Việt Nam là quốc gia có cơ cấu dân số trẻ. Những biến động mạnh mẽ của xã hội đang ảnh hưởng tới thanh thiếu niên đặt ra những vấn đề cần được quan tâm, giải quyết. Theo báo cáo mới nhất về tình hình trẻ em Việt Nam của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), nước ta hiện có khoảng hơn 500.000 trẻ em và thanh thiếu niên dưới 15 tuổi tham gia vào các hoạt động kinh tế yêu cầu sức làm việc cao. Bên cạnh đó, số lượng trẻ em và thanh thiếu niên tham gia vào hoạt động mại dâm để thoát khỏi đói nghèo ngày càng tăng thực sự khiến chúng ta phải giật mình.
Bà Lotta Sylwander, Đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết: “Việt Nam hiện có khoảng 26,7 triệu trẻ vị thành niên và thanh niên tuổi từ 10 đến 24, chiếm khoảng 1/3 dân số. Các em đang phải đối mặt với nhiều thách thức như kinh tế không bảo đảm, HIV/AIDS, biến đổi khí hậu và suy thoái của môi trường, di cư và đô thị hoá nhanh… Các thách thức này sẽ lớn hơn trong thập kỷ tới và thanh thiếu niên cần phải có các kỹ năng và kiến thức để vượt qua”. Khi thanh thiếu niên không được đáp ứng những yêu cầu cần thiết về quyền lợi sẽ kéo dài thêm vòng luẩn quẩn đói nghèo, hạn chế cơ hội phát triển tài năng của các em, khẳng định tính cấp thiết phải quan tâm, đầu tư hơn nữa cho trẻ vị thành niên và thanh thiếu niên tại Việt Nam, bà Lotta Sylwander cho biết: “LHQ và nhiều tổ chức quốc tế luôn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực chung tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ em”.
Nhiều nghiên cứu toàn cầu đã đưa ra kết quả, việc đầu tư vào thế hệ thanh thiếu niên là cần thiết bởi điều đó phù hợp với nguyên tắc về quyền trẻ em của LHQ và Công ước về xoá bỏ mọi hình thức bạo lực đối với phụ nữ. Đầu tư cho thế hệ thanh thiếu niên còn góp phần đẩy nhanh cuộc đấu tranh chống đói nghèo, HIV/AIDS, bất bình đẳng.
Thanh thiếu niên là thế hệ tương lai, song các em cũng chính là một phần không thể thiếu của thế hệ công dân hiện tại, đang sống, học tập và làm việc, đóng góp sức mình cho gia đình và xã hội. Trẻ vị thành niên xứng đáng được bảo vệ và chăm sóc, được sử dụng hàng hoá và dịch vụ thiết yếu, được tạo cơ hội, hỗ trợ và phát triển toàn diện./.
Mai Thanh