An toàn lao động ở nông thôn: Còn nhiều nỗi lo

07:03, 04/03/2011

Những năm gần đây, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp đã góp phần giải phóng sức lao động, giảm nặng nhọc cho người nông dân, nhưng cũng kéo theo những nguy cơ tiềm ẩn về mất ATVSLĐ, ô nhiễm môi trường. Người nông dân trong quá trình lao động tiếp xúc với nhiều nguy cơ mất ATVSLĐ, từ tai nạn điện, tai nạn do máy móc thiết bị (máy cày, máy bừa, máy phụt lúa, máy xay xát thóc gạo, lò sấy, lò ấp trứng…); nhiễm độc do việc sử dụng các loại hóa chất bảo vệ thực vật không đúng quy trình, ô nhiễm bụi… Hậu quả cũng đa dạng như say nắng, cảm lạnh, ngộ độc thuốc trừ sâu, tóc bị máy cuốn, bị vật cứng, hạt thóc bắn vào mắt. Người thợ cày có thể bị ảnh hưởng bởi nguồn rung (cục bộ nếu điều khiển các thiết bị bằng tay như máy mài, máy cưa, hay rung toàn thân như lái máy cày, máy bừa…). Trong khi ở các doanh nghiệp, người công nhân được học qua các lớp về ATVSLĐ, đơn vị doanh nghiệp có những quy định, quy tắc về bảo đảm an toàn trong lao động, có những ràng buộc chặt chẽ buộc người lao động phải tuân thủ, có chế độ chính sách bù đắp tổn hại nếu chẳng may bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thì lao động nông thôn mặc dù nguy cơ mất ATVSLĐ cao song những giải pháp để khắc phục thì hầu như bị bỏ ngỏ. Người nông dân khi mua máy cày,  máy xay xát hay các loại máy nông nghiệp chỉ biết những kỹ thuật sử dụng tối thiểu, người bán cũng chỉ hướng dẫn những nội dung trực tiếp liên quan đến tính năng, hoạt động của thiết bị, nội dung về bảo đảm an toàn trong khi vận hành thiết bị, những nguy cơ mất an toàn hầu như chưa được đề cập đến. Cũng do thói quen làm việc, sự chủ quan, rất nhiều quy định bảo đảm an toàn như che chắn các bộ phận chuyển động của máy, bảo đảm an toàn cho người vận hành máy, hay quy định quy tắc vận hành, bảo đảm an toàn phải dán trên thân máy để người sử dụng nắm được…, người nông dân cũng không thực hiện nghiêm túc. Đối với việc sử dụng các loại hóa chất trong sản xuất nông nghiệp có nguy cơ độc hại cao như thuốc bảo vệ thực vật, không ít người thờ ơ với quy định phải đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tuân thủ các yêu cầu về liều lượng, quy trình pha chế, mà làm theo thói quen… Điều đáng lo ngại nữa là việc mua và sử dụng thuốc ngoài luồng, trôi nổi, tem nhãn bằng tiếng nước ngoài cách sử dụng, tính năng, những cảnh báo đều do người bán cung cấp miệng, không thể tìm người chịu trách nhiệm khi có rủi ro mất an toàn xảy ra.

Mặc dù trong những năm qua đã có những chương trình, dự án quan tâm khắc phục thực trạng này song chủ yếu là gián tiếp, như: Chương trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, chương trình quản lý dịch hại IBM hướng dẫn người nông dân sử dụng hợp lý hiệu quả hóa chất trong sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu tác động ô nhiễm môi trường… Phong trào xây dựng các hố đựng vỏ thuốc bảo vệ thực vật tại đồng ruộng ở nhiều nơi cũng đã hạn chế việc vứt bừa bãi các nguồn gây ô nhiễm, mất an toàn ra môi trường. Hay các lớp tập huấn, đào tạo thợ điện nông thôn, các chương trình tuyên truyền an toàn điện giúp người dân nông thôn nâng cao nhận thức về nguy cơ mất an toàn điện trong sinh hoạt cũng như lao động. Hội Nông dân, Liên minh HTX cũng đã phối hợp với cơ quan chuyên môn về ATVSLĐ, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương triển khai các lớp tập huấn, hội thảo chuyên đề về ATVSLĐ trong nông nghiệp, nông thôn cho hội viên nông dân. LĐLĐ các huyện, thành phố thông qua phong trào thi đua liên kết phục vụ nông nghiệp nông thôn, lấy phong trào thi đua ATVSLĐ trong công nhân, đoàn viên công đoàn trên địa bàn  làm nòng cốt tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nông dân về công tác bảo đảm ATVSLĐ. Tuy nhiên các phong trào này chỉ được tổ chức có thời điểm, chưa thường xuyên, liên tục. Các trường hợp tai nạn lao động, ngộ độc… mặc dù có tính nghề nghiệp nhưng do tính chất “tự làm, tự chịu” của lao động nông nghiệp nên người nông dân cũng chỉ có thể tự chạy chữa… Trong khi số lượng các vụ tai nạn lao động, bệnh “nghề nghiệp” ở nông thôn hàng năm không nhỏ.

Để góp phần khắc phục những bất cập này, các cấp, các ngành chức năng phải tăng cường tuyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến sâu sắc nhận thức của người nông dân vấn đề ATVSLĐ để phòng ngừa. Phát huy vai trò, hiệu quả của các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh như Báo Nam Định, Đài PT-TH tỉnh, hệ thống đài truyền thanh các cấp, các BĐVH xã, cung cấp các địa chỉ trang web chuyên về ATVSLĐ để người nông dân có điều kiện tự tìm hiểu, khắc phục. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu các hình thức, vận động người nông dân tham gia các loại hình bảo hiểm phù hợp để được bảo đảm hỗ trợ trong các trường hợp xảy ra rủi ro. Chính quyền cơ sở cần tăng cường nhắc nhở bảo đảm an toàn sản xuất đặc thù theo từng thời điểm mùa vụ: như an toàn trong sử dụng máy cày, bừa, máy phụt lúa, chăm sóc lúa, phòng trừ sâu bệnh...

 Vân Thi



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com