Giáo dục hướng nghiệp cho học sinh phổ thông nhằm giúp các em chọn nghề phù hợp với nguyện vọng, năng lực, sở trường và tâm lý cá nhân, đồng thời phù hợp với nhu cầu xã hội. Nhưng đến thời điểm này, khi học sinh khối lớp 12 đang chuẩn bị hồ sơ đăng ký thi tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng năm 2011, vẫn còn rất nhiều em lúng túng trong việc chọn trường, chọn nghề để lập thân, lập nghiệp. Phần lớn các em chọn trường đều do định hướng của bố mẹ hoặc theo trào lưu, cảm tính mà không căn cứ vào các yếu tố quan trọng như năng lực bản thân, tính cách, sở trường... Bên cạnh đó, sự hiểu biết về nghề mà các em lựa chọn với nhu cầu đào tạo nghề mà xã hội đang cần của các em còn rất hạn chế.
Trả lời câu hỏi về dự định thi vào đại học sắp tới, em Nguyễn Thanh Hương, học sinh lớp 12 tại huyện Vụ Bản cho biết, em chưa quyết định chọn trường nào. Ở nhà thì bố mẹ bảo đến trường hỏi thầy cô, thầy cô lại bảo về tham khảo ý kiến phụ huynh. Em muốn sau này sẽ trở thành luật sư nhưng các anh chị khoá trước nói ra trường sẽ khó xin được việc… Em Trần Văn Nam, học sinh Trường THPT Trần Văn Lan (Mỹ Lộc) cho biết sẽ nộp hồ sơ thi vào chuyên ngành Công nghệ thông tin, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, bởi nghe nói ngành này ra trường dễ kiếm được việc làm. Qua tìm hiểu cho thấy, nhiều học sinh đang cảm thấy lúng túng trong việc lựa chọn hướng đi, nhất là ở các vùng nông thôn, bố mẹ ít quan tâm hoặc hiểu biết hạn chế nên không giúp được con. Trong khi đó, nhà trường cũng xem nhẹ nhiệm vụ hướng nghiệp cho học sinh. Ở trường, các em cũng được học về hướng nghiệp, dạy nghề nhưng hiệu quả không cao bởi giáo dục hướng nghiệp ở bậc phổ thông hiện nay chưa có nội dung, chương trình mang tính thực tiễn. Giáo viên chỉ kiêm nhiệm, thiếu hiểu biết về vấn đề này do không được đào tạo cơ bản. Gần đến mùa tuyển sinh vào đại học, cao đẳng, một số trường tổ chức tư vấn tuyển sinh nhưng nội dung cũng chỉ xoay quanh việc trao đổi giữa học sinh và các thầy cô giáo về vấn đề chọn thi khối nào, thi trường nào…
Giáo viên Trường THPT Nguyễn Khuyến (TP Nam Định) hướng dẫn học sinh lớp 12 ôn tập.
Ảnh:
Dương Đức
|
Hiện nay, hoạt động giáo dục hướng nghiệp đã được Bộ GD-ĐT đưa vào chương trình học chính khóa. Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực hiện hoạt động giáo dục hướng nghiệp ở trường phổ thông còn gặp nhiều khó khăn do các trường thiếu giáo viên hướng nghiệp chuyên trách, trong khi đó, yêu cầu của giáo dục hướng nghiệp đòi hỏi giáo viên phải có hiểu biết thực tế sâu, rộng về nhiều ngành nghề, nhiều lĩnh vực, có kỹ năng giao tiếp, thuyết trình tốt… Thêm vào đó, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị hỗ trợ giảng dạy hướng nghiệp ở các trường còn thiếu thốn. Học sinh vẫn coi môn giáo dục hướng nghiệp là môn phụ nên lơ là. Điều đó dẫn đến chất lượng hướng nghiệp ở trường phổ thông còn thấp. Thầy giáo Trần Đăng, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo cho biết: Để công tác hướng nghiệp đạt hiệu quả, nhà trường đã đa dạng nhiều hình thức, hướng nghiệp thường xuyên, liên tục trong suốt cả năm học. Hàng năm, bước vào năm học mới, Ban giám hiệu nhà trường đã họp bàn, lên kế hoạch cho hoạt động này. Mỗi thầy cô giáo, tổ chuyên môn và các đoàn thể trong nhà trường đều có nhiệm vụ hướng nghiệp cho học sinh. Bên cạnh việc tìm hiểu thông tin của học sinh về nguyện vọng, năng lực, khối thi, ngành thi… để tư vấn cho các em chọn ngành, chọn nghề phù hợp, việc thông tin về đặc điểm ngành nghề, danh mục các trường đại học, cao đẳng, điểm chuẩn hàng năm của các trường… được cập nhật liên tục đến các em. Song song với đó, nhà trường có kế hoạch bồi dưỡng, ôn luyện kiến thức cho các em để các em học tập đạt hiệu quả. Vì vậy, trong những năm qua, nhà trường liên tục được đứng trong tốp 200 trường THPT có kết quả thi đỗ đại học cao nhất trong cả nước. Tuy nhiên, các trường làm tốt công tác hướng nghiệp cho học sinh không nhiều. Việc xây dựng các buổi sinh hoạt hướng nghiệp theo định kỳ không được làm thường xuyên, lại ít nội dung phong phú mang lại điều thiết thực cho các em, trong khi học sinh khối 12 thường kín lịch học thêm nên không thu hút được sự quan tâm của cả giáo viên phụ trách hướng nghiệp và học sinh.
Giáo dục hướng nghiệp cho học sinh là rất cần thiết để mỗi học sinh có sự hiểu biết về tính chất của các ngành nghề, từ đó có thể tự quyết định con đường nghề nghiệp tương lai của mình. Vì vậy, đối với bậc THPT, giáo dục hướng nghiệp cần được tiến hành đồng bộ cả về chương trình, giáo trình, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất… Trước mắt, bên cạnh việc thực hiện giảng dạy theo chương trình của Bộ GD-ĐT, các trường cần chủ động trong việc xây dựng chương trình giáo dục hướng nghiệp dựa trên năng lực của học sinh đồng thời khơi dậy tinh thần trách nhiệm của đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên chủ nhiệm, để mỗi thầy cô là một “tư vấn hướng nghiệp” cho học sinh. Bên cạnh đó, nhà trường cần thường xuyên cập nhật những thông tin tuyển sinh, danh mục cũng như điểm chuẩn năm trước của các trường đại học, cao đẳng, trường nghề… đến học sinh, hướng các em lựa chọn trường phù hợp với năng lực, hoàn cảnh, tính cách… Có như vậy, giáo dục hướng nghiệp mới đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả cao, giúp học sinh hiểu được các ngành, nghề và biết năng lực của bản thân để khi đăng ký dự thi vào các ngành, các trường phù hợp, tránh tình trạng có nhiều “hồ sơ ảo”, gây tốn kém cho gia đình và các trường đại học, cao đẳng trong tổ chức các kỳ thi…/.
Hồng Minh