Tiết kiệm phải trở thành lối sống

08:03, 04/03/2011

Từ đầu năm đến nay, giá cả nhiều loại hàng hoá đã tăng khá nhanh, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người dân. Gần đây, tỷ giá VND/USD do ngân hàng niêm yết đã tăng, giá điện tăng, giá xăng dầu tăng… tất yếu sẽ kéo theo nhiều mặt hàng khác tăng giá.

Để kiềm chế giá, Chính phủ đã và đang đề ra nhiều giải pháp, trong đó điều ai cũng có thể làm được, ai cũng có thể tham gia được và có hiệu quả ngay đến từng người, từng gia đình và toàn xã hội. Đó là giải pháp tiết kiệm. Tiết kiệm từ việc tư đến việc công, từ việc nhỏ đến việc lớn.

Từ thuở xa xưa, ông cha ta đã căn dặn: “Buôn tàu, bán bè, không bằng ăn dè, hà tiện”. Kinh nghiệm từ các nhà doanh nghiệp nổi tiếng thế giới, các quốc gia giàu có nhất hiện nay đều đi lên từ con đường tiết kiệm. Ngay cả những người giàu nhất thế giới, nước có nền kinh tế phát triển nhất toàn cầu, họ cũng không xài sang. Việt Nam đã qua 25 năm đổi mới, đã thay da đổi thịt, đạt được những thành tựu to lớn và quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, nhưng so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới thì nước ta vẫn là nước nghèo. Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước ta luôn chủ trương kêu gọi toàn dân thi đua cần kiệm xây dựng đất nước, coi tiết kiệm là quốc sách.

Thế nhưng, trên thực tế hằng ngày ta thấy bao hiện tượng lãng phí, phô trương hình thức… gây lãng phí thời gian và tiền bạc của nhân dân. Hãy xem trong túi rác của nhiều gia đình vẫn còn vô số thức ăn dư thừa, các thiết bị cao cấp có khi hàng năm không dùng vẫn lắp đặt cho… đẹp. Tại các công sở, tình trạng đèn thắp sáng khi không có người, điều hoà vẫn chạy khi nhiệt độ trong phòng và ngoài phòng tương đương không còn là cá biệt. Trên bình diện quốc gia, các quy hoạch “treo”, những cuộc khai trương, động thổ rầm rộ… tiêu tốn không ít tiền của của toàn xã hội.

Trong bối cảnh giá cả tăng và bắt buộc phải tăng giá như hiện nay, vấn đề tiết kiệm phải được đặt lên hàng đầu. Tiết kiệm không chỉ là quốc sách mà phải là lối sống và là phương châm hành động cụ thể của mỗi cá nhân, gia đình, tập thể, tổ chức, doanh nghiệp và toàn xã hội. Thiết nghĩ, đã đến lúc chúng ta phải đưa việc thực hành tiết kiệm chống lãng phí thành nội dung xem xét, đánh giá cán bộ công chức, viên chức Nhà nước. Các khu dân cư cũng phải xây dựng tiêu chí tiết kiệm của các gia đình để đánh giá, bình xét tiêu chuẩn gia đình văn hoá. Các chế tài xử phạt hành vi lãng phí cũng nên được xây dựng khẩn trương để khuyến khích người dân tiết kiệm.

“Tiết kiệm là quốc sách” phải là khẩu hiệu hành động lúc này. Cùng với khẩu hiệu đó, cần phát động một phong trào toàn dân tiết kiệm để chung súc, đồng lòng đưa đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn do giá cả tăng cao./.

Phú Thọ



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com