Tinh thần dân tộc và ý thức cộng đồng

07:03, 25/03/2011

Những ngày qua, thảm họa động đất và sóng thần ở Nhật Bản đang trở thành sự kiện thu hút sự quan tâm của toàn thế giới. Trong khi cố gắng chung tay giúp đỡ Nhật Bản vượt qua một giai đoạn khó khăn, cả thế giới đã được chứng kiến và đều bày tỏ lòng ngưỡng mộ ý chí kiên cường, thái độ bình tĩnh, tinh thần cộng đồng,... mà người dân Nhật Bản đã thể hiện. Trong hoàn cảnh cực kỳ gian nan, thiếu thốn, tại những địa phương Nhật Bản phải chịu sự tàn phá của động đất và sóng thần, đã không xảy ra tình trạng đầu cơ tích trữ, tăng giá hay cướp bóc... Chuyện từ Nhật Bản đã, đang và sẽ để các nhà nghiên cứu văn hóa quan tâm tìm hiểu, phân tích, lý giải. Nhưng có một nguyên nhân mà mọi người đều nhận thấy là, tuy đã đạt tới tầm vóc một quốc gia phát triển hiện đại, người Nhật Bản vẫn bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa truyền thống hết sức quan trọng, đó là tinh thần dân tộc và ý thức cộng đồng. 

Thanh niên Quân đội cứu trợ lũ lụt ở miền Trung. Ảnh: Internet
Thanh niên Quân đội cứu trợ lũ lụt ở miền Trung.
Ảnh: Internet

Nhìn về dân tộc Việt Nam, chúng ta thấy, tinh thần dân tộc và ý thức cộng đồng cũng là một giá trị cao quý  mà cha ông chúng ta đã xây đắp từ lâu đời; là một trong các giá trị cơ bản, xuyên suốt lịch sử dân tộc, góp phần tạo nên sức mạnh to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Trong cuộc sống hằng ngày cũng vậy, những bài học về ý thức cộng đồng đã được trao truyền qua các thế hệ, và trở thành câu nói “nằm lòng” trong tâm trí của mọi người, như: “Bầu ơi thương lấy bí cùng - Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”, “Lá lành đùm lá rách”, “Thương người như thể thương thân”, “Nhường cơm xẻ áo”, “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Các giá trị nhân văn này vẫn được duy trì và truyền tới thế hệ hôm nay, mọi người vẫn hăng hái thực hành mỗi khi đất nước gặp thiên tai, địch họa, hoặc khi đồng bào không may gặp cảnh cơ hàn. Tuy nhiên, có một thực tế rất đáng lưu tâm là gần đây đã xuất hiện một số cá nhân tỏ ra vô cảm, một số người vì quyền lợi cá nhân, ích kỷ đã đầu cơ, nâng giá vì hàng hóa khan hiếm mỗi khi có bão lụt, hay sự cố nào đó xảy ra; thậm chí còn xà xẻo từ nguồn tài trợ, đóng góp của đồng bào cả nước... Số người đó không nhiều nhưng thật sự là điều đáng tiếc và cần phê phán.

Tinh thần dân tộc và ý thức cộng đồng chỉ phát huy được vai trò to lớn của nó khi chúng ta có ý thức tự giác trong hành động tiếp nối truyền thống, lấy đó làm cơ sở triển khai việc truyền bá, giáo dục thường xuyên cho các thế hệ kế tục. Trong khi tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, chúng ta không được phép đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc - kho báu vô giá mà cha ông ta luôn lưu giữ, phát huy và truyền lại. Các tác phẩm văn học - nghệ thuật, các sản phẩm truyền thống có vai trò quan trọng trong việc giữ gìn và bồi đắp các giá trị văn hóa dân tộc... Từ sự tự ý thức, mỗi chúng ta phải trở thành tấm gương hằng ngày trong thực hành, biết giữ gìn lòng tự hào và lòng tự tôn dân tộc, biết đồng cảm và chia sẻ khi đồng bào mình gặp khó khăn và khi cần thiết, biết đặt lợi ích của dân tộc và của cộng đồng lên trên lợi ích của chính bản thân mình./.

Theo: nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com