Tăng cường phòng chống dịch cúm A (H1N1)

08:03, 16/03/2011

Cảnh báo nguy cơ

Cúm A(H1N1) là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virút cúm A(H1N1) gây nên. Theo các nhà khoa học, virút cúm A(H1N1) là phụ tuýp của virút cúm A, thuộc họ Orthomyxoviridae, có khả năng đột biến thành nhiều chủng gây bệnh cúm trên gia súc, gia cầm và con người. Hiện nay dịch cúm A(H1N1) đã xuất hiện, lây lan ở nhiều quốc gia trên thế giới và trở thành vấn đề nghiêm trọng đe doạ tình trạng sức khoẻ toàn cầu. Vật chủ tự nhiên của virút cúm A(H1N1) là người, động vật có vú và gia cầm, nhưng lợn là vật chủ chính. Virút cúm có nhiều trong dịch đường hô hấp của lợn mắc bệnh. Mầm bệnh có thể lây trực tiếp từ lợn bệnh sang lợn khoẻ thông qua dịch tiết, trong không khí khi lợn ho hoặc lây gián tiếp thông qua các vật dụng, lây từ người sang người khi tiếp xúc với mầm bệnh. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao và lây lan nhanh trong cộng đồng, đặc biệt ở nơi tập trung đông người như trường học, nhà trẻ, siêu thị… Trường hợp bệnh nặng có thể bị suy hô hấp và dẫn đến tử vong.

Người bị cúm A(H1N1) có triệu chứng ho, sổ mũi, hắt hơi, khó thở và nhiệt độ cơ thể cao, mệt  mỏi, bỏ ăn…Thời gian ủ bệnh từ 1 đến 3 ngày, tốc độ lây lan nhanh và tỷ lệ mắc bệnh cao. Người mang virút cúm A(H1N1) có khả năng truyền virút cho những người xung quanh trong thời gian 1 ngày trước tới 7 ngày sau, kể từ khi có triệu chứng của bệnh. Bệnh cúm A(H1N1) có triệu chứng giống với cúm thông thường, chỉ có thể chẩn đoán xác định bằng lấy dịch mũi họng để xét nghiệm. Virút cúm A(H1N1) có thể tồn tại khá lâu ngoài môi trường, do vậy mọi người cần tuân thủ hướng dẫn chống dịch của ngành Y tế.

Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo dịch cúm có thể trở thành đại dịch trên quy mô toàn cầu. Tại nước ta, tính đến nay, đã có hơn 260 trường hợp dương tính với cúm A(H1N1) tại 32 tỉnh, thành phố. Trên địa bàn tỉnh ta tính đến hết ngày 14-3-2011 có 26 bệnh nhân tại 3 huyện, thành phố bị nghi nhiễm cúm A(H1N1): tại Thị trấn Ngô Đồng (Giao Thủy) có 15 bệnh nhân, Thành phố Nam Định 9 bệnh nhân, huyện Hải Hậu 2 bệnh nhân. Trong đó có 6 bệnh nhân đã được xác định dương tính với cúm A(H1N1), 1 trường hợp tại Thị trấn Ngô Đồng đã tử vong do nhiễm cúm A(H1N1).

Tăng cường phòng chống dịch bệnh

Dự báo dịch cúm A(H1N1) tiếp tục lây lan trong cộng đồng vào thời gian tới nếu không thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch. Sở Y tế đã đẩy mạnh tuyên truyền các biện pháp phòng chống cúm trong nhân dân, cấp trang bị phòng hộ cá nhân và thuốc Tamiflu cho những đối tượng có nguy cơ, tiến hành phun hóa chất khử trùng bằng Cloramin 5% toàn bộ khu I Thị trấn Ngô Đồng (Giao Thủy) và ở phường Hạ Long (TP Nam Định), lập danh sách những người tiếp xúc với các bệnh nhân để theo dõi sức khỏe, nhiệt độ hàng ngày trong vòng 7 ngày, họp BCĐ chống dịch cúm A(H1N1) của 3 đơn vị có người nhiễm cúm, tăng cường giám sát các trường hợp nghi nhiễm trên địa bàn và báo cáo diễn biến hàng ngày về các cơ quan tuyến trên theo quy định của Bộ Y tế, kiểm tra, rà soát các đơn vị điều trị như Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa huyện Giao Thủy, Bệnh viện Đa khoa Thành phố Nam Định, Bệnh viện Lao và bệnh phổi về công tác sẵn sàng tiếp nhận cách ly và điều trị…

Bác sĩ Đỗ Đức Lưu, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: Thời điểm giao mùa đông - xuân, nhất là vào thời tiết mưa dầm, thiếu ánh nắng hoặc thời tiết thay đổi đột ngột, lúc khô hanh lúc ẩm ướt, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn gây bệnh sinh sôi và phát triển. Các biện pháp phòng bệnh hữu hiệu là: đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đặc biệt sau khi ho, hắt hơi vì virút cúm A(H1N1) có sức đề kháng yếu, dễ bị bất hoạt bởi bức xạ mặt trời, tia cực tím và các chất tẩy rửa thông thường. Tuy nhiên, virút cúm A(H1N1) có thể tồn tại hàng giờ ở ngoại cảnh, đặc biệt khi thời tiết lạnh hoặc ẩm, do đó muốn tránh mắc bệnh nên hạn chế đến chỗ đông người. Nên thường xuyên lau nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ vật trong nhà bằng các chất tẩy rửa thông thường như xà phòng, chất tẩy Natri hypochlorite 0,05%... Cách tốt nhất để phòng chống dịch cúm A(H1N1) là người dân cần thực hiện đúng theo khuyến cáo của ngành Y tế với các biện pháp: rửa tay sạch hàng ngày bằng xà phòng hoặc dung dịch nước sát khuẩn, giữ vệ sinh cá nhân thật tốt; khi ho, khạc cần lấy khăn che miệng, nếu có vấn đề về sức khỏe thì phải đeo khẩu trang để tránh lây nhiễm bệnh cho những người xung quanh. Thông thường người bị bệnh trong vòng một tuần sẽ khỏi nếu được điều trị thuốc kháng virút đặc hiệu là Oseltamivir phospate (Tamiflu)… Tuy nhiên, trên cơ địa suy giảm miễn dịch như mắc các bệnh mãn tính: tiểu đường, tim bẩm sinh, bệnh phổi mãn tính… sẽ dễ bị biến chứng viêm phổi nặng dẫn đến suy hô hấp và tử vong./.

Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com