Xã hội hoá các hoạt động văn hoá: Kết quả và những vấn đề đặt ra (Kỳ II)

09:03, 07/03/2011

[links()]

II -  Những vấn đề đặt ra

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa ở tỉnh ta chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Trong công tác xã hội hóa bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể, ở một số lĩnh vực vẫn còn hạn chế. Trước hết ở loại hình diễn xướng dân gian, nhiều làn điệu dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian và nghệ thuật truyền thống đang bị mai một hoặc có nguy cơ “thất truyền”. Thực tế, các trò chơi như đáo đĩa, kéo chữ trên sông, hát thanh đề, múa bài bông… giờ đây chỉ còn trong “ký ức”. Trong việc tổ chức và quản lý lễ hội, không ít nơi chỉ chú trọng đến phần “lễ”, xem nhẹ phần “hội”, nhất là việc khai thác, bảo lưu những giá trị di sản văn hoá đặc sắc của quê hương. Loại hình âm nhạc độc đáo như hát Xẩm, múa Bài bông, Ca trù ngày một “vắng bóng” trong đời sống xã hội, có chăng chỉ xuất hiện tại các liên hoan, hội diễn nghệ thuật. Điều này cho thấy, công tác xã hội hoá các hoạt động văn hoá và hiệu quả bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá ở một số địa phương chưa sâu rộng, chưa tương xứng với thế mạnh và tiềm năng của địa phương. Đối với mảng di sản văn hoá phi vật thể Hán - Nôm, một số địa phương đã tự ý sửa chữa, tu bổ khi không có sự hướng dẫn của cơ quan chuyên môn dẫn đến việc các câu đối, văn bia, đạo sắc phong bị mai một hoặc bị thất lạc. Tình trạng “thương mại hoá di tích” cũng như mất cắp cổ vật, hiện vật vẫn xảy ra ở một số di tích. Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Hán - Nôm cần có chính sách đào tạo, khuyến khích những người làm công tác quản lý, nghiên cứu, sưu tầm văn hoá Hán - Nôm. Mặt khác, cần đẩy mạnh công tác xã hội hoá sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, nhất là đối với văn hoá Hán - Nôm dạng cổ sử cần khuyến khích các đề tài nghiên cứu khoa học theo tính chất chuyên luận, chuyên sâu về tác giả học, văn hoá học, triết học, kiến trúc, lịch sử đã trường tồn gần 10 thế kỷ gắn liền với hệ thống di sản văn hoá Hán - Nôm. 

Biểu diễn cà kheo trong ngày hội VHTT huyện Hải Hậu. Ảnh: Xuân Thu
Biểu diễn cà kheo trong ngày hội VHTT huyện Hải Hậu.
Ảnh: Xuân Thu

Bên cạnh đó, công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động xã hội hóa dịch vụ văn hoá (bao gồm 8 lĩnh vực cơ bản: kinh doanh băng, đĩa ca, múa, nhạc, sân khấu; biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; triển lãm văn hoá - nghệ thuật; tổ chức lễ hội; hoạt động quảng cáo; hoạt động vũ trường, karaoke; hoạt động trò chơi điện tử và các hình thức vui chơi khác) gặp nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được sự phát triển về số lượng, sự đa dạng về loại hình, phương tiện. Theo quy định, các điểm bán và cho thuê băng đĩa có giấy phép hoạt động thì phải có nguồn cung cấp băng đĩa hợp pháp, có bản quyền. Trên thực tế, lượng băng đĩa do Cty Điện ảnh cung cấp không nhiều, phần lớn các ấn phẩm băng đĩa đang lưu hành tại các cửa hàng kinh doanh là tự sao chép, in nối bản trái phép hoặc nhập lậu, không rõ nguồn gốc với giá rẻ từ 2 đến 5 nghìn đồng/đĩa. Trong khi đó, một đĩa được dán tem, nhãn có giá cao gấp 10 đến 15 lần đĩa tự in sao, nhập lậu. Cùng với sự “bùng nổ” thị trường băng đĩa lậu, là sự phát triển ào ạt các điểm Internet công cộng. Bên cạnh những tiện ích, thì xung quanh những điểm dịch vụ Internet và trò chơi điện tử vẫn tồn tại những hạn chế, tiềm ẩn nguy cơ khó lường về văn hoá, an ninh trật tự... Phần lớn “khách hàng” đều trong độ tuổi thanh thiếu niên, học sinh, truy cập mạng để chát hoặc chơi game, trong đó có nhiều trò chơi bạo lực hoặc bị biến tướng thành tệ nạn cờ bạc, cá độ, ăn thua gây mất trật tự an ninh công cộng. Nếu không có sự kiểm soát và quản lý chặt chẽ, vô hình chung, các điểm Internet công cộng trở thành nguồn cung cấp những trang Web “đen”, những thông tin thiếu lành mạnh ảnh hưởng tiêu cực đến sự hình thành và phát triển nhân cách của giới trẻ. Trong lĩnh vực quảng cáo, “lộn xộn” nhất là hình thức rao vặt đã gây bức xúc cho toàn xã hội bằng hình thức dán hoặc sơn lên tường, phun sơn lên các cột điện, gốc cây, tường bao in “chồng chéo” các địa chỉ, số điện thoại quảng cáo “cắt bê tông”, “thông bể phốt”, “dịch vụ thông tắc vệ sinh”, “nhận dạy thêm”, làm mất mỹ quan đô thị. Một trong những nguyên nhân gây khó khăn trong việc quản lý các hành vi vi phạm pháp luật quảng cáo là do hệ thống pháp luật chồng chéo, thiếu đồng bộ. Đối tượng vi phạm hầu hết là các cá nhân không đăng ký và không được cấp phép của ngành chức năng trong hoạt động quảng cáo. Mặt khác, mức xử phạt hành chính đối với hành vi quảng cáo rao vặt bừa bãi còn thấp, chưa có tác dụng răn đe đối với chủ quảng cáo rao vặt. Đối với lĩnh vực hoạt động vũ trường, karaoke, theo Nghị định 103, điều kiện tiên quyết để cấp giấy phép kinh doanh vũ trường là phòng khiêu vũ phải có diện tích ít nhất là 80m2 và phòng hát phải có diện tích từ 20m2 trở lên, cửa phòng là cửa kính không màu, không được đặt khoá, chốt cửa bên trong hoặc đặt các thiết bị báo động nhằm đối phó với việc thanh, kiểm tra của các cơ quan chức năng, không được phép kinh doanh sau 12h đêm. Tuy nhiên, không ít các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke có biểu hiện vi phạm và tìm mọi cách đối phó, gây khó khăn cho công tác thanh tra, kiểm tra; thậm chí, nhiều phòng hát không đạt tiêu chuẩn hoặc để khách hát đến hơn 12h đêm.

Công tác huy động các nguồn lực xã hội xây dựng thiết chế văn hoá nói chung và việc tăng cường khai thác, sử dụng phát huy có hiệu quả thiết chế NVH ở tỉnh ta vẫn tồn tại những hạn chế. Nguyên nhân chủ quan là một số cấp uỷ, chính quyền địa phương chưa nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của thiết chế NVH trong phong trào xây dựng đời sống văn hoá cơ sở; công tác lãnh đạo, chỉ đạo chưa thật thường xuyên, chặt chẽ, dẫn đến nhiều địa phương vẫn là “địa bàn trắng” không có thiết chế NVH. Việc chỉ đạo thực hiện xây dựng và sử dụng NVH ở một số nơi còn chạy theo thành tích, hình thức do đó, chất lượng và việc phát huy vai trò thiết chế NVH chưa đạt được hiệu quả; thậm chí không ít địa phương đã huy động xây dựng NVH có quy mô lớn, khang trang, nhưng thiếu cơ chế và phương pháp tổ chức hoạt động đã không thu hút được các tổ chức đoàn thể, và quần chúng nhân dân tham gia sinh hoạt. Về nguyên nhân chủ quan, nhất là tại Thành phố Nam Định, do cư dân tập trung sinh sống đông, các tổ dân phố, xã, phường thiếu quỹ đất để xây dựng NVH, nhân dân không có nơi sinh hoạt, hội họp, các tổ chức đoàn thể cơ sở hoạt động không thường xuyên, các mô hình CLB kém phát triển làm ảnh hưởng đến chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”. Hệ thống cơ sở vật chất NVH thôn, xóm ở tỉnh ta rất thiếu, bàn ghế, phông màn, trang âm, ánh sáng lạc hậu hoặc tạm bợ. Đội ngũ cán bộ văn hoá và ban chủ nhiệm NVH vừa thiếu nghiệp vụ chuyên môn, lại kiêm nhiệm nhiều công việc, chưa đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi của phong trào, hình thức và nội dung hoạt động đơn điệu, chưa quy tụ được các tầng lớp nhân dân.

Nghị quyết 05 của Chính phủ về xã hội hóa các hoạt động văn hóa là từng bước đổi mới cơ chế quản lý hoạt động của xã hội, mở rộng quyền và trách nhiệm của nhân dân, các thành phần kinh tế trong việc tham gia hoạt động và quản lý lĩnh vực văn hóa. Để nâng cao hiệu quả xã hội hóa các hoạt động văn hóa, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, các chính sách, cơ chế của Nhà nước về công tác xã hội hoá các hoạt động văn hoá trong toàn xã hội. Có chính sách ưu tiên, đầu tư kinh phí cho công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa, các loại hình nghệ thuật cổ truyền, các làng nghề truyền thống; khuyến khích và có cơ chế hỗ trợ đối với các thành phần kinh tế, các tư nhân tham gia xã hội hóa các hoạt động văn hóa như các cá nhân, bảo tàng tư nhân, những cá nhân tham gia sưu tầm, nghiên cứu bảo tồn di sản văn hóa dân tộc. Đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước trên các hoạt động văn hóa, đặc biệt là quản lý dịch vụ văn hóa, vận động các hộ kinh doanh tự giác thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nước; phát động quần chúng nhân dân đấu tranh, tố giác những biểu hiện và hành vi vi phạm để kịp thời xử lý theo pháp luật; đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra theo định kỳ và đột xuất, kịp thời phát hiện những vi phạm, xử lý nghiêm các trường hợp tái phạm. Xây dựng quy chế tổ chức hoạt động NVH nhằm thống nhất vai trò, vị trí, chức năng của NVH thôn, xóm. Đào tạo đội ngũ cán bộ văn hoá cơ sở có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; nâng cao chất lượng và hình thức hoạt động tại NVH đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá, văn nghệ, TDTT, giải trí ngày càng cao của các tầng lớp nhân dân. Đây không chỉ là trách nhiệm của ngành văn hoá mà cần có sự “vào cuộc” tích cực của các cấp, các ngành và cả cộng đồng./.

Việt Thắng

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com