Nhân rộng đề án “Sàng lọc trước sinh, sơ sinh”

09:03, 28/03/2011

Đề án sàng lọc trước sinh, sơ sinh được triển khai ở tỉnh ta từ năm 2007, tại 62 xã, phường của 7 huyện, thành phố. Nội dung của đề án là: Tuyên truyền, giáo dục và vận động nhân dân, đặc biệt là các thai phụ có nguy cơ cao (35 tuổi trở lên mới có thai, tiếp xúc hoặc làm việc trong môi trường độc hại, có tiền sử thai bất thường, xảy thai nhiều lần…) đến khám và thực hiện sàng lọc trước sinh; tuyên truyền cho các bà mẹ mang thai sắp sinh và gia đình sàng lọc sơ sinh cho trẻ mới sinh để phát hiện và kịp thời điều trị các bệnh thiếu men G6PD, suy giáp trạng bẩm sinh… Cung cấp đầy đủ và đáp ứng kịp thời các phương tiện, điều kiện để đảm bảo việc thực hiện kỹ thuật lấy máu gót chân trẻ sơ sinh được đảm bảo đúng thời gian quy định; đào tạo các cán bộ có kỹ thuật siêu âm, kỹ thuật lấy máu gót chân trẻ sơ sinh…

Sau khi đề án được triển khai, các xã, phường, thị trấn trong diện thực hiện đề án đã tích cực tuyên truyền, tư vấn, vận động phụ nữ mang thai có nguy cơ cao tham gia sàng lọc trước sinh. Trong 3 năm qua, các xã, phường, thị trấn đã viết trên 400 tin, bài tuyên truyền về kiến thức chăm sóc bà mẹ khi mang thai, cần phát hiện thai phụ có nguy cơ cao đi khám và chẩn đoán kịp thời; tổ chức 160 buổi nói chuyện chuyên đề về tình hình chăm sóc sức khỏe của các bà mẹ mang thai, lợi ích của đề án đối với việc phát hiện, xử lý những trường hợp thai bất thường, ảnh hưởng tới chất lượng dân số cho hàng chục ngàn người; in và cấp gần 17.000 tờ rơi, tranh tuyên truyền về đề án sàng lọc trước sinh, sơ sinh; tập huấn cho 445 người là cán bộ dân số, trạm trưởng trạm y tế xã, CTV dân số, cán bộ đài truyền thanh của 62 xã, phường, thị trấn về nội dung của đề án. Bên cạnh đó, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh phối hợp với Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Phụ sản tỉnh tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật lấy máu gót chân trẻ sơ sinh cho 80 bác sỹ, y sỹ, nữ hộ sinh của Bệnh viện Phụ sản tỉnh, Trung tâm CSSKSS tỉnh, khoa sản các bệnh viện huyện và nữ hộ sinh của 40 xã trong đề án. Đến nay, các cơ sở y tế đã lấy được 4.293 mẫu máu gửi về Trung ương, trong đó 4.257 mẫu đạt yêu cầu; qua đó phát hiện 149 ca có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh và báo cho gia đình, gồm: 17 ca nghi ngờ suy tuyến giáp trạng bẩm sinh, 132 ca thiếu men G6PD. Đến hết năm 2010, đã có 1.103 lượt thai phụ tham gia sàng lọc trước sinh và đã phát hiện 26 trường hợp chẩn đoán dương tính thiếu G6PD và thiếu TSH 01 được làm xét nghiệm máu. Trong khuôn khổ của đề án, 01 trẻ bị suy giáp trạng bẩm sinh của huyện Vụ Bản và 2 trẻ của huyện Ý Yên đã được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Tuy đạt được những kết quả ban đầu nhưng trên thực tế việc thực hiện đề án sàng lọc trước sinh, sơ sinh còn một số vướng mắc: Công tác tuyên truyền chưa thường xuyên nên người mẹ còn e ngại không muốn cho cán bộ y tế lấy máu gót chân trẻ sơ sinh con mình. Mặc dù trên thực tế, việc chẩn đoán bệnh và điều trị sớm những bệnh thiếu men G6PD, suy giáp trạng bẩm sinh trong những tuần đầu đời là yếu tố quan trọng, quyết định sự phát triển bình thường của trẻ và cách phát hiện sớm nhất là sàng lọc sơ sinh. Tại Bệnh viện Phụ sản tỉnh, trung bình mỗi ngày có khoảng 30 trẻ được sinh ra và cần lấy máu xét nghiệm, nhưng việc lấy máu gót chân trẻ sơ sinh hiện tại chưa đưa vào xét nghiệm thường quy mà vẫn là tự nguyện. Bên cạnh đó, kinh phí dành cho việc tuyên truyền của đề án còn hạn hẹp, tài liệu tuyên truyền còn hạn chế; cán bộ làm dịch vụ kỹ thuật còn yếu...

Để thực hiện tốt hơn đề án sàng lọc trước sinh, sơ sinh góp phần nâng cao chất lượng dân số, trong thời gian tới, cần sớm có định mức cho các hoạt động của đề án phù hợp với kinh phí hiện nay cũng như những năm tiếp theo; trong đó đầu tư kinh phí cho công tác tuyên truyền giáo dục cho đối tượng và cộng đồng; tăng cường, tập huấn cho cán bộ làm công tác tuyên truyền và cán bộ kỹ thuật lấy máu gót chân cho trẻ. Nhân rộng mô hình thực hiện đề án cho 100% số huyện, xã trên địa bàn tỉnh./.

Minh Thuận

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com