Giữa Chạp, dòng người đông đúc, hối hả. Trong se lạnh đã thấy bóng dáng hoa đào, hoa mai, gốc quất chen sắc với muôn màu hàng hoá, hội chợ.Xuân Tân Mão đã cận kề !
Cùng với dồn dập những tin vui về kết quả, thành tựu đạt được trong năm 2010, Xuân này, từ thành thị đến nông thôn trong tỉnh, còn bắt gặp những nụ cười từ niềm vui nhân đôi. Đó là nụ cười của những người nghèo khi thấy quê hương, đất nước qua thêm một năm nhiều thành quả và bản thân, gia đình với sự nỗ lực của chính họ, sự chung tay của cộng đồng để thoát nghèo.
Gia đình ông Nguyễn Văn Phùng, xóm 14 Quần Liêu xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng) có hoàn cảnh khó khăn được UBMTTQ huyện, xã và nhà tài trợ xây tặng căn nhà "Đại Đoàn Kết" tổng trị giá 60 triệu đồng.
Ảnh:
Dương Đức
|
Những nụ cười mang niềm tin...
Chị Cao Thị Liên ở xóm 8, xã Giao Tiến (Giao Thuỷ) đã từng trải qua những ngày tháng gian nan: Người chồng không may mất sớm, để lại cho chị một mái nhà dột nát, xiêu vẹo và 3 đứa con thơ. Quần quật trên mấy sào ruộng, rồi chạy chợ, đi làm thuê, bán sức lao động từ quê ra đến thành thị vẫn không thể nào đủ tiền cho con ăn học. Khuôn mặt của người phụ nữ ấy chợt trở nên bừng sáng khi kể về “phép màu” giúp chị và gia đình có cơ hội thoát ra khỏi ngõ cụt của nghèo khó. Đó là tấm lòng của những gia đình hàng xóm tốt bụng thương cảnh mẹ goá, con côi nên lúc giúp ngày công, khi đùm cân gạo để mẹ con chị không đứt bữa. Thương phục ba đứa trẻ nhà nghèo, ăn chẳng đủ no, mặc không đủ ấm nhưng lại ham học, học giỏi nên hàng xóm bảo nhau người giúp sách vở, người trợ học phí để con chị được đến trường... Nhưng cơ hội đổi đời lớn nhất đến với chị Liên và gia đình chỉ cách đây vài năm. Được cán bộ xã xuống tận nhà bảo đi học nghề để có thu nhập thêm ngoài nông nghiệp, chị còn được vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế gia đình. Từ học nghề, làm thêm nghề phụ mỗi tháng cũng có thêm vài trăm nghìn, vay vốn người nghèo nuôi lợn, gà, đầu tư thêm vào trồng cấy cũng bớt phần vay mượn như trước kia. Ơn Đảng, ơn Chính phủ nhất là khi không biết làm sao có tiền để cho con thi đỗ nhập học thì chị được vay vốn học sinh, sinh viên. Hai con đầu của chị hiện nay đều đang học đại học Hàng hải. Số tiền vay lên đến 41,8 triệu đồng - một con số mà người nghèo như chị dù có nằm mơ cũng không dám nghĩ đến! Đứa con út nhờ đó cũng đang học ngày học đêm để tìm cơ hội vươn lên như các anh, các chị...
Chị Nguyễn Thị Toan ở tổ 8, phường Lộc Hạ (TP Nam Định) chồng chết sớm để lại cho chị 3 đứa con thơ với tài sản không có gì đáng giá. Nhờ vốn vay ưu đãi cho người nghèo, chị đã có công việc ổn định, bảo đảm cho con cái tạm đủ ăn, đủ mặc. Lo nhất là cho con cái học hành để thay đổi số phận, đừng lam lũ như bố mẹ thì con gái lớn Bùi Thị Hoa đang học tại Trường Trung cấp Y tế Nam Định được vay vốn học sinh, sinh viên đến khi tốt nghiệp. Hai đứa em đến lớp được miễn giảm học phí, hỗ trợ học sinh nghèo học tập. Cả nhà được cấp thẻ BHYT miễn phí... Chị Toan khẳng định sẽ cố gắng sớm thoát nghèo trong nay mai vì không thể nghèo được trước sự chăm lo của cộng đồng, xã hội.
Còn vợ chồng ông Nguyễn Văn Phùng ở xóm 14, thôn Quần Liêu, xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng) suốt mấy chục năm sống trong ngôi nhà vách đất, mái lợp tạm bợ, không tin ngôi nhà mình đang ở trị giá hơn 60 triệu đồng vừa được xây tặng. Không ngăn được dòng nước mắt trào ra trên khuôn mặt già nua, chai sạn vì tuổi tác và gian khổ của cuộc sống, ông Phùng bật khóc: “Ơn Đảng, ơn Chính phủ! Vậy là đến cuối cuộc đời, chúng tôi cũng đã có một mái nhà yên ấm, khang trang! Còn chút thời gian, tôi sẽ cố gắng sống tốt, cố làm được những việc có ích cho cuộc sống!”. Ở cách đó không xa, bà Trần Thị Nhiên (đội 15, Quần Liêu, Nghĩa Hưng) cũng đồng tâm trạng khi ở trong ngôi nhà đại đoàn kết trị giá trên 20 triệu đồng vừa khánh thành cuối tháng 11-2010. “An cư mới lạc nghiệp”, bà Nhiên cho biết, ngôi nhà mới khang trang là động lực, nền móng để tôi yên tâm, phấn đấu lao động vươn lên thoát nghèo.
Ấm áp lòng nhân ái!
Phát huy truyền thống “Lá lành đùm lá rách”, “Tương thân, tương ái”, trong 10 năm qua, Quỹ “Vì người nghèo” trong tỉnh đã vận động, quyên góp và tiếp nhận tấm lòng của các tập thể, cá nhân được trên 32,6 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ trên, toàn tỉnh đã hỗ trợ để xây mới và sửa chữa tổng số 4.717 nhà ở đại đoàn kết cho hộ nghèo với tổng số tiền trên 22,6 tỷ đồng. Quan tâm tới mọi mặt đời sống của người nghèo, Quỹ “Vì người nghèo” còn đầu tư hỗ trợ người nghèo chữa bệnh 917,8 triệu đồng, hỗ trợ học sinh nghèo 904,4 triệu đồng, hỗ trợ sản xuất 190 triệu đồng; hỗ trợ, tặng quà trên 100 triệu đồng, trợ cấp đột xuất cho các trường hợp thiên tai, bệnh tật... Phong trào không chỉ dừng ở quyên góp tiền của, ngày công mà được xây dựng, nhân lên thành nếp sống, thói quen hàng ngày ở các cụm, khu dân cư, làng xóm, dong ngõ, tạo ra lòng tin cho người nghèo về chỗ dựa tinh thần, vật chất vững chãi để từ đó tự lực vươn lên thoát nghèo, ổn định đời sống và phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình, xã hội...
Trong nụ cười, niềm tin mới về cơ hội thoát nghèo và một tương lai tươi sáng, đồng hành với tấm lòng tri ân với xóm làng, người thân còn có nhận thức, lòng biết ơn của người nghèo với chế độ xã hội hôm nay đã chăm lo, hỗ trợ để tạo điều kiện cho người nghèo vươn lên. Chỉ tính trong 5 năm gần đây, các chính sách, dự án, chương trình thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo đã không ngừng được bổ sung, nâng cao về chất lượng để đảm bảo khép kín điều kiện vươn lên thoát nghèo. Chị Cao Thị Liên cho biết: “Việc làm, thu nhập là điều kiện quan trọng nhất để người nghèo chúng tôi vươn lên thoát nghèo(!)”. Cùng với chị Liên, trong 4 năm qua đã có 3.615 lao động thuộc hộ nghèo được dạy nghề miễn phí với tổng kinh phí trên 8 tỷ đồng; có 111.211 lượt hộ nghèo được vay trên 898 tỷ đồng để làm nghề, phát triển kinh tế, 9.050 lượt hộ nghèo được hướng dẫn cách làm ăn. Theo đồng chí Phạm Đức Chính, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội: “Người nghèo hiện nay có đủ điều kiện cần và đủ để thoát nghèo. Nếu như dạy nghề và vốn vay ưu đãi là điều kiện cần thì các chính sách hỗ trợ về nhà ở, y tế, giáo dục là điều kiện đủ”. Theo thống kê, trong 5 năm qua tỉnh ta có 686.528 người nghèo được cấp thẻ BHYT miễn phí với tổng trị giá gần 80 tỷ đồng. Toàn tỉnh có trên 2.500 học sinh được miễn giảm học phí, trên 30 nghìn học sinh, sinh viên được hỗ trợ với tổng kinh phí trên 400 triệu đồng... Từ sự chăm lo, hỗ trợ tổng lực và toàn diện trên, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 11,08% năm 2006 xuống còn 5,99% năm 2010.
Một năm mới đang cận kề. Chúng ta có đủ niềm tin về những thành công, những bước tiến mới trong hành trình vươn lên thoát nghèo của người nghèo nói riêng, của sự ổn định, phát triển đi lên giàu mạnh, công bằng, văn minh nói chung của tỉnh./.
Hoàng Vũ