Thành phố Nam Định là đô thị có từ thế kỷ thứ XIII. Trước năm 1975, Nam Định là thành phố lớn thứ 3 của miền Bắc (sau Hà Nội và Hải Phòng), là cái nôi của ngành công nghiệp dệt Việt Nam, là niềm tự hào của biết bao thế hệ người dân Thành Nam. Trải qua bao biến đổi thăng trầm của lịch sử, sau nhiều lần sáp nhập, chia tách tỉnh, Thành phố Nam Định vẫn luôn được xác định là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hoá - KHKT của tỉnh, đóng vai trò trung tâm khu vực, có tầm ảnh hưởng quan trọng tới sự phát triển của cả vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Nhắc đến TP Nam Định, người ta vẫn nhớ về một vùng đất giàu truyền thống cách mạng với những tên phố, tên làng đã đi vào sử sách cùng những khu phố thương mại sầm uất như phố Hàng Tiện, Hàng Sắt, Hàng Đồng, Bến Ngự, chợ Rồng…
Năm 1998, thành phố được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại II. Vào thời điểm đó, cả nước mới có khoảng 15 thành phố được công nhận là đô thị loại II trở lên. Đó là một mốc son đánh dấu sự phát triển đi lên của thành phố. Cũng từ đó, bộ mặt đô thị đổi thay từng ngày, đời sống kinh tế - văn hoá - xã hội có nhiều chuyển biến, cảnh quan đô thị ngày càng khang trang. Sau 10 năm được công nhận là đô thị loại II, thành phố đã mở rộng diện tích đô thị thêm 159ha, các công trình hạ tầng xã hội như trụ sở làm việc của các cơ quan, trường học, trạm y tế, trụ sở các phường, xã được xây dựng và cải tạo nâng cấp trên 15 nghìn m2 góp phần thay đổi cơ bản bộ mặt đô thị. Sau nhiều năm nỗ lực phấn đấu, đến nay mạng lưới giao thông nội thành đã cơ bản được xây dựng hoàn chỉnh và đồng bộ, hầu hết các trục đường của thành phố đã được xây dựng hoàn chỉnh, hệ thống điện chiếu sáng công cộng với chiều dài gần 120km, nhiều khu đô thị mới được hình thành như các Khu đô thị Hoà Vượng, Thống Nhất, Mỹ Trung, Khu tái định cư Trầm Cá, Đồng Quýt, Phạm Ngũ Lão, Tây đường 38… Nhiều công trình mang chức năng của trung tâm vùng đã được triển khai xây dựng như trung tâm phát thanh - truyền hình, trung tâm thương mại Big C, Bệnh viện 700 giường, trung tâm văn hoá - thể thao - du lịch… Bên cạnh đó, những năm qua, thành phố đã triển khai thành công nhiều dự án lớn như dự án phát triển đô thị do Chính phủ Thuỵ Sỹ tài trợ, dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng các khu dân cư thu nhập thấp do Ngân hàng thế giới (WB) tài trợ… đã mang lại cho thành phố một diện mạo mới. Đã cơ bản khắc phục được tình trạng ngập úng, đường phố ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp hơn. Bác Nguyễn Ngọc Hoài, đảng viên hơn 40 năm tuổi Đảng ở phường Trần Đăng Ninh cho biết, đã mấy chục năm nay, nhiều người dân ở các khu dân cư lao động trên địa bàn phường thường xuyên phải sống trong cảnh đường ngõ lầy lội mỗi khi có mưa xuống, nay được Nhà nước đầu tư làm đường, làm cống, dân chỉ phải đối ứng 3% nên đa phần người dân rất phấn khởi, ủng hộ. Cùng với sự đổi thay về bộ mặt đô thị, các hoạt động kinh tế, văn hoá, xã hội của thành phố cũng có nhiều chuyển biến. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng công nghiệp tăng, tỷ trọng nông nghiệp giảm còn 1,31%, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn đạt 5.000 tỷ đồng, chiếm 53,6% giá trị công nghiệp toàn tỉnh, trong đó công nghiệp dân doanh phát triển khá mạnh. Thành phố đã duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt trên 13% trong nhiều năm, riêng năm 2010 đạt 13,8% và phấn đấu đạt 14-14,5% vào năm 2011. Hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở từng bước được kiện toàn, phát huy hiệu quả vai trò lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện mọi mặt của đời sống, xã hội. Đời sống người dân từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,2% vào năm 2010, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 5 lần so với năm 1998. Đặc biệt, năm 2010 sau rất nhiều nỗ lực cố gắng, tổng thu ngân sách trên địa bàn lần đầu tiên vượt trên 430 tỷ đồng, đạt 122% dự toán tỉnh giao, bằng 125% so với cùng kỳ năm 2009.
Hồ Vỵ Xuyên (TP Nam Định).
Ảnh: Internet
|
Với những thành tựu đáng phấn khởi mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố đã đạt được trong những năm qua, đặc biệt là những nỗ lực sau 8 năm được công nhận là đô thị loại II, đến năm 2006, Thành phố Nam Định được Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể thành trung tâm kinh tế, văn hoá, xã hội vùng Nam đồng bằng sông Hồng và theo chiến lược phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2020, Thành phố Nam Định nằm trong quy hoạch phát triển thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Đó là những căn nguyên để thành phố đề ra quyết tâm phấn đấu xây dựng thành phố trở thành đô thị loại I trước năm 2015. Ngay tại hội nghị đánh giá kết quả sau 10 năm được công nhận là đô thị loại II (tháng 9-2008), thành phố đã xác định hướng phát triển đô thị “Tiếp tục chỉnh trang, cải tạo đô thị, xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, đảm bảo các tiêu chuẩn của đô thị loại I”. Như vậy, mục tiêu phấn đấu trở thành đô thị loại I đã được Đảng bộ, chính quyền thành phố xác định từ rất sớm và được đặc biệt nhấn mạnh tại đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XV (tháng 7-2010) “Sớm xây dựng thành phố trở thành đô thị loại I, Trung tâm của vùng Nam đồng bằng sông Hồng”. Với quyết tâm đó, thời gian qua, thành phố đã tập trung cao cho công tác chuẩn bị, trong đó đã tiến hành rà soát các tiêu chí theo quy định của Trung ương, đánh giá những mặt đã đạt được và những công việc cần triển khai trong thời gian tới. Theo đồng chí Nguyễn Viết Hưng, TUV, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND thành phố: Căn cứ vào các tiêu chí quy định tại Nghị định 42 của Chính phủ về phân loại đô thị thì đến nay thành phố đã đạt được hầu hết các tiêu chí của đô thị loại I, trong đó về chức năng đô thị, chỉ tiêu về kinh tế - xã hội đạt 90% số điểm, các tiêu chí về quy mô dân số đô thị, mật độ dân số bình quân khu vực nội thành, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp đạt điểm tối đa. Các chỉ tiêu về công trình công cộng cấp đô thị và kiến trúc cảnh quan đô thị đạt xấp xỉ 80% điểm số tối đa. Nhằm khắc phục những vấn đề còn tồn tại, thời gian tới thành phố sẽ tập trung cao độ cho công tác giải phóng mặt bằng, triển khai các dự án đầu tư hạ tầng, tăng cường chỉnh trang đô thị, nâng cao năng lực quản lý đô thị, tăng thu ngân sách để thành phố có thể đạt trên 80% tổng số điểm cần thiết nhằm bảo vệ thành công đề án nâng cấp thành phố lên đô thị loại I trong năm 2011. Cũng theo đồng chí Chủ tịch UBND thành phố, trong 3 đến 5 năm tới, thành phố sẽ thực hiện một loạt các dự án về chỉnh trang đô thị như hoàn thành cơ bản nâng cấp các tuyến đường nội thành còn lại, nâng cấp các trục đường chính các xã ngoại thành (trong đó có 22 tuyến đường nội thị, 5 tuyến đường ngoại thị); Hoàn thành kết cấu hạ tầng các Khu đô thị Hoà Vượng, Thống Nhất, Mỹ Trung, triển khai xây dựng các Khu đô thị mới Nam Phong, Thành An; Hoàn thành dự án Bệnh viện 700 giường, triển khai xây dựng Trung tâm triển lãm tỉnh, Trung tâm hành chính thành phố, chợ đầu mối tại khu vực đường S2, xây dựng Trung tâm hội nghị cấp vùng tại Khu đô thị Thống Nhất… Trước mắt trong 2 năm 2011-2012 sẽ hoàn thành toàn bộ các hạng mục của dự án WB về nâng cấp cơ sở hạ tầng các khu dân cư thu nhập thấp, dự án mở rộng công viên Vị Xuyên, xây dựng tường kè phía nam sông Đào, đường 52m nối từ Khu đô thị mới Hoà Vượng vào thành phố, chỉnh trang lại các công viên, vườn hoa, đảo giao thông, nâng cấp, trải thảm nhựa các trục đường chính còn lại và các đường nhánh trên địa bàn thành phố, tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp, xứng tầm với một đô thị trung tâm vùng. Bên cạnh đó, thành phố đặc biệt quan tâm đến công tác quản lý đô thị, huy động cả hệ thống chính trị trong công tác quản lý đô thị nhằm tạo chuyển biến cơ bản về vệ sinh môi trường, trật tự an toàn giao thông, văn minh thương mại. Năm 2011, UBND thành phố tập trung chỉ đạo các phường, xã xây dựng 103 tuyến đường phố chính đạt tiêu chuẩn tuyến phố văn minh đô thị, góp phần xây dựng thành phố ngày càng “sáng, xanh, sạch, đẹp”.
Có thể nói thông tin thành phố phấn đấu trở thành đô thị loại I đã và đang làm “nức lòng” hầu hết người dân Thành Nam, đặc biệt là những người đã từng sinh ra, lớn lên và gắn bó với thành phố này, đã từng chứng kiến biết bao đổi thay thăng trầm của thành phố. Thành phố lên đô thị loại I sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển hơn trong tương lai, vị thế của thành phố được khẳng định, sức hút đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng lớn hơn, nguồn lực đầu tư cho thành phố cũng như cơ chế tự chủ nhiều hơn. Thời gian từ nay đến khi hoàn thiện đề án trình Chính phủ không còn dài trong khi các dự án chỉnh trang đô thị còn bộn bề, một số chỉ tiêu về kinh tế - xã hội như chỉ tiêu tổng thu ngân sách trên địa bàn, thu nhập bình quân đầu người… tiếp tục còn phải phấn đấu, kéo theo đó là hàng loạt các vấn đề xã hội khi mở rộng đô thị cũng như triển khai các dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng như vấn đề chuyển đổi nghề nghiệp, giải quyết việc làm, tái định cư… đòi hỏi phải có sự nỗ lực, đồng thuận cao của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố. Bên cạnh đó, thành phố cần tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, kiện toàn bộ máy quản lý sao cho phù hợp với chức năng của đô thị loại I và tiến tới là đô thị trung tâm vùng, củng cố xây dựng hệ thống chính trị, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh ngang tầm với yêu cầu lãnh đạo thành phố trong giai đoạn cách mạng mới. Giải quyết đồng bộ các vấn đề đó, người dân Thành Nam có quyền kỳ vọng vào sự đổi thay nhanh chóng của thành phố trong tương lai./.
Hoài Phương