Thi công đường giao thông trên địa bàn xã Nghĩa Lạc (Nghĩa Hưng). |
Trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng có 2 trục đường đi qua là tỉnh lộ 490C dài 35,5km và đường 486 dài 12,7km; có 6 trục đường huyện với tổng chiều dài 53km; 250km đường trục xã và trên 700km đường thôn, xóm. Những năm qua, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, huyện đã tập trung đầu tư để cải tạo, nâng cấp hệ thống giao thông trên địa bàn. Hệ thống đường trục huyện và đường liên xã đã được nhựa hoá 100%; đường trục xã được nhựa hoá, bê tông hoá trên 90%; đường thôn, xóm đã được bê tông hoá trên 80%. Do tốc độ phát triển nhanh của các phương tiện giao thông nên thời gian gần đây hầu hết các tuyến đường đã xuống cấp. Huyện Nghĩa Hưng đã tiến hành duy tu bảo dưỡng thường xuyên các trục đường tỉnh, đường huyện và chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức sửa chữa nâng cấp đường GTNT. Năm 2010, huyện đã cải tạo nâng cấp 54,2km đường, duy tu sửa chữa 29.000m2 mặt đường, xây 1 cầu dài 9m, xây 22 cống các loại có tổng chiều dài 286m, với tổng kinh phí 123,4 tỷ đồng, trong đó kinh phí Nhà nước và ngân sách địa phương là 116,2 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 7,2 tỷ đồng. Tuyến đường Giây Nhất - chợ Gạo dài 13,2km là tuyến giao thông huyết mạch của 6 xã, thị trấn miền hạ của huyện được xây dựng từ năm 1995 nên đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Huyện đã xây dựng kế hoạch cải tạo, nâng cấp tuyến đường bảo đảm phù hợp với quy hoạch đến năm 2020 với mặt đường 7m, nền đường 9m. Đoạn qua các thị trấn, thị tứ và trung tâm các xã có tổng chiều rộng mặt 11,4m trong đó mặt đường rộng 9m và hệ thống thoát nước 2 bên đường, với tổng kinh phí khoảng 89 tỷ đồng. Để cải tạo nâng cấp tuyến đường bảo đảm quy mô trên, có 824 hộ dân ở 2 bên đường có công trình xây dựng gồm nhà ở, bếp, tường rào và vườn cây ăn quả… nằm trong phạm vi giải toả. Tổng diện tích đất phải GPMB gần 60 nghìn m2 trong đó có 40 nghìn m2 đất thổ canh, thổ cư, còn lại là đất nông nghiệp. Các xã, thị trấn thống nhất cao với chủ trương của huyện về GPMB và nhận trách nhiệm GPMB đoạn đường đi qua địa phương. Ban GPMB các xã, thị trấn và tiểu ban GPMB ở các khu phố, thôn, đội có công trình đi qua được thành lập đẩy mạnh tuyên truyền vận động nên tất cả các hộ dân 2 bên đường đều nhất trí cao và tự GPMB. Chỉ sau nửa tháng toàn tuyến đã hoàn thành công tác GPMB. Con đường qua xã Nghĩa Lạc có chiều dài 2,7km, với 287 hộ bị ảnh hưởng phải phá tường rào, cổng, công trình phụ… Do làm tốt công tác tuyên truyền vận động nên các hộ dân đã đồng tình hưởng ứng chủ trương hiến đất và tự giác GPMB để công trình nhanh chóng được khởi công. Hộ cụ Trần Kim Đỉnh, ông Trần Đức Hiệt đã hiến 120m theo chiều dài con đường (khoảng 150m2), anh Nguyễn Văn Thành đã phá mái hiên bê tông trị giá khoảng 30 triệu đồng… Công tác GPMB nhanh gọn tạo điều kiện cho nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, sau 9 tháng công trình đã cơ bản hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tuyến đường Nghĩa Trung - Nghĩa Sơn dài 5km, kinh phí 7,4 tỷ đồng được xây dựng góp phần phục vụ cho sản xuất nông nghiệp nhất là sản xuất vụ đông của xã Nghĩa Sơn. Huyện và các xã chịu trách nhiệm GPMB, thi công phần nền đường, mặt đường được làm từ nguồn kinh phí của tỉnh. Dự án được triển khai từ tháng 5-2010 đến tháng 10-2010 đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Dự án nâng cấp đường 486B từ cầu 3-2 đến đường nội thị dài 1km có 500m mở rộng mặt đường và làm cống thoát nước với tổng kinh phí 8,1 tỷ đồng. Trên địa bàn huyện còn triển khai dự án WB do Sở GTVT làm chủ đầu tư, dài 3km thuộc địa phận xã Nghĩa Đồng với kinh phí 3 tỷ đồng. Con đường hoàn thành nối liền khu dân cư của 2 xã Nghĩa Đồng và Nghĩa Thịnh rút ngắn gần 5km từ xã Nghĩa Thịnh ra đường 490C. Ngoài ra tại các xã, nhân dân đã đóng góp hàng nghìn ngày công và hàng tỷ đồng để tu sửa, nâng cấp các đường thôn, xóm.
Với những kết quả đã đạt được, năm 2010 huyện Nghĩa Hưng được Bộ GTVT tặng Cờ thi đua xuất sắc trong phong trào giao thông nông thôn./.
Bài và ảnh: Trần Hữu Quyết