… Đối với các cô, dù được tham dự tất cả các phong trào, hoạt động của ngành, được đóng BHXH, BHYT và được hỗ trợ tiền sinh hoạt phí của tỉnh nhưng thu nhập vẫn còn khó khăn. Niềm mong ước của các cô là được dự tuyển vào biên chế nhà nước để yên tâm công tác.
Khác với các cô giáo ở trường mầm non Trực Thành, cô Nguyễn Thị Thúy, tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội đem theo sự háo hức khi được ký hợp đồng với phòng GD-ĐT huyện M để về dạy tại trường THCS T, có tiếng về dạy tốt, học tốt. Thế nhưng, khi về trường, với mọi nỗ lực để bắt nhịp được với phong trào giáo dục ở đây, cô vẫn không được đồng nghiệp coi trọng. Trong những buổi sinh hoạt chuyên môn, những ý kiến phát biểu của cô hầu như đều bị bỏ qua và dường như ai cũng coi cô chỉ là giáo viên “tạm thời”, dù bằng cấp của cô đạt trên chuẩn đào tạo đối với bậc học và chất lượng giáo dục của lớp cô dạy khá tốt. Bên cạnh đó, dù đã có quá trình công tác nhưng cô cũng không được tham gia vào các kỳ hội giảng, bồi dưỡng học sinh giỏi hay các phong trào chuyên môn khác của ngành. Cứ 3-6 tháng một lần cô Thúy phải ký hợp đồng với mức lương hàng tháng là 730 nghìn đồng, tương đương mức lương tối thiểu theo bằng cấp và không được đóng BHXH, BHYT và 3 tháng nghỉ hè không có lương. Các khoản thu nhập từ tiền thưởng ngày lễ, tết nhà trường trả đều thấp hơn nhiều so với đồng nghiệp. Khó khăn là vậy, nhưng cô Thúy vẫn bám trường, bám lớp để mong đến ngày trúng tuyển vào biên chế… Trường hợp của những giáo viên được ký hợp đồng với phòng GD-ĐT như cô Thúy còn tốt hơn nhiều so với những giáo viên ký hợp đồng với các nhà trường, vì mức lương vẫn cao hơn nhiều so với hợp đồng các trường. Những trường ký hợp đồng với giáo viên phần lớn do thiếu giáo viên trong một thời gian ngắn, như có giáo viên đi học nâng cao, nghỉ thai sản, ốm đau… mà không bố trí được giáo viên dạy thay, hoặc thiếu giáo viên ở một số môn như Nhạc, Mỹ thuật, Tiếng Anh, Thể dục… Nhiều giáo viên dạy theo hình thức hợp đồng với trường, dù mức lương đã nhiều lần điều chỉnh nhưng hiện tại nhiều người vẫn có mức thấp hơn mức lương tối thiểu (!).
Hiện nay, cả số lượng và chất lượng đội ngũ giáo viên ngày càng được nâng cao, tuy nhiên do cơ cấu không đồng bộ đã khiến cho tình trạng vừa thừa vừa thiếu giáo viên xảy ra trong nhiều năm nay. Nhiều nơi thừa giáo viên khối tự nhiên, xã hội nhưng lại thiếu giáo viên nhạc họa, mỹ thuật, tin học… Việc thiếu cục bộ giáo viên ở một số bộ môn là nguyên nhân dẫn đến tình trạng các đơn vị giáo dục phải ký hợp đồng để bảo đảm có đủ cơ cấu giáo viên ở các bộ môn giảng dạy và học tập, trong khi đó nhiều giáo viên trong biên chế ở các bộ môn thừa thì lại “ngồi chơi”. Về phía trường sư phạm, cũng cần nắm được nhu cầu đào tạo giáo viên hàng năm và chỉ tiêu theo từng ngành đào tạo (môn học) để xây dựng kế hoạch đào tạo theo nhu cầu thực tế chứ không phải dựa trên nhu cầu người học. Nếu trường sư phạm còn tiếp tục đào tạo theo khả năng của mình thì giáo sinh sư phạm thất nghiệp là điều đã được dự báo. Rõ ràng, bài toán về tuyển dụng và sử dụng giáo viên trong ngành Giáo dục đang đặt ra cấp bách với các nhà quản lý giáo dục và các ngành, các cấp./.
Bài và ảnh: Thảo Linh