Hiệu quả từ mô hình “Đưa nội dung chính sách dân số, gia đình và trẻ em vào hương ước”

08:03, 30/03/2011

Từ năm 2002, mô hình “Đưa nội dung chính sách dân số, gia đình và trẻ em vào hương ước” đã được tỉnh chỉ đạo thí điểm ở 10 làng (thôn) vùng Công giáo thuộc 10 huyện, thành phố. Sau một năm triển khai, tại các thôn làng được chọn làm điểm của tỉnh, tỷ suất sinh và số người sinh con thứ ba đã giảm mạnh. Tiêu biểu như xóm 2, xã Xuân Tiến (Xuân Trường), tỷ suất sinh giảm từ 11‰ (2002) xuống còn 8,8‰ (2003). Cả 10 thôn, làng đều không có trẻ em bỏ học, thất học. Các phong trào “Thôn, xóm không có người sinh con thứ 3”, “CLB không sinh con thứ 3”, “CLB gia đình trẻ”, “CLB gia đình hạnh phúc”, “CLB tiền hôn nhân”… ở 10 thôn làng đều có bước phát triển mới với nhiều hình thức sinh hoạt phong phú, thu hút đông đảo nhân dân tham gia sinh hoạt. Đặc biệt, thôn Cầu, xã Yên Phúc (Ý Yên) khi thực hiện mô hình này đã bổ sung vào hương ước nhiều điểm mới, tiến bộ so với trước đây. Hương ước ghi rõ: “Để tổ chức thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về dân số, gia đình và trẻ em, mỗi cá nhân phải thực hiện tốt nội dung: Gia đình ít con, khoẻ mạnh, ấm no, bình đẳng, hạnh phúc; mỗi cặp vợ chồng chỉ nên có 1-2 con, con thứ nhất cách con thứ hai từ 3-5 năm. Khuyến khích phụ nữ sinh con sau 20 tuổi và trước 35 tuổi nhằm hạn chế những rủi ro khi sinh đẻ; vợ chồng tôn trọng và khuyến khích nhau lựa chọn, sử dụng các biện pháp tránh thai thích hợp; 100% chị em trong độ tuổi sinh đẻ không sinh con thứ 3 trở lên; những người nhiễm HIV không nên kết hôn, những người mắc bệnh xã hội điều trị khỏi bệnh mới kết hôn và sinh con”. Với hơn 50% đồng bào Công giáo, trước đây việc thực hiện KHHGĐ ở thôn Cầu gặp nhiều khó khăn. Từ khi xây dựng hương ước có bổ sung những nội dung của chính sách dân số - KHHGĐ, nhận thức, nếp nghĩ của người dân thay đổi, ý thức trách nhiệm với cộng đồng được nâng cao. Tỷ suất sinh của thôn giảm xuống dưới 1‰, số hộ nghèo giảm, số hộ khá giàu tăng nhanh.

Đoàn Thanh niên xã Giao Nhân (Giao Thủy) tư vấn cho thanh niên về dân số - KHHGĐ trước khi đăng ký kết hôn.
Đoàn Thanh niên xã Giao Nhân (Giao Thủy) tư vấn cho thanh niên về dân số - KHHGĐ trước khi đăng ký kết hôn.

Từ thành công ban đầu, năm 2004, Uỷ ban Dân số - Gia đình và Trẻ em tỉnh (nay là Chi cục Dân số - KHHGĐ) đã đầu tư nguồn lực, xây dựng nội dung chính sách dân số, gia đình và trẻ em thành một chương trong hương ước và triển khai ở 84 thôn thuộc 14 xã trong tỉnh. Tuỳ theo điều kiện từng vùng, hương ước của mỗi thôn đã vận dụng linh hoạt và cụ thể hoá chính sách dân số - KHHGĐ thành các điều khoản, đề cao trách nhiệm, ràng buộc từng cá nhân, từng gia đình với cộng đồng thôn xóm. Nội dung hương ước hài hoà giữa quyền lợi và nghĩa vụ, khen thưởng và xử phạt, trực tiếp tác động đến quyền lợi mỗi cá nhân nên hiệu lực thực tế rất cao. Qua khảo sát tại 36 thôn thuộc 6 xã: Hải Phương (Hải Hậu), Giao Hải (Giao Thuỷ), Trực Hưng (Trực Ninh), Yên Thắng (Ý Yên), Hồng Quang (Nam Trực), Mỹ Thành (Mỹ Lộc) cho thấy mô hình này đã thực sự mang lại hiệu quả đối với các chỉ tiêu của chương trình dân số, gia đình và trẻ em. Trước khi triển khai đưa nội dung chính sách dân số, gia đình, trẻ em vào hương ước, trong 36 thôn, có 13 thôn tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên từ 2%-6,2%, 23 thôn không có người sinh con thứ 3 trở lên. Sau khi mô hình được triển khai thực hiện, 23 thôn vẫn giữ vững không có người sinh con thứ 3, chỉ còn 8 thôn có người sinh con thứ 3 và tỷ lệ giảm rõ rệt. Chỉ qua một năm, số hộ gia đình văn hoá cũng tăng nhanh. Xã Hồng Quang 271 hộ (2004) tăng lên 282 hộ (2005); xã Hải Phương 700 hộ (2004) tăng lên 715 hộ (2005); xã Trực Hưng 87 hộ (2004) tăng lên 123 hộ (2005); xã Yên Thắng 445 hộ (2004) tăng lên 499 hộ (2005). Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi ở 4 xã này cũng giảm đáng kể. Ở cả 6 xã triển khai mô hình, số trẻ em thi đỗ vào THPT năm sau cao hơn năm trước; không có trẻ em bỏ nhà đi lang thang.

Hiệu quả thiết thực của mô hình là cơ sở để năm 2006 và 2007, Uỷ ban Dân số - Gia đình và Trẻ em tỉnh tiếp tục chỉ đạo triển khai đưa nội dung chính sách dân số - KHHGĐ vào hương ước làng xóm ở 30 xã. Từ 16 nội dung mà khung hương ước mẫu của tỉnh đưa ra, hầu hết các thôn, xóm đều vận dụng xây dựng các quy định phù hợp với thực tế của địa phương. Sau khi thông qua, các thôn, xóm tổ chức cho các gia đình cam kết thực hiện đầy đủ, nghiêm túc những nội dung hương ước đã quy định. Ban xây dựng nếp sống văn hoá và các đoàn thể trong thôn thường xuyên tuyên truyền, đưa hương ước vào đời sống. Đặc biệt, Uỷ ban MTTQ tỉnh phối hợp với các ban, ngành hữu quan thực hiện nhiều biện pháp nhằm phát huy vai trò của gia đình, dòng họ, thôn xóm trong việc thực hiện các mục tiêu của chương trình dân số; lồng ghép nội dung dân số - KHHGĐ vào nội dung của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống ở khu dân cư”; cụ thể hoá 6 nội dung thành chỉ tiêu phấn đấu của các khu dân cư, các dòng họ, xứ họ đạo. Dòng họ Hoàng thôn Liên Bách, xã Nam Lợi (Nam Trực) đã vận động nam nữ thanh niên không kết hôn sớm. Dòng họ Trần ở thôn Nam Long, xã Xuân Trung (Xuân Trường) đề ra quy ước: Mỗi cặp vợ chồng, không phân biệt con trưởng hay con thứ đều chỉ sinh 2 con, dù là 2 con gái cũng không sinh con thứ 3. Cùng với nhiều biện pháp thông tin, giáo dục truyền thông, toàn tỉnh hiện có hàng trăm dòng họ, chi họ nhiều năm liền không có trường hợp sinh con thứ 3. Tiêu biểu là các dòng họ: họ Đặng, họ Vũ xã Nam Hồng (Nam Trực), họ Ngô xã Xuân Tân, họ Hoàng xã Xuân Hồng (Xuân Trường)...

Từ hiệu quả của mô hình cho thấy, trong phong trào xây dựng nông thôn mới, hương ước đã và đang khẳng định vai trò quan trọng trong đời sống, góp phần thực hiện thắng lợi các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước tại cộng đồng dân cư, trong đó có chính sách dân số - KHHGĐ./.

Bài và ảnh: Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com