Trạm Y tế xã Mỹ Thịnh (Mỹ Lộc) cung ứng thuốc điều trị cho phụ nữ.
Ảnh:
Xuân Thu
|
Công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dân số, tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Trung tâm CSSKSS tỉnh luôn chủ động phối hợp với các huyện, thành phố triển khai các hoạt động chăm sóc trẻ sơ sinh, KHHGĐ, khám thai và quản lý thai, tư vấn về dinh dưỡng, đưa dịch vụ CSSKSS đến vùng khó khăn, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em… Cùng với việc đẩy mạnh thực hiện các dịch vụ kỹ thuật CSSKSS tại chỗ để nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ, phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và công tác đào tạo, Trung tâm luôn chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Đội ngũ cán bộ làm công tác CSSKSS hàng năm đều được tham gia các lớp tập huấn, đào tạo theo tiêu chuẩn quốc gia về CSSKSS, chăm sóc sức khoẻ, phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ em và các Chương trình mục tiêu quốc gia. Mạng lưới cán bộ làm công tác CSSKSS từ tỉnh xuống cơ sở được kiện toàn, hoạt động nền nếp, hiệu quả. Công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn cho đội ngũ cộng tác viên dân số, bác sỹ, nữ hộ sinh tham gia cung cấp các dịch vụ luôn được quan tâm để họ có đủ trình độ và kỹ năng vận động, tư vấn, biết sử dụng tốt kết quả nghiên cứu về SKSS, cung cấp thông tin đầy đủ cho đối tượng. Bên cạnh đó, Trung tâm còn tổ chức các hoạt động tuyên truyền về CSSKSS sâu rộng tại các huyện, thành phố và tới các làng, thôn, xóm, tổ dân phố… Với những nỗ lực của Trung tâm CSSKSS tỉnh và đội ngũ làm công tác CSSKSS từ tỉnh đến cơ sở, qua các năm đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Năm 2010, tỉnh ta đạt tỷ lệ bà mẹ được khám thai 3 lần/3 kỳ là 98%, 100% bà mẹ sinh con tại cơ sở y tế, trên 98% bà mẹ đẻ do nhân viên được đào tạo đỡ; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi (tính theo cân nặng) giảm từ 17,9% (năm 2009) xuống còn 15,96% (năm 2010). Trong công tác phòng, chống nhiễm khuẩn đường sinh sản, KHHGĐ, tỉnh ta luôn duy trì tỷ lệ điều trị phụ khoa đạt cao, tỷ lệ mắc mới các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản giảm. Tỷ lệ các cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai đạt 80%. Đến nay, tình trạng sức khỏe sinh sản tại tỉnh ta cơ bản được cải thiện, đáp ứng tốt hơn những nhu cầu đa dạng về CSSKSS phù hợp với điều kiện của cộng đồng và từng địa phương. Đến nay 190/229 xã, phường, thị trấn của tỉnh đã thực hiện dịch vụ kỹ thuật KHHGĐ theo phân tuyến kỹ thuật.
Tuy nhiên, theo đồng chí Nguyễn Văn Đường, Giám đốc Trung tâm CSSKSS tỉnh, công tác CSSKSS ở tỉnh hiện còn gặp khó khăn: Kinh phí đầu tư mua sắm trang thiết bị, dụng cụ y tế phục vụ CSSKSS cho tuyến xã nhiều năm nay không được bố trí. Công tác tuyên truyền giáo dục, vận động đối với nhóm đối tượng là nam giới, người sinh con “một bề” chưa hiệu quả; số xã, phường chưa đủ tiêu chuẩn phân cấp kỹ thuật còn cao (39/229 xã, phường). Trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ làm công tác CSSKSS ở một số cơ sở còn hạn chế. Việc kiểm soát và can thiệp tích cực cho trẻ thừa cân béo phì chưa được quan tâm nhiều, chủ yếu vẫn là công tác truyền thông tư vấn. Một bộ phận không nhỏ người dân nhận thức chưa đầy đủ, còn thiếu hiểu biết về CSSKSS, nhất là người dân các vùng ven biển, các vùng khó khăn. Trong những năm tới, cần tiếp tục chú trọng đến công tác truyền thông và tư vấn cả về KHHGĐ và CSSKSS để nâng cao nhận thức, ý thức của nhân dân về CSSKSS./.
Minh Thuận