Thu hút, tập hợp đoàn viên, thanh niên khu vực nông thôn: Nhìn từ cơ sở

08:03, 16/03/2011

Chiếm một tỷ lệ lớn trong cơ cấu dân số nhưng hiện nay việc thu hút, tập hợp lực lượng thanh niên khu vực nông thôn tham gia sinh hoạt trong tổ chức Đoàn gặp nhiều khó khăn. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là vai trò, hiệu quả hoạt động của các tổ chức Đoàn ở khu vực này còn hạn chế, cần có các giải pháp tháo gỡ…

Vì sao việc thu hút, tập hợp thanh niên khu vực nông thôn gặp khó khăn ?

Thực tế ở nhiều vùng nông thôn trong tỉnh là hiện nay phần đông thanh niên vắng mặt thường xuyên ở địa phương. Ngoài số thanh niên trúng tuyển, theo học tại các trường đại học, cao đẳng, sau khi tốt nghiệp rất ít người trở về quê làm việc, còn lại phần đông do thiếu việc làm, thu nhập phải “ly hương” tìm kiếm việc làm thêm, chỉ còn lại số ít ở lại quê làm ăn, sinh sống mới tham gia sinh hoạt trong các tổ chức Đoàn của địa phương. Đồng chí Vũ Đình Thi, Bí thư Đoàn xã Phương Định (Trực Ninh) cho biết, từ nhiều năm nay, cứ sau Tết Nguyên đán, thanh niên trong xã lại rời quê đi làm ăn xa, mỗi khi có hoạt động cần triển khai, Đoàn Thanh niên xã rất khó tập hợp được lực lượng. Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, ngoài sản xuất nông nghiệp, xã Phương Định còn có nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt sợi. Tuy nhiên, do thu nhập thấp nên hầu hết thanh niên chọn giải pháp “ly hương” kiếm sống. Xã có hơn 500 thanh niên trong độ tuổi sinh hoạt Đoàn nhưng chỉ có khoảng 40% trong số đó có tham gia. Cả 24 xóm trong xã đều thành lập chi đoàn nhưng  hiện chỉ có 1/3 trong số đó có hoạt động, còn lại gần như hoạt động cầm chừng do đoàn viên vắng mặt. Ở một số địa phương khác tình trạng này cũng tương tự. Đồng chí Nguyễn Hữu Tuấn, Bí thư Đoàn xã Yên Nhân (Ý Yên) cho biết, toàn xã hiện có gần 800 thanh niên đang vắng mặt thường xuyên tại địa phương, ngoài một số ít đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp còn lại hầu hết xa nhà vì lý do đi làm kinh tế. Đoàn xã có 16 chi đoàn ở 16 xóm nhưng số đoàn viên có điều kiện tham gia sinh hoạt rất thấp, chi đoàn nhiều nhất cũng chỉ có 6 đoàn viên, phổ biến là 3 đến 4 đoàn viên. Do vậy, công tác Đoàn và phong trào thanh niên ở địa phương gặp khó khăn vì thiếu lực lượng tại chỗ. Ở xã Nghĩa Trung (Nghĩa Hưng) việc thu hút, tập hợp thanh niên ở các thôn, xóm tham gia sinh hoạt Đoàn cũng khó khăn không kém. Đồng chí Phạm Văn Bằng, Bí thư Đoàn xã cho biết, hiện tại toàn xã có hơn 700 đoàn viên thanh niên, nhiều người thường xuyên có mặt tại địa phương nhưng mải làm ăn nên không thiết tha với phong trào Đoàn. Số ít đang làm việc tại các doanh nghiệp trong CCN Nghĩa Sơn, cách địa phương không xa nhưng do yêu cầu của doanh nghiệp họ thường phải làm việc tăng ca nên dù muốn cũng không có thời gian sinh hoạt Đoàn. Chính vì vậy, tỷ lệ tập hợp thanh niên trong độ tuổi tham gia sinh hoạt Đoàn ở các chi đoàn thôn, xóm trong xã rất thấp. Đoàn xã có 13 chi đoàn thôn, xóm nhưng chỉ có khoảng hơn 50 đoàn viên tham gia sinh hoạt, bình quân mỗi chi đoàn chỉ có 4-5  đoàn viên sinh hoạt. Một nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng trên là đội ngũ cán bộ Đoàn không chỉ thiếu về số lượng mà còn yếu về chất lượng. Hầu hết bí thư chi đoàn thôn, xóm trong tỉnh chỉ có trình độ văn hoá 9/12, ít người có trình độ văn hoá 12/12, hiểu biết về Đoàn hạn chế lại không được trang bị những kỹ năng cần thiết nên nhiều bí thư chi đoàn không đủ sức tổ chức, triển khai các chương trình, kế hoạch do Đoàn cấp trên phát động. Kinh phí cho hoạt động Đoàn ít, cũng là một trong những nguyên nhân làm hạn chế hiệu quả hoạt động của tổ chức Đoàn ở nông thôn. Hiện nay, mức kinh phí của các địa phương cấp cho Đoàn thường ở mức trên dưới 3 triệu đồng/năm, trong khi các chi đoàn thôn, xóm hầu hết không có quỹ nên muốn triển khai một chương trình, phong trào nào cũng khó (!). Được Đoàn cấp trên đánh giá là một trong những chi đoàn thôn, xóm “có hoạt động” nhưng khi tìm hiểu hoạt động của chi đoàn thôn Hợp Hoà, xã Phương Định (Trực Ninh) chúng tôi được biết mỗi năm chi đoàn cũng chỉ tổ chức sinh hoạt 2-3 lần. Thôn có hơn 40 thanh niên nhưng hầu hết đang đi làm ăn xa, mỗi lần sinh hoạt cũng chỉ có vài đoàn viên tham gia. Nội dung sinh hoạt cũng rất nghèo nàn. Thường là đọc văn bản, phổ biến hướng dẫn, chỉ thị của các cấp; nếu có đông đoàn viên tham gia hơn thì tổ chức quét dọn vệ sinh đường làng. Còn những hoạt động: Tuyên truyền, giáo dục truyền thống, tư tưởng, đạo đức cho đoàn viên, thanh niên, các hoạt động vì cộng đồng, gây quỹ… hầu như không có. Nhiều đoàn viên bị mắc tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật nhưng chi đoàn cũng không có kế hoạch, biện pháp giáo dục, giúp đỡ. Đồng chí Nguyễn Văn Đắc, Bí thư chi đoàn cho biết, bản thân mới học hết lớp 9, những hiểu biết và kỹ năng công tác Đoàn còn hạn chế nên rất lúng túng khi tổ chức các hoạt động của chi đoàn… Ở xóm Lạc Thành, xã Giao Nhân (Giao Thuỷ) việc chọn bầu người làm bí thư chi đoàn xóm cũng đang gặp khó khăn. Đồng chí Đỗ Công Thái, Bí thư chi bộ xóm cho biết, hầu hết những thanh niên được chi bộ vận động tham gia đều thoái thác vì lý do bận làm kinh tế. Chính vì vậy có những thời điểm công tác Đoàn và phong trào thanh niên của thôn gần như chững lại (!). Đồng chí Mai Xuân Hòa, Bí thư Huyện Đoàn Hải Hậu lại có một nỗi băn khoăn khác. Trong khi lực lượng thanh niên nông thôn đi làm ăn xa khá đông, nhưng đến nay các địa phương có thanh niên và tiếp nhận thanh niên vẫn chưa có cơ chế phối hợp hiệu quả để theo dõi, quản lý. Thanh niên đi đâu, làm gì địa phương không hề biết (!).

 

Đoàn viên, thanh niên các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn TP Nam Định tham gia hiến máu nhân đạo.  Ảnh: xuân thu
Đoàn viên, thanh niên các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn TP Nam Định tham gia hiến máu nhân đạo.
Ảnh: Xuân Thu

Cần những giải pháp có tính chiến lược, tổng thể

Hiện nay, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đang được các cấp, các ngành trong tỉnh tập trung thực hiện với hàng loạt công việc sẽ được triển khai ở các xã. Để chủ trương lớn, quan trọng này được thực hiện hiệu quả, cần huy động nhiều lực lượng tham gia, trong đó cần có vai trò, đóng góp của lực lượng thanh niên nông thôn. Thực trạng trên cho thấy, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các tổ chức cơ sở Đoàn khu vực nông thôn, là một việc làm rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Để thực hiện được điều đó, cần có những giải pháp có tính chiến lược, tổng thể. Một trong những mong muốn lớn nhất của thanh niên nông thôn hiện nay đó là Đảng, Nhà nước quan tâm xây dựng, thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế ở khu vực nông thôn, qua đó tạo điều kiện cho thanh niên cơ hội có việc làm, thu nhập ngay tại quê hương mình. Làm giàu đang là khát khao chính đáng của thanh niên nói chung. Các cấp uỷ Đảng, chính quyền, tổ chức Đoàn cần quan tâm hỗ trợ thanh niên vay vốn để khi cần họ có thể tiếp cận được các nguồn vốn vay ưu đãi phát triển ngành nghề, mở rộng sản xuất... Hiện nay, chính sách cho thanh niên nông thôn vay vốn còn bị bó hẹp. Nếu có vốn vay ưu đãi, thanh niên nông thôn sẽ tìm cách làm giàu, nâng cao năng suất lao động, chuyển đổi ngành nghề ngay tại quê hương mình. Bên cạnh đó, các cấp bộ Đoàn cần đẩy mạnh hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đến đông đảo thanh niên, có cơ chế khuyến khích họ mạnh dạn áp dụng và sáng tạo những phương pháp làm ăn mới. Tập trung nâng cao năng lực, kỹ năng hoạt động của đội ngũ cán bộ Đoàn khu vực nông thôn cũng là việc làm rất cần thiết. Để tránh “bệnh hình thức” trong hoạt động Đoàn hiện nay, các buổi sinh hoạt Đoàn cần lồng ghép các nội dung như trao đổi kinh nghiệm làm ăn, kiến thức về cuộc sống, thông tin việc làm, xây dựng những mô hình tập hợp thanh niên theo sở thích, chuyên môn, nghề nghiệp… So với thanh niên khu vực đô thị, thanh niên nông thôn ít được tham gia các hoạt động văn hoá, thể thao, đời sống tinh thần còn nhiều hạn chế. Vì vậy địa phương, tổ chức Đoàn ở nông thôn cần tổ chức nhiều hơn nữa các hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi giải trí lành mạnh, nhằm thu hút, tập hợp, giáo dục truyền thống, lối sống cho thanh niên, giúp họ tránh xa các tệ nạn xã hội. Đặc biệt, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Đoàn và phong trào thanh niên, cấp uỷ, chính quyền địa phương, chi bộ các thôn, xóm cần nâng cao vai trò, trách nhiệm và có sự quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa./.

Duy Hưng

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com