Nhằm từng bước xây dựng môi trường văn hóa pháp luật trong trường học, những năm qua, Sở Tư pháp, Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) đã phối hợp triển khai chương trình phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) trong trường học.
|
Học sinh Trường THCS Lý Tự Trọng (TP Nam Định) trong giờ học Luật Giao thông đường bộ. |
Hàng năm, Sở Tư pháp, Sở GD-ĐT phối hợp tổ chức cho 100% cán bộ, giáo viên trong ngành giáo dục tìm hiểu, học tập những vấn đề cơ bản về pháp luật, nội dung Luật Giáo dục 2005; về việc phòng chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục… Đồng thời tổ chức tập huấn về đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá việc dạy nội dung pháp luật cho giáo viên dạy môn Giáo dục công dân. Đến nay, cả 245 trường THCS và 54 trường THPT công lập, dân lập và tư thục trên địa bàn tỉnh đã thực hiện đúng chương trình giảng dạy môn Giáo dục công dân, hoạt động giáo dục ngoại khóa theo quy định, trong đó có nội dung tìm hiểu và làm quen với các nội dung của Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em; Luật Giáo dục; pháp luật về trật tự an toàn giao thông; quyền và nghĩa vụ công dân trong gia đình… Các nhà trường còn được cấp các tài liệu pháp luật tham khảo hỗ trợ dạy và học môn Giáo dục công dân như cuốn sách: Câu chuyện tình huống pháp luật, Tập san Công ước quyền trẻ em, Bộ biển báo hiệu giao thông đường thủy và đường bộ... để giáo viên soạn giảng chi tiết và giúp học sinh tiếp thu kiến thức nhanh hơn. Do đó, tổng kết cuối năm môn học Giáo dục công dân trong các trường thuộc khối phổ thông những năm gần đây tỷ lệ khá giỏi luôn đạt trên 80%. Bên cạnh đó, Sở Tư pháp phối hợp với Sở GD-ĐT chỉ đạo các trường THCS, THPT hướng dẫn giáo viên và học sinh tìm hiểu nội dung của Luật Giáo dục 2005 dưới các hình thức nói chuyện, giao lưu và phát tài liệu để tự nghiên cứu hoặc thông qua các trang Web để tìm hiểu. 100% các trường THPT và THCS đã tổ chức các cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về trật tự an toàn giao thông”. Để tăng cường hiểu biết cho học sinh về HIV/AIDS, hai ngành đã phối hợp tổ chức cuộc thi về “Tìm hiểu sức khỏe sinh sản vị thành niên” đối với bậc THPT trong tỉnh. Điển hình như trường THPT Hải Hậu A, hàng năm đều tổ chức cuộc thi tìm hiểu về pháp luật; 3 đến 5 buổi nói chuyện về pháp luật. Các trường THPT Nguyễn Khuyến, Trần Hưng Đạo (TP Nam Định); các trường THCS Thịnh Long, Thị trấn Cồn, Yên Định, Hải Phương (Hải Hậu) đã tổ chức thành công Hội thi an toàn giao thông; trường THCS Nam Vân (TP Nam Định) tổ chức tốt cuộc thi “Chúng em với Luật Giao thông đường bộ”. Thông qua hình thức sân khấu hóa, các cuộc thi đã thực sự tác động đến nhận thức và tình cảm của đông đảo học sinh, giúp các em có thêm kiến thức pháp luật, tự tin giải quyết và ứng phó với những tình huống xảy ra trong thực tế. Các trường còn phối hợp với ngành Công an, Hội Cựu chiến binh tổ chức nhiều đợt ra quân tuyên truyền phổ biến pháp luật tại địa bàn dân cư. Ngoài ra, hai ngành đã chỉ đạo phát động xây dựng tủ sách pháp luật trong trường học. Đến nay, hầu hết các trường THPT trong tỉnh có đủ các đầu sách pháp luật trong thư viện, tiêu biểu như các trường Lê Hồng Phong, Hải Hậu C, Nghĩa Hưng A… Phòng GD-ĐT Nam Trực đầu tư tổng kinh phí cho hoạt động PBGDPL trên 100 triệu đồng, trong đó tập trung chủ yếu cho công tác in ấn, phô-tô tài liệu và xây dựng tủ sách pháp luật. Hoạt động PBGDPL tại Phòng GD-ĐT Ý Yên tập trung vào việc hỗ trợ tổ chức các cuộc thi, mua tranh cổ động và tài liệu tuyên truyền với tổng kinh phí 150 triệu đồng.
Bằng việc đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học gắn với việc đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục pháp luật ở các trường học, đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh, duy trì nền nếp kỷ cương trong nhà trường, từng bước xây dựng môi trường văn hóa pháp luật trong trường học, tạo tiền đề cho việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện./.
Bài và ảnh:
Văn Trọng