Trước hết, người tham gia giao thông cần coi mình là một công dân có trách nhiệm thực hiện Luật Giao thông với sự hiểu biết, tự nguyện và nghiêm túc. Để có được điều này, người tham gia giao thông phải tìm hiểu những quy định của Luật Giao thông, coi việc tôn trọng luật như là một biểu hiện của nhân cách, của lối sống và là một thói quen trong sinh hoạt cộng đồng, không chỉ tự mình thực hiện, mà phải nhắc nhở, giúp đỡ mọi người cùng thực hiện Luật GTĐB. Cần phải thấy các vi phạm Luật Giao thông là một biểu hiện thiếu văn hoá, thiếu kiến thức và phải tự cảm thấy xấu hổ về hành vi này. Chẳng hạn, đi xe máy về đêm, khi có đèn đỏ ở ngã tư, cho dù không có một bóng người, vẫn nên dừng xe chờ đèn xanh mới đi tiếp. Nếu vượt qua đèn đỏ thì tự mình cảm thấy ngượng và xấu hổ. Xây dựng VHGT không phải là tăng cường xử phạt mà phải tăng cường giáo dục, phổ biến pháp luật, nhắc nhở khi vi phạm, làm cho người tham gia giao thông cảm thấy ngượng khi vi phạm chứ không chỉ thấy bực khi nộp phạt.
Để có VHGT, trước hết, những người quản lý trong cơ quan Nhà nước về lĩnh vực giao thông (cán bộ công nhân viên trong ngành GTVT, TTGT, CSGT) phải gương mẫu thực hiện Luật Giao thông, phải góp phần xây dựng VHGT bằng chính những hành động cụ thể của mình khi tham gia giao thông. Cần chấm dứt các hiện tượng CSGT đi xe máy không đội MBH, lái xe ô tô không đúng tốc độ, đôi khi còn giành đường, không quan tâm đến việc phổ biến Luật Giao thông, mà chỉ quan tâm đến việc phạt vi phạm. Lực lượng chức năng cần nhẹ nhàng trong ứng xử, có tình có lý, để mỗi người dân tin tưởng ở những người đang thi hành công vụ chứ không phải chỉ tìm cách đối phó.
Hiện nay có tình trạng khi có TNGT, người dân xúm lại xem đông nhưng không ai quan tâm giúp đỡ người bị nạn đưa đi cấp cứu. Lý do cơ bản là người giúp đôi khi lại bị liên luỵ mất nhiều thời gian cho việc trình báo, thậm chí còn bị nghi là thủ phạm. Trong trường hợp này, người có VHGT lại bị đối xử thiếu văn hoá.
Chúng tôi nghĩ rằng, VHGT cần phải được xây dựng trên cơ sở hai phía: người tham gia giao thông và lực lượng chức năng quản lý giao thông. Đó là văn hoá con người đối với con người, chứ không phải là văn hoá của con người đối với các phương tiện, không chỉ nặng về xử phạt mà thiếu sự tự nguyện cũng như giúp đỡ. Với từng cá nhân trong cộng đồng. VHGT là một vấn đề phải được coi trọng, phải được đưa đến chính từng người dân, từng cộng đồng./.
Hoạ sĩ Trần Khánh Chương