Qua 5 năm thực hiện chương trình quốc gia về BHLĐ-ATVSLĐ: Kết quả và những vấn đề đặt ra

07:03, 04/03/2011

Qua 5 năm thực hiện Chương trình Quốc gia về bảo hộ lao động - an toàn vệ sinh lao động (BHLĐ-ATVSLĐ) (2006-2010), đi đôi với chỉ đạo phát triển kinh tế, các cấp, các ngành chức năng của tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo làm tốt công tác BHLĐ, ATVSLĐ, chăm lo cải thiện điều kiện sống và làm việc cho người lao động. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh nhằm nâng cao nhận thức, ý thức cho cả người lao động và người sử dụng lao động về ý nghĩa thiết thực của việc bảo đảm ATVSLĐ, thực hiện nghiêm công tác BHLĐ đối với sự phát triển của doanh nghiệp và của nền kinh tế. Toàn tỉnh đã tổ chức hàng chục lớp huấn luyện cho cán bộ quản lý, cán bộ an toàn lao động tại doanh nghiệp, người sử dụng lao động, an toàn vệ sinh viên tại cơ sở và công nhân lao động. Các doanh nghiệp đã đầu tư nâng cấp máy móc thiết bị, kết hợp cải tiến công nghệ, tăng năng suất, hiệu quả lao động với bảo đảm ATVSLĐ, trang bị phương tiện bảo hộ cho người lao động. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Liên minh HTX tỉnh phối hợp triển khai nhiều chuyên đề công tác về vấn đề ATVSLĐ, chính sách BHLĐ tới các thành viên, hội viên. Cùng với việc tổ chức các hoạt động sôi động trong Tuần lễ Quốc gia ATVSLĐ, PCCN, hàng năm các cấp Công đoàn đã đẩy mạnh phong trào thi đua bảo đảm ATVSLĐ. Thông qua phong trào thi đua, các cấp công đoàn một mặt nâng cao ý thức, nhận thức cho người lao động về quyền và trách nhiệm của họ trong việc bảo đảm ATVSLĐ, mặt khác công đoàn cũng tham gia với lãnh đạo chuyên môn các doanh nghiệp trong việc xây dựng, tổ chức đôn đốc thực hiện kế hoạch BHLĐ hàng năm, vừa bảo đảm quyền lợi, vừa nâng cao trách nhiệm của người lao động tham gia thực hiện kế hoạch. Nhiều doanh nghiệp đã xây dựng được góc tuyên truyền ATVSLĐ cho cán bộ, công nhân viên tham gia hoạt động. Công đoàn đã xây dựng được CLB ATVSLĐ tổ chức hoạt động đến công đoàn cơ sở đơn vị doanh nghiệp với nhiều hoạt động hữu ích. Mỗi năm, có 80 đến trên 100 doanh nghiệp được thanh kiểm tra về công tác BHLĐ, ATVSLĐ, qua đó kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những hạn chế để khắc phục. Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đến nay, tỉnh ta cơ bản đạt được các mục tiêu của Chương trình Quốc gia về BHLĐ, ATVSLĐ: Đã có 80% cán bộ quản lý nhà nước về BHLĐ được huấn luyện, nâng cao trình độ nghiệp vụ; trên 80% người sử dụng lao động, người lao động làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ được đào tạo, huấn luyện về ATVSLĐ; 100% đơn vị sản xuất kinh doanh thực hiện kiểm định máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ; đảm bảo trên 80% người lao động làm việc tại cơ sở có nguy cơ nhiễm bệnh nghề nghiệp được khám chữa bệnh kịp thời; mỗi năm giảm 10% số người mắc bệnh nghề nghiệp thường thấy ở địa phương. Trong các năm 2007-2009, trên địa bàn tỉnh xảy ra 477 vụ TNLĐ, trong đó có 8 vụ làm chết 11 người. Năm 2010, toàn tỉnh xảy ra 116 vụ TNLĐ, có 1 vụ làm chết 1 người, so với năm 2009 giảm cả số vụ và số người chết.

 

Cty TNHH Hưng Thịnh (TP Nam Định) luôn bảo đảm tốt ATLĐ-PCCN.  Ảnh: Xuân Thu
Cty TNHH Hưng Thịnh (TP Nam Định) luôn bảo đảm tốt ATLĐ-PCCN. Ảnh: Xuân Thu

Tuy nhiên, thực trạng công tác BHLĐ, ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm. Một bộ phận không ít các doanh nghiệp, tập trung ở khối các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp tư nhân, cơ sở sản xuất lại thường tìm cách tránh né. Mặc dù quy mô, ngành nghề sản xuất vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất ATVSLĐ, tránh né việc đầu tư BHLĐ nên dễ để rủi ro trong quá trình sản xuất. Nhiều doanh nghiệp khi được hỏi thường trả lời không biết, không nắm được quy định về BHLĐ, ATVSLĐ. Việc tuyên truyền, phổ biến, huấn luyện về ATVSLĐ cho người lao động chỉ được thực hiện một lần và thiếu toàn diện. Yêu cầu đảm bảo ATVSLĐ đối với người lao động nhiều khi không đi đôi với việc doanh nghiệp phải bảo đảm các điều kiện cần thiết về máy móc thiết bị, trang bị phòng hộ cá nhân... cho NLĐ. Tình trạng một số cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở thiếu quan tâm, trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc công tác này mà coi đây là nhiệm vụ của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội. Việc xử lý vi phạm, ràng buộc, chế tài đối với các đơn vị, doanh nghiệp vi phạm về BHLĐ, ATVSLĐ cũng gặp không ít khó khăn do sự chồng chéo, nhiều đầu mối quản lý, mức xử lý thiếu tính răn đe... Trong bối cảnh không ít người lao động làm việc tại các doanh nghiệp không nắm rõ quyền và nghĩa vụ của mình đã được pháp luật quy định và bảo vệ, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực BHLĐ, ATVSLĐ vẫn còn nhiều kẽ hở nên việc NLĐ phải làm việc trong các điều kiện không đảm bảo an toàn là khó tránh khỏi; việc bảo vệ quyền lợi cho NLĐ cũng rất khó khăn nếu có xảy ra tranh chấp, vi phạm.

BHLĐ, bảo đảm ATLĐ, VSLĐ là một chính sách bắt buộc trong quá trình tổ chức sản xuất. Việc tổ chức thực hiện nghiêm chính sách này là trách nhiệm của doanh nghiệp, các cơ quan quản lý liên quan, là quyền và nghĩa vụ của NLĐ. Đó là một trong những yếu tố tiên quyết bảo đảm sự thành công, phát triển của doanh nghiệp, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, lành mạnh, làm cho người lao động yên tâm gắn bó, cống hiến cho doanh nghiệp, góp phần bảo đảm ổn định xã hội. Bởi vậy, các ngành, các huyện, thành phố, tổ chức đoàn thể cần tăng cường hơn nữa công tác thanh, kiểm tra về ATVSLĐ - PCCN đối với các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở SXKD mới thành lập, các cơ sở hoạt động trong các lĩnh vực có nhiều yếu tố độc hại, nguy hiểm, có nhiều yếu tố nguy cơ mất an toàn, cháy nổ, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe NLĐ. Có giải pháp hữu hiệu để các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp, cơ sở SXKD làm tốt công tác tự kiểm tra, giám sát, ký và thực hiện nghiêm các cam kết về bảo đảm ATVSLĐ./.

Vân Anh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com