Thực hiện kế hoạch hành động Tuần lễ quốc gia AT-VSLĐ, PCCN 2011 từ đầu tháng 3, Ban quản lý các KCN tỉnh đã tổ chức kiểm tra công tác AT-VSLĐ, PCCN ở 11 doanh nghiệp. Qua kiểm tra, nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư cho công tác bảo đảm AT-VSLĐ, PCCN, xây dựng kế hoạch bảo hộ lao động và thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về chế độ BHLĐ, cải thiện môi trường làm việc… Năm 2010, Cty TNHH một thành viên KTCTTL Nghĩa Hưng đã đầu tư trên 132 triệu đồng trang bị BHLĐ cho cán bộ công nhân viên, nhất là các bộ phận lao động có nguy cơ mất an toàn cao. Cty cổ phần may Nam Định với 90% sản phẩm xuất khẩu sang các thị trường EU, Mỹ nên công tác AT-VSLĐ, PCCN, BHLĐ được doanh nghiệp thực hiện nghiêm bởi ngoài sự tự giác của doanh nghiệp, các cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt là đối tác nước ngoài cũng yêu cầu khắt khe về công tác này. Ở các doanh nghiệp cổ phần hoá, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, công tác bảo đảm AT-VSLĐ, PCCN, chấp hành chế độ BHLĐ nề nếp. Nhiều chủ doanh nghiệp đã nhận thức được tầm quan trọng của công tác bảo đảm AT-VSLĐ, PCCN trong quá trình sản xuất kinh doanh, không chỉ vì người lao động mà bởi cả lợi ích của doanh nghiệp.
Trong xưởng sản xuất tôn mỹ nghệ xuất khẩu của Cty CP cơ khí và thương mại Nam Hà, CCN Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng). |
Tuy nhiên, mặc dù công tác AT-VSLĐ, PCCN đã được luật hóa song vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu sót cả trong công tác quản lý nhà nước và sự chấp hành tại các doanh nghiệp, nhất là khối các doanh nghiệp tư nhân. Với số lượng doanh nghiệp hoạt động nhiều, nhưng mỗi đợt chỉ kiểm tra được rất ít doanh nghiệp (trong Tuần lễ quốc gia AT-VSLĐ, PCCN Ban quản lý KCN chỉ kiểm tra được 11/110 doanh nghiệp đang hoạt động tại KCN Hoà Xá), còn lại chỉ gửi phiếu để doanh nghiệp tự kiểm tra, chấm điểm và gửi về cho Ban quản lý tổng hợp theo dõi. Chất lượng thực tế của các bản tự chấm điểm phụ thuộc hoàn toàn vào “sự tự giác” của doanh nghiệp (?!). Kết quả kiểm tra cho thấy nhiều bản tự chấm điểm và thực tế chênh lệch khá nhiều. Không những thế ngay ở các doanh nghiệp đã được kiểm tra thì công tác “hậu kiểm”, tức là theo dõi, giám sát khắc phục thiếu sót cũng hạn chế. Kiểm tra một doanh nghiệp tư nhân kinh doanh sản phẩm gương kính tại KCN Hòa Xá (TP Nam Định) thì thấy trong báo cáo và kết quả tự chấm điểm của doanh nghiệp cho biết đã cử cán bộ, công nhân tham gia đầy đủ các khóa huấn luyện về AT-VSLĐ, PCCN do Ban quản lý KCN của tỉnh tổ chức và được cấp chứng chỉ… nhưng toàn bộ hồ sơ theo dõi, quản lý của doanh nghiệp về công tác này không có. Trong xưởng sản xuất có nhiều máy móc thiết bị tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người lao động như: hệ thống điện, thiết bị mài cắt, sàn gỗ lồi lõm, có thanh gãy mục, trơn trượt, giấy bọc kính, gỗ thông là các vật liệu phế thải dễ cháy. Xưởng không có nội quy bảo đảm AT-VSLĐ, PCCN, các thiết bị đòi hỏi nghiêm ngặt về an toàn không được bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ… Ở một doanh nghiệp sản xuất tôn mỹ nghệ xuất khẩu trong CCN Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng), hệ thống nhà xưởng chủ yếu là mái tôn, cột sắt nhưng hệ thống dây điện thiếu an toàn, không được bọc bằng các vật liệu chuyên biệt. Nếu xảy ra tình trạng dây dẫn điện bị chuột gặm nhấm vỏ nhựa, gây hở điện có thể biến cả xưởng sản xuất thành khối dẫn điện. Các bể nước pha hóa chất nhúng rửa tôn cũng không có nắp đậy; và không có các hướng dẫn cảnh báo nguy hiểm trong khi hàng hóa, dụng cụ trong xưởng để ngổn ngang… Một hạn chế nữa là ý thức của một bộ phận người lao động trong việc chấp hành quy định về AT-VSLĐ vẫn hạn chế, thiếu tính tự giác. Ở một số doanh nghiệp may, để phòng ngừa bụi vải ảnh hưởng đến sức khỏe của công nhân, doanh nghiệp đã trang bị khẩu trang song nhiều người không sử dụng. Ở nhiều doanh nghiệp, hệ thống hồ sơ sổ sách quản lý về công tác AT-VSLĐ, PCCN, các chế độ BHLĐ không được quan tâm cập nhật đầy đủ. Do đó vừa gây khó khăn cho công tác quản lý của doanh nghiệp, công tác kiểm tra giám sát của cơ quan quản lý nhà nước, vừa gây khó khăn cho việc xác định, đánh giá trách nhiệm của các bên liên quan, cũng như việc bảo vệ quyền lợi cho người lao động khi xảy ra các sự cố rủi ro mất an toàn lao động, tai nạn lao động hay cháy nổ.
Bảo đảm AT-VSLĐ, PCCN nhằm tạo ra môi trường làm việc an toàn, vệ sinh, lành mạnh, đảm bảo sức khỏe cho người lao động. Các hạn chế, thiếu sót được phát hiện qua đợt kiểm tra cần được các cơ quan chức năng, nhất là các doanh nghiệp rà soát, khắc phục hiệu quả./.