Xã Xuân Hồng (Xuân Trường) có 19 nghìn dân ở 37 khu dân cư. Do điều kiện đất canh tác có hạn nên nhiều lao động địa phương phải đi làm ăn xa, khi về quê đem theo các tệ nạn xã hội, nhất là mắc nghiện ma tuý. Có thời điểm cả xã có 54 người nghiện ma tuý có hồ sơ quản lý, trên 70 người thuộc diện nghi nghiện.
Trước thực trạng trên, từ năm 2007, xã thành lập ban chỉ đạo công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Ngoài tham mưu cho cấp uỷ xã lãnh đạo, chỉ đạo công tác giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn, hàng năm ban chỉ đạo xã đã xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện tới từng thôn, xóm. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh trên hệ thống đài truyền thanh, kẻ vẽ panô, khẩu hiệu trên các trục đường dong ngõ xóm. Ban công tác Mặt trận ở cả 37 khu dân cư trong xã đã tổ chức các hội nghị họp dân để tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đấu tranh, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội; trong đó đề cao vai trò của ông bà, cha mẹ trong việc quản lý, giáo dục con em, không che giấu khi con em có hành vi vi phạm. Đối với những người trót mắc tệ nạn xã hội mọi người trong cộng đồng không nên có thái độ xa lánh, kỳ thị mà cần gần gũi, động viên, giúp đỡ để họ sửa chữa sai lầm. Nhờ đó, nhiều người đã cai nghiện, trở về sống hoà nhập trong cộng đồng. Anh Nguyễn Văn Khải ở xóm 29, thôn Phú Yên, một thời gian dài sa đà vào nghiện ngập, từng phải đi trộm đồ để có tiền hút chích. Được tuyên truyền, vận động, gia đình, cộng đồng thôn xóm gần gũi, động viên, hỗ trợ, anh Khải đã nhận thức được lỗi lầm, quyết tâm từ bỏ ma tuý, tập trung phát triển kinh tế gia đình. Được chính quyền địa phương tạo điều kiện, anh Khải cùng gia đình đã nhận đấu thầu một số diện tích ao hồ để chăn nuôi, thả cá, trồng cây theo mô hình trang trại khá hiệu quả, ngoài ra anh còn kiếm thêm thu nhập bằng nghề thợ xây, cuộc sống của cả gia đình trở lại yên ấm, hạnh phúc.
Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, MTTQ xã phát động nhân dân tích cực tham gia phát hiện, tố giác người vi phạm pháp luật, mắc tệ nạn xã hội qua các hòm thư tố giác hoặc cung cấp thông tin cho chính quyền để có biện pháp xử lý. Tại mỗi xóm còn thành lập một tổ tự quản làm công tác tuyên truyền, vận động và phối hợp với lực lượng chức năng đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm. Các xóm tổ chức cho các hộ dân ký cam kết không để người thân vi phạm pháp luật, mắc tệ nạn xã hội. Các tổ tự quản ký cam kết với chính quyền xã không để phát sinh tội phạm, tệ nạn xã hội trên địa bàn. Trong “cuộc chiến” bài trừ tệ nạn xã hội, linh mục Trần Đức Tâm ở giáo xứ luôn nhắc nhở, khuyên dạy giáo dân về tác hại của tệ nạn xã hội nhất là ma tuý trong các buổi lễ để mọi người có ý thức phòng tránh, đồng thời phát động giáo dân thi đua phòng chống, bài trừ tệ nạn xã hội. Một số gia đình có người nghiện ma tuý, gia cảnh khó khăn được các linh mục, các ban hành giáo thăm hỏi, động viên, hỗ trợ vật chất để họ tự nguyện đến các trung tâm cai nghiện…
Bằng nhiều biện pháp, trong đó chú trọng duy trì, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động; huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc nên thời gian qua ở địa phương không phát sinh số người nghiện ma tuý. Nhiều người trước đây trót sa vào nghiện ngập được tuyên truyền, vận động, được cộng đồng chia sẻ, giúp đỡ đã từ bỏ ma tuý, chí thú làm ăn. Toàn xã hiện chỉ còn 28 người nghiện ma tuý, số nghi nghiện cũng giảm còn khoảng 30 người, tình hình ANTT trên địa bàn được giữ vững./.
Nam Dương