Đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn ở Nghĩa Hưng - Vấn đề đặt ra

09:02, 11/02/2011

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Nghĩa Hưng nhiệm kỳ 2010-2015 đặt mục tiêu đến năm 2015 có trên 40% lao động nông thôn được đào tạo nghề. Để đạt mục tiêu đề ra, trong 5 năm tới, mỗi năm bình quân số lao động qua đào tạo nghề của huyện phải tăng thêm 2% trở lên.  

Với nhận thức giải quyết tốt vấn đề việc làm cho lao động nông thôn là góp phần bảo đảm an sinh xã hội, những năm qua huyện Nghĩa Hưng đã tập trung chỉ đạo, đề ra các biện pháp giải quyết việc làm cho nông dân. Cùng với sự ra đời của CCN Nghĩa Sơn và các dự án đầu tư về huyện, đội ngũ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sử dụng nhiều lao động trên toàn địa bàn phát triển mạnh. Ngoài số doanh nghiệp trong CCN, các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu ở các xã, thị trấn cũng giải quyết việc làm, thu nhập cho nhiều lao động tại chỗ. Để khuyến khích phát triển làng nghề truyền thống và nhân cấy nghề mới, Phòng LĐ-TB&XH huyện đã làm tốt công tác tham mưu với Huyện uỷ, UBND huyện về các chương trình, kế hoạch đào tạo nghề cho nông dân. Năm 2010, trên cơ sở kết quả điều tra nhu cầu học nghề của người dân, Phòng LĐ-TB&XH huyện đã lập và triển khai sớm kế hoạch dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ. Mặc dù chịu tác động của hậu suy thoái kinh tế nhưng sản xuất trên địa bàn và các ngành sản xuất khác vẫn đạt chỉ tiêu giải quyết cho 3.500 lao động có việc làm mới; đào tạo nghề cho 2.400 lao động. Trong đó, Trung tâm dạy nghề công lập của huyện đào tạo nghề cho 1.300 lao động. Toàn huyện đã tổ chức được 12 lớp dạy nghề, trong đó có 3 lớp tập trung tại cơ sở dạy nghề của huyện, còn lại mở tại các địa phương theo yêu cầu của nông dân. Huyện đã tổ chức điều tra nhu cầu tuyển lao động tại 270 cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng lao động trên địa bàn, hoàn chỉnh lập sổ cung - cầu lao động theo Thông tư số 25 của Bộ LĐ-TB&XH ở 343 thôn, xóm làm cơ sở cho các chương trình đào tạo nghề, giải quyết việc làm bảo đảm sát với yêu cầu thực tiễn. Huyện cũng triển khai thực hiện mô hình phòng ngừa trẻ em lang thang, làm nghề nặng nhọc, độc hại của Bộ LĐ-TB&XH, tạo cơ hội cho 20 em trong độ tuổi được học nghề và có việc làm phù hợp. Nguồn vốn vay xóa đói, giảm nghèo Việt Đức với 2,8 tỷ đồng cho trên 300 hộ nghèo và cận nghèo của 9 xã, thị trấn được quản lý tốt tạo cơ hội cho người nghèo có việc làm và thu nhập ổn định.

Để đạt được chỉ tiêu năm 2011 đào tạo nghề mới cho trên 2.500 lao động, trong đó đào tạo tập trung tại cơ sở dạy nghề của huyện 1.500 người, ngay từ cuối năm 2010, Phòng LĐ-TB&XH huyện và Trung tâm dạy nghề của huyện đã làm việc với lãnh đạo xã Nghĩa Sơn (đơn vị được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới) để thống nhất phương pháp tổ chức, đào tạo các nghề. Tháng 12-2010, xã đã tổ chức họp các ban, ngành, đoàn thể, trưởng thôn trên địa bàn để phổ biến chương trình, phân bổ chỉ tiêu đào tạo nghề cho 28 thôn, xóm trên địa bàn. Công tác tuyển sinh được triển khai vào dịp đầu xuân khi người dân địa phương đi làm ăn xa tập trung về. Các nghề tập trung đào tạo là cơ khí, may, trồng nấm, lái tàu thủy. Từ kết quả của xã Nghĩa Sơn, huyện sẽ rút kinh nghiệm với 8 xã làm điểm xây dựng nông thôn  mới, sau đó triển khai đồng loạt ở các xã còn lại. Đồng chí Nguyễn Văn Thành, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện cho biết, theo kết quả điều tra nhu cầu học nghề của người dân trên địa bàn thì phương pháp đào tạo theo phương thức kèm nghề chiếm đa số. Cụ thể, trong hơn 10.800 người có nhu cầu học nghề thì học nghề 3 tháng có 6.721 người, sơ cấp nghề có 2.628 người; học theo hình thức kèm cặp nghề có 6.355 người, học tập trung có 4.425 người. Một bộ phận người dân vẫn chưa nhận thức đầy đủ về vấn đề đầu tư học nghề mới theo phương châm đào tạo nghề để người học có nghề và sống bằng nghề. Một thực tế nữa đang đặt ra trong công tác xuất khẩu lao động, nếu tuyển lao động có tay nghề kỹ thuật thì nguồn dồi dào nhưng đối tượng lao động phổ thông thì khó. Bởi lẽ số lao động phổ thông muốn được tuyển đi lao động ở nước ngoài vẫn phải bảo đảm các yêu cầu về sức khỏe, ngôn ngữ nước sở tại, chưa kể đến thời gian chờ làm thủ tục và một số chi phí bắt buộc, trong khi đó lương lại không cao. Hiện trên địa bàn huyện, cũng như cả tỉnh và các địa phương lân cận, nhiều công trình xây dựng lớn đang triển khai. Người lao động phổ thông ở các công trường này cũng có thu nhập không kém mức lương trả cho lao động phổ thông đi xuất khẩu lao động; khác nhau là đi xuất khẩu lao động sẽ bảo đảm ổn định trong thời gian hợp đồng vài năm, nhưng làm việc tại địa phương thì chỉ theo mùa vụ, không ổn định. Bởi vậy, việc tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức của không chỉ người dân mà cả đội ngũ cán bộ các xã về vấn đề đào tạo dạy nghề, vấn đề giải quyết việc làm cần được đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa. Bên cạnh đó, ngành chức năng của huyện cũng cần chú ý đến đặc điểm biến động của lực lượng lao động trên địa bàn. Lao động nữ, nhất là công nhân may làm việc ở các tỉnh phía Nam với kinh nghiệm tay nghề và tác phong lao động nền nếp sẽ trở về địa phương làm việc. Nguồn lao động để các doanh nghiệp tuyển dụng sẽ dồi dào hơn, có sự cạnh tranh trên thị trường lao động dệt may. Điều này cần được quan tâm đề cập trong việc hướng nghiệp cho các học viên để người lao động sau khi được đào tạo có thể có việc làm./.

Trang Thi



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com