Tăng cường công tác phòng chống và điều trị, tiến tới thanh toán bệnh lao

09:03, 23/03/2011

1. Tăng cường phát hiện, quản lý và điều trị bệnh

Những năm qua, công tác phòng chống lao của tỉnh luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền hoàn thành và vượt các chỉ tiêu kế hoạch được giao: Mạng lưới chống lao được củng cố cả ba tuyến tỉnh, huyện, xã phường; công tác khám phát hiện hoàn thành vượt mức kế hoạch, đạt 118,1%, 100% số bệnh nhân phát hiện được quản lý điều trị bằng hóa trị liệu ngắn ngày có kiểm soát trực tiếp (DOTS), quản lý điều trị khỏi đạt tỷ lệ cao 92,3%.

Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi tỉnh vừa trực tiếp khám, quản lý, điều trị bệnh nhân lao và một số bệnh lao ngoài phổi. Năm 2010, bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị nội trú cho 2.194 bệnh nhân, đạt 146%, công suất sử dụng giường bệnh đạt 149%; 100% bệnh nhân phát hiện được đưa vào quản lý điều trị có kiểm soát trực tiếp, tỷ lệ khỏi đạt trên 90%. Bệnh viện đã triển khai công thức điều trị lao 6 tháng bước đầu đạt kết quả tốt, đã triển khai khung điều trị lao kháng thuốc, góp phần quyết định hiệu quả của công tác phòng chống lao trên địa bàn tỉnh. Bệnh viện cũng đang thực hiện tốt các mục tiêu của Chương trình ARI (Chương trình nhiễm khuẩn và hô hấp cấp tính trẻ em) giảm tỷ lệ tử vong, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi, giảm tỷ lệ viêm phổi nặng, tăng tỷ lệ sử dụng thuốc hợp lý cho trẻ mắc nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính. Bên cạnh đó, tỉnh ta có mạng lưới chống lao hoạt động thường xuyên từ tỉnh đến huyện, xã, phường, thôn xóm. Đội ngũ làm công tác chống lao trong toàn tỉnh hiện có 393 cán bộ, nhân viên, trong đó tuyến tỉnh là 89 người, tuyến huyện 75 người, tuyến xã phường có 229 người, bảo đảm 100% số xã phường, thị trấn đều có mạng lưới chống lao, đáp ứng yêu cầu về số lượng cũng như chất lượng để thực hiện tốt Chương trình chống lao quốc gia (CTCLQG). Tổng số bệnh nhân quản lý năm 2010 trên toàn tỉnh là 3.221 bệnh nhân. Cũng trong năm 2010, tổng số bệnh nhân mới phát hiện trên địa bàn toàn tỉnh là 1.830 người, đạt 118,1% kế hoạch; tỷ lệ điều trị khỏi đạt 92,3%. Các cơ sở y tế đã khám sàng lọc HIV cho 1.695/1.830 bệnh nhân lao, chiếm 92,7%; khám sàng lọc lao cho 462 lượt bệnh nhân HIV, phát hiện 34 trường hợp HIV mắc lao. Những đơn vị làm tốt công tác phòng, phát hiện và điều trị lao là Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi tỉnh, các huyện Hải Hậu, Ý Yên, Xuân Trường, Nghĩa Hưng. Để tăng cường công tác phòng chống, khám và điều trị bệnh lao, công tác truyền thông giáo dục sức khỏe luôn được coi trọng, để người dân hiểu và biết cách phòng chống. Cơ sở chống lao các cấp đã chú ý liên kết toàn diện với các cơ sở y tế công, tư để tăng cường công tác phát hiện, quản lý và điều trị bệnh nhân lao trên cơ sở chiến lược DOTS, tăng cường sự hỗ trợ của chính quyền các cấp và huy động xã hội hỗ trợ trên các mặt tài chính, nguồn nhân lực công tác… Chương trình phòng chống lao còn triển khai đồng bộ các biện pháp như: lồng ghép phòng chống lao với các chương trình y tế khác như chương trình tiêm chủng mở rộng, phòng chống HIV/AIDS, mở lớp tập huấn cho các điều dưỡng viên, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của trạm y tế xã và mạng lưới chống lao từ tỉnh đến cơ sở… Tỉnh ta được chọn là một trong 3 tỉnh (cùng Hải Dương và Hà Nam), điều trị lao theo phác đồ mới từ 8 tháng rút xuống còn 6 tháng, tạo thuận lợi cho việc rút ngắn thời gian điều trị và đạt tỷ lệ khỏi cao. 

d
Ảnh: Internet

2. Những thách thức mới

Tuy đạt được những kết quả khả quan song công tác phòng chống lao trên địa bàn tỉnh còn gặp không ít khó khăn: Đội ngũ cán bộ làm công tác chống lao, đặc biệt là đội ngũ cán bộ làm công tác chống lao địa bàn thôn xóm còn thiếu, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị chưa đáp ứng đủ cho các hoạt động phòng chống bệnh lao, một bộ phận nhân dân còn thành kiến với bệnh lao… Mặt khác, trước tình hình bệnh lao trên thế giới, trong nước và ở tỉnh ta hiện nay không giảm mà đang có xu hướng gia tăng, đặc biệt là lao kháng thuốc, lao kháng đa thuốc, lao HIV/AIDS… đang là thách thức lớn đối với toàn thế giới. Việt Nam là 1 trong 4 nước ở khu vực Tây Thái Bình Dương có tỷ lệ mắc lao mới cao nhất sau Trung Quốc, Philippin và Campuchia. Hiện nay ở nước ta còn nhiều người mắc và chết vì bệnh lao, ước tính mỗi năm có thêm khoảng 18 nghìn người mắc bệnh lao, trong số đó có hơn 5% bệnh nhân lao đồng nhiễm HIV, gần 6.000 bệnh nhân lao đa kháng thuốc và có tới trên 20 nghìn người chết do lao. Người mắc bệnh lao ở nước ta và ở tỉnh ta chủ yếu trong độ tuổi lao động, từ 15 đến 34 tuổi, vì vậy bệnh lao không chỉ gây tổn thất cho sức khỏe con người mà còn tác động đến sự phát triển bền vững nền kinh tế xã hội của đất nước. Mục tiêu của CTCLQG đến năm 2015 là giảm 50% số người mắc lao so với năm 2000 và tiến tới thanh toán bệnh lao vào năm 2030. CTCLQG năm 2011 có chủ đề “Đổi mới tư duy của mỗi người để kiểm soát bệnh lao tốt hơn”, “Đổi mới phương thức hành động để tiến tới thanh toán bệnh lao ở Việt Nam” cần có sự tham gia đồng bộ của hệ thống chính trị các cấp, tăng cường đầu tư đủ nguồn lực, mở rộng các đối tác tham gia công tác chống lao ở tất cả các lĩnh vực và các tuyến, áp dụng các kỹ thuật mới, các thuốc mới, vắc xin mới trong chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh lao, đồng thời yêu cầu có phương pháp tiếp cận mới để mọi người dân có thể tiếp cận với dịch vụ khám chữa bệnh lao chất lượng cao.

Theo số liệu của Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi tỉnh, hàng năm tỉnh ta có khoảng 1.800 bệnh nhân lao được phát hiện, và hơn 1.000 bệnh nhân lao phổi. Đây là nguồn lây nguy hiểm nhất cần phải được phát hiện sớm để đưa vào quản lý, điều trị kịp thời nhằm ngăn chặn nguồn lây trong cộng đồng. Trước những nguy cơ đó, đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác chống lao trong toàn tỉnh đang tích cực tìm các giải pháp phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Cùng với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, thu hút các nguồn lực đầu tư cho công tác phòng chống bệnh lao, các cơ sở chống lao đẩy mạnh áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật mới, mở rộng các đối tác để tăng cường thực hiện các lĩnh vực phòng chống lao; xây dựng kế hoạch, triển khai quản lý lao kháng đa thuốc, mục tiêu là phát hiện, điều trị sớm và đúng tất cả các trường hợp mắc lao để phòng bệnh lao kháng đa thuốc; liên kết toàn diện với các cơ sở y tế để tăng cường công tác phát hiện, quản lý điều trị bệnh nhân lao trên cơ sở chiến lược DOTS. Mục tiêu của CTCLQG vào năm 2015 là giảm 50% số người tử vong do lao/HIV và 100% bệnh nhân lao được làm xét nghiệm phát hiện HIV, và tất cả những người nhiễm HIV được quản lý sẽ được sàng lọc phát hiện bệnh lao, điều trị dự phòng lao bằng INH. Bệnh nhân lao/HIV được quản lý điều trị phối hợp các thuốc chống lao, thuốc dự phòng nhiễm trùng cơ hội và thuốc kháng vi rút./.

Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com