Những vấn đề đặt ra trong công tác dạy nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên hiện nay

09:03, 11/03/2011

Tỉnh ta hiện nay có khoảng 45 vạn đoàn viên thanh niên, chiếm gần 28% dân số trong tỉnh và là lực lượng lao động quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương. Tuy nhiên, hiện nay việc hướng nghiệp, dạy nghề, tạo việc làm cho thanh niên còn nhiều bất cập và đặt ra nhiều vấn đề mà tổ chức Đoàn và các cấp, các ngành cần quan tâm giải quyết.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, đồng chí Vũ Tuấn Phong, Trưởng Ban Thanh niên (Tỉnh Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) cho biết: Những năm qua phong trào “4 đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát động đã được các cấp bộ Đoàn trong tỉnh tích cực tham gia và tổ chức các hoạt động nghề nghiệp, việc làm cho thanh niên. Tuy nhiên, vẫn còn một lực lượng khá đông thanh niên, nhất là thanh niên ở khu vực nông thôn chưa được hướng nghiệp đào tạo nghề, còn thiếu việc làm, thu nhập không ổn định, nên phải đi làm ăn xa, gây khó khăn cho công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên và quản lý đoàn viên của tổ chức Đoàn. Trước thực trạng đó, các cấp bộ Đoàn, Hội Thanh niên trong tỉnh đã có những giải pháp tập trung hỗ trợ thanh niên về công tác hướng nghiệp, dạy nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên như: Phối hợp với ngành Giáo dục - Đào tạo tổ chức chương trình “Hành trình đến với các trường nghề, làng nghề, đến với doanh nghiệp” giúp học sinh tìm hiểu thực tế, từng bước định hướng nghề nghiệp cho bản thân. Tăng cường các hoạt động hướng nghiệp, tư vấn học nghề và giới thiệu việc làm cho thanh niên bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: “Tổ chức ngày hội thanh niên với việc làm”, “Hội chợ việc làm”, “Tư vấn việc làm” tổ chức các buổi hội thảo, diễn đàn: “Thanh niên với việc làm”, “Chọn nghề cho tương lai”. Những năm gần đây, toàn tỉnh đã có trên 500 nghìn học sinh lớp 12 được tham gia tư vấn nghề nghiệp, tư vấn mùa thi. Đoàn Thanh niên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề… trên địa bàn tỉnh đã phối hợp với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho thanh niên. Trong công tác tư vấn hướng nghiệp và giới thiệu việc làm, tổ chức Đoàn Thanh niên phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách Xã hội tổ chức: “Ngày hội tư vấn cho thanh niên vay vốn từ ngân hàng” để tạo việc làm, học tập, đi lao động xuất khẩu, đồng thời giới thiệu cho đông đảo thanh niên các chương trình vay vốn tín dụng ưu đãi, phương thức tiếp cận vốn vay và các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả tín dụng trong thanh niên. Từ năm 2000 đến 2010, toàn tỉnh đã có 139.499 học sinh, sinh viên được vay vốn tín dụng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để học tập với tổng số dư nợ 1.307.683 triệu đồng và 5.149 thanh niên được vay vốn để đi xuất khẩu lao động với số dư nợ 112.498 triệu đồng. Thông qua nguồn vốn quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm, tổ chức Đoàn các cấp cũng đã triển khai thực hiện 87 lượt dự án nhỏ, với tổng số vốn vay 1.565 triệu đồng, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hơn 1.200 lao động là thanh niên. Hầu hết các dự án hỗ trợ việc làm được triển khai trong các lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy hải sản, cải tạo môi trường, phát triển ngành nghề, làng nghề truyền thống, dịch vụ…, tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập ổn định cho thanh niên nông thôn. Thông qua các dự án vay vốn, nhận thức về việc làm, nghề nghiệp của thanh niên cũng có sự thay đổi. Từ chỗ trước đây trông chờ được vào biên chế trong các cơ quan Nhà nước, hay các doanh nghiệp, Cty thì nay một bộ phận thanh niên đã chủ động tìm hiểu, tự tạo việc làm cho chính mình và giúp cho hàng nghìn thanh niên khác có việc làm, thu nhập và gắn bó với đồng đất quê hương. Thông qua các dự án, sản xuất phát triển, đã xuất hiện thêm nhiều điển hình thanh niên trẻ, các chủ doanh nghiệp trẻ, chủ trang trại trẻ có thành tích sản xuất, kinh doanh giỏi, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và thể hiện được vai trò xung kích, năng động, sáng tạo của thanh niên trong sự nghiệp CNH-HĐH cũng như tạo ra những “điểm sáng” mới trong phong trào “Thanh niên lập nghiệp”.

 

Xã Hải Phương (Hải Hậu) mở lớp dạy nghề may cho thanh niên địa phương.  Ảnh: Việt Thắng
Xã Hải Phương (Hải Hậu) mở lớp dạy nghề may cho thanh niên địa phương.
Ảnh: Việt Thắng

Để đẩy mạnh các hoạt động tư vấn về dạy nghề và việc làm cho thanh niên, Tỉnh Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã thành lập Văn phòng tư vấn học nghề và giới thiệu việc làm cho thanh niên. Qua hơn 2 năm hoạt động Văn phòng đã phối hợp với Ban quản lý các KCN tỉnh và Sở LĐ - TB và XH tổ chức “Hội chợ việc làm cho thanh niên”, qua đó đã tư vấn cho hàng nghìn thanh niên, học sinh, sinh viên và đã trực tiếp tuyển dụng được 485 thanh niên đến làm việc tại các doanh nghiệp… Ngoài ra, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã phối hợp với các trung tâm giáo dục cộng đồng các xã, phường, thị trấn, các ban, ngành, đoàn thể ở cơ sở tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ KHKT vào sản xuất, chăn nuôi cho thanh niên; đưa các ngành, nghề phụ về, tạo việc làm cho thanh niên trong lúc nông nhàn; phát huy sức trẻ phát triển ngành nghề truyền thống ở các làng nghề. Điển hình là các làng nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, mây tre đan ở huyện Ý Yên, Xuân Trường, làng nghề thêu ren, dệt may ở Trực Ninh, các làng nghề cơ khí ở Xuân Trường, Nam Trực…

Để góp phần giảm thiểu tỷ lệ thanh niên không có việc làm hoặc thiếu việc làm, thời gian tới, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh phong trào “4 đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” đồng thời tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để người lao động có nhận thức đầy đủ về các chủ trương, chính sách của Nhà nước về dạy nghề và giải quyết việc làm. Tiếp tục tham mưu với các cấp uỷ Đảng, chính quyền tăng cường chỉ đạo các hoạt động hỗ trợ, trực tiếp giải quyết việc làm cho thanh niên. Tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả cho vay từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, từ Ngân hàng Chính sách Xã hội đối với các doanh nghiệp, các trang trại, các làng nghề có khả năng tạo việc làm. Thực hiện có hiệu quả các dự án hỗ trợ doanh nghiệp để tạo việc làm cho lao động nói chung và thanh niên nông thôn nói riêng. Tiếp tục nhân rộng các mô hình, điển hình thanh niên làm kinh tế giỏi, thanh niên sản xuất - kinh doanh giỏi để giải quyết được nhiều việc làm cho thanh niên ngay tại cơ sở, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương…

Phạm Quốc Tuấn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com