Thuốc đông y: Lợi và hại

09:03, 28/03/2011

Nhiều người có thói quen sử dụng thuốc đông y để bồi bổ sức khoẻ. Nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, gầy yếu, đau khớp, mệt mỏi, viêm gan…, thậm chí có người không bị bệnh cũng đi cắt vài thang thuốc uống. Thực tế, thuốc đông y đã giúp nhiều bệnh nhân cải thiện được sức khỏe, nhưng cũng có không ít người bệnh nặng thêm hoặc bị biến chứng, ngộ độc, thậm chí bị chết oan do lạm dụng thuốc đông y.

Một cửa hàng thuốc đông y trên địa bàn Thành phố Nam Định.
Một cửa hàng thuốc đông y trên địa bàn Thành phố Nam Định.

Chị Trần Thị An ở đường Nguyễn Văn Trỗi (T.P Nam Định) vẫn còn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại lần ngộ độc thuốc đông y cắt của một bà lang vườn trong dịp cuối năm vừa qua. Chị bị bệnh viêm gan B, do muốn bệnh mau khỏi, nên chưa hết đợt điều trị bằng thuốc tây, nghe người quen giới thiệu có “bà lang” chữa bách bệnh rất mát tay, chị An lặn lội tìm đến. Chẳng hiểu thuốc thang kiểu gì mà sau một tuần dùng thuốc, người chị cứ đỏ lên, nóng rát rất khó chịu. Gia đình phải đưa vào bệnh viện vì sức khỏe chị đã có phần nguy kịch. Bác sỹ kết luận, chị bị nhiễm độc do sử dụng thuốc đông y có quá nhiều độc tố. Qua giải thích của bác sỹ, chị mới biết, mỗi vị thuốc đông y có nhiều dược chất khác nhau. Một bài thuốc với hàng chục vị nên con số hóa dược trong đó khó có thể đếm xuể. Nếu người thầy thuốc có hiểu biết rộng, có nhiều kinh nghiệm, lại biết kết hợp và điều chỉnh các vị thuốc hợp lý thì thuốc đông y sẽ có tác dụng tốt và ngược lại sẽ gây hậu quả khôn lường. Đơn giản như vị hà thủ ô đỏ, nếu để sống hoặc chế biến không cẩn thận sẽ gây rối loạn tiêu hóa, nhưng nếu chế biến đúng cách sẽ có tác dụng bổ huyết, bổ can thận. Các dược liệu có độc tính như ô đầu phụ tử, mã tiền nếu chế biến không cẩn thận có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người sử dụng. Nhiều thầy lang khi cắt thuốc còn cho vào thuốc nam chu sa, thần sa, nhan môn… để tăng tác dụng của bài thuốc nhưng không chú ý đến hàm lượng kim loại nặng như: chì, thủy ngân, asen… và nhiều độc chất khác thường có trong các loại dược liệu này. Bên cạnh đó, nhiều bệnh nhân không phải bị nhiễm độc do các hoạt chất có trong thuốc đông y mà lại do nhiễm độc những hóa chất tồn dư dùng trong quá trình bảo quản thuốc như lưu huỳnh, diêm sinh… để chống ẩm, chống mốc, hay dùng thuốc trừ sâu trong quá trình trồng thuốc… Chưa kể đến việc vì hám lợi, một số thầy lang đã trộn thêm tân dược vào những viên thuốc hoàn tán khiến bệnh nhân khi dùng thấy có tác dụng ngay như ăn ngon, ngủ kỹ, tưởng nhầm là khỏi bệnh nhưng thực tế phải phụ thuộc vào thuốc và gây nhiều biến chứng nguy hiểm.

Trong thời gian gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng liên tục phản ánh các cơ sở sản xuất, chế biến thuốc đông y không có nguồn gốc xuất xứ được nhập khẩu tràn lan và được chế biến, sao tẩm, phơi khô, bảo quản…, rất mất vệ sinh, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người chế biến cũng như người sử dụng thuốc. Để tránh ngộ độc thuốc đông y, gây những hậu quả khôn lường, bệnh nhân nên khám và bốc thuốc tại các cơ sở tin cậy, có giấy phép hành nghề và khi dùng thuốc cần tuân thủ theo chỉ định của lương y. Đơn thuốc phải có ghi rõ thành phần thuốc cũng như liều lượng sử dụng…

Bài và ảnh: Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com