An toàn vệ sinh lao động trong nông nghiệp

07:03, 25/03/2011

Lao động trong nông nghiệp chiếm khoảng 70% lực lượng lao động của cả nước, sản xuất ra nhiều sản phẩm khác nhau. Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, ngành nông nghiệp đã và đang có những bước phát triển đáng kể. Việc sử dụng các loại máy móc, thiết bị hiện đại, cơ giới hóa, điện khí hóa các khâu trong quá trình sản xuất, các biện pháp thâm canh, các loại thuốc kích thích tăng trưởng... đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần cải thiện điều kiện sống cho người lao động.

Tuy nhiên, bên cạnh việc thụ hưởng những thành tựu về khoa học -  kỹ thuật, người nông dân hằng ngày phải tiếp xúc với rất nhiều nguy cơ rủi ro về an toàn và sức khỏe, có liên quan đến lao động nông nghiệp. Đó là việc sử dụng các loại hóa chất, phân bón, thuốc trừ sâu, sử dụng điện và máy móc không an toàn, gây ra những hậu quả xấu đối với sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng của người nông dân.

Tai nạn lao động trong sử dụng điện và máy móc nông nghiệp chiếm tỷ lệ khá cao, tần suất tai nạn hiện nay là 7,99 (tức là cứ 100 nghìn người lao động thì có 799 lượt người bị tai nạn lao động), tần suất trong sử dụng máy móc thiết bị nông nghiệp là 8,56 (tức cứ 100 nghìn người lao động thì có 856 trường hợp bị tai nạn, trong đó 6,2 bị máy cán kẹp). Các loại máy cơ giới nông nghiệp gây ra khoảng 80% số tai nạn lao động trong nông nghiệp và khoảng 20% số tai nạn là do công cụ cầm tay.

Nguyên nhân chính được đánh giá là do trình độ nhận thức của người nông dân về vấn đề an toàn vệ sinh lao động còn thấp; người nông dân không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân khi tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật, vứt vỏ chai, bao chứa thuốc tại đồng ruộng; lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng vượt mức khuyến cáo. Phần lớn máy móc, thiết bị nông nghiệp đưa vào sử dụng thiếu các bộ phận che chắn an toàn, trong khi đa số người lao động chưa hiểu rõ và chưa nắm được các nguyên tắc về an toàn trong sử dụng điện và máy móc nông nghiệp. Họ chủ yếu làm theo thói quen, theo sự mách bảo từ người này sang người khác và từ kinh nghiệm sử dụng của bản thân.

Do hạn chế về vốn, các máy cũ được đưa vào sử dụng chiếm 56,8%, trong đó các máy cũ có hư hỏng chiếm 17,1%. Nhiều máy nông nghiệp được sử dụng là các máy tự tạo, chiếm 4,27% trong tổng số máy được sử dụng. Ngoài ra, với các máy tự chế, tự lắp ráp từ các bộ phận cũ thì số máy có hướng dẫn chỉ chiếm 0,5%. Mức độ cơ giới hóa các khâu trong lao động vẫn ở mức thấp. Các máy nông nghiệp như máy cày, xay xát, tuốt lúa, máy nổ... tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy hiểm có thể xảy ra trong quá trình làm việc bởi các chi tiết sắc nhọn, bộ phận chuyển động hoặc làm văng bắn các vật... Các máy tự chế phần lớn chỉ chú ý tới công năng chứ chưa chú ý đến vấn đề bảo đảm an toàn, vệ sinh cho người sử dụng cũng như người chung quanh. Rất nhiều loại máy như công nông, máy kéo, máy bơm có thùng moóc kèm theo đầu máy do nông dân tự thiết kế, lắp ráp, không theo một tiêu chuẩn thiết kế nào đã trở thành nguyên nhân gây ra nhiều vụ tai nạn.

Để hạn chế tai nạn và bảo đảm an toàn vệ sinh lao động cho người dân trong nông nghiệp, cần phải tăng cường thông tin, tuyên truyền, huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động; xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các chính sách pháp luật và tăng cường công tác quản lý của Nhà nước về an toàn vệ sinh lao động trong lĩnh vực nông nghiệp; thiết lập hệ thống quản lý và nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác an toàn vệ sinh lao động trong nông nghiệp tại cơ sở. Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong nông nghiệp, nông thôn cũng sẽ góp phần bảo vệ tốt sức khỏe và tính mạng cho nông dân và người lao động, tạo ra sự phát triển bền vững cho khu vực nông thôn...

Theo: nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com