Trung tâm dạy nghề huyện Hải Hậu sử dụng hiệu quả nguồn quỹ khuyến công

08:03, 23/03/2011
Học viên lớp mộc mỹ nghệ của Trung tâm dạy nghề huyện Hải Hậu trong giờ thực hành.
Học viên lớp mộc mỹ nghệ của Trung tâm dạy nghề huyện Hải Hậu trong giờ thực hành.

Khi việc gieo cấy lúa vụ xuân hoàn tất, hàng trăm phụ nữ ở xã Hải Anh (Hải Hậu) lại miệt mài với nghề thêu ren xuất khẩu. Chị Vũ Thị Thu, một tay kim nhiều kinh nghiệm cho biết, đây là kết quả của chương trình khuyến công của tỉnh do Trung tâm dạy nghề huyện thực hiện đưa nghề về địa phương từ đầu năm 2009. Cũng như xã Hải Anh, từ năm 2010, nhiều lao động nông thôn, đặc biệt là phụ nữ các xã: Hải Lộc, Hải Trung,… cũng có thêm thu nhập mỗi tháng 600-700 nghìn đồng từ khi tham gia đan bẹ chuối, móc sợi xuất khẩu. Năm 2010, Trung tâm dạy nghề Hải Hậu đã được Quỹ Khuyến công tỉnh hỗ trợ 360 triệu đồng phục vụ công tác dạy nghề, truyền nghề cho lao động nông thôn. Từ nguồn kinh phí này, trung tâm đã tổ chức 9 lớp dạy các nghề móc sợi tại các xã Hải Nam, Hải Lộc; nghề đan bẹ chuối tại các xã Hải Nam, Hải Toàn, Hải Trung; đan cói tại xã Hải Thanh, Hải Hưng, may công nghiệp tại xã Hải Giang, trung bình mỗi lớp thu hút 40-50 học viên tham gia. Trong quá trình dạy nghề, trung tâm luôn nhận được sự quan tâm của chính quyền các địa phương trong việc tuyển chọn, quản lý học viên, tổ chức lớp học… Phần lớn các lao động sau khi học nghề đều có việc làm tại các doanh nghiệp, các tổ hợp hoặc sản xuất tại gia đình để tăng thêm thu nhập. Xã Hải Đường là một trong những đơn vị sử dụng quỹ khuyến công có hiệu quả. Năm 2009, từ nguồn kinh phí khuyến công của tỉnh, Trung tâm dạy nghề huyện đã dạy các nghề dệt đay, đan bẹ chuối, cói xuất khẩu cho trên 100 lao động của xã. Đến nay, các nghề này đã mở rộng, phát triển, thu hút gần 400 lao động trong xã, thu nhập bình quân 700 nghìn đến 1 triệu đồng/người/tháng. Năm 2010, xã Hải Đường tiếp tục được Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp I và Trung tâm dạy nghề huyện chọn là đơn vị triển khai chương trình dạy nghề may công nghiệp cho lao động địa phương. Có nguồn lao động có tay nghề, Cty cổ phần may Haprosimex (Giao Thuỷ) đã đầu tư xây dựng một xưởng may xuất khẩu tại xã, bảo đảm toàn bộ số lao động đã học nghề có việc làm và thu nhập ổn định, lâu dài. Theo đồng chí Trần Thị Bích Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm dạy nghề Hải Hậu, tìm được nguồn kinh phí hỗ trợ đã khó nhưng sử dụng như thế nào để công tác đào tạo đạt hiệu quả, có tính ổn định, lâu dài, giữ được người lao động, tránh lãng phí là điều mà các cán bộ, giáo viên của trung tâm luôn quan tâm, trăn trở. Nhiều giải pháp được triển khai đồng bộ như: ưu tiên dạy nghề trước cho lao động tại những xã thuần nông, xa trung tâm huyện, có nguồn lao động dồi dào và có nhu cầu học nghề cao; nhân rộng các mô hình khuyến công đã triển khai có hiệu quả; tổ chức biên soạn giáo án phù hợp với khả năng tiếp thu của nhiều đối tượng học viên ở các độ tuổi khác nhau… Trung tâm dạy nghề huyện đã phối hợp với Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… các địa phương tiến hành khảo sát, tìm hiểu nhu cầu học nghề của người lao động, cử giáo viên xuống từng thôn, xóm khuyến khích, động viên bà con học nghề, cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm để bà con yên tâm sản xuất. Ngành nghề đưa về các địa phương được lựa chọn, bảo đảm các yếu tố như sử dụng nhiều lao động, dễ học, dễ hiểu, phù hợp với nhiều đối tượng lao động, có thể tận dụng được thời gian nông nhàn gồm: móc sợi, đan bẹ chuối xuất khẩu, thêu ren, may công nghiệp. Tại mỗi địa phương, trung tâm đều lựa chọn một, hai người có tâm huyết, trách nhiệm với nghề, có tay nghề cao làm hạt nhân để tập hợp, thu hút học viên và giữ nghề, phát triển nghề.

Không chỉ làm tốt công tác dạy nghề, Trung tâm dạy nghề Hải Hậu còn liên kết với nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh như Cty Thuận Vũ (Hà Nội), Cty TNHH Phú Minh (Hưng Yên)… để bao tiêu sản phẩm cho bà con. Hiện nay, trung tâm tiếp tục lựa chọn các nghề mới, phù hợp, đáp ứng nhu cầu thị trường, có tính bền vững cao để có thêm nhiều lao động được học nghề và có việc làm tại địa phương./.

Bài và ảnh: Thanh Thủy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com