Xây dựng văn hoá giao thông ngay từ cơ sở

08:02, 23/02/2011

Có không ít nguyên nhân dẫn đến tình trạng số vụ TNGT xảy ra ngày càng nhiều, tính chất mức độ hậu quả nghiêm trọng ngày càng lớn, nhưng nếu nguyên nhân do thiếu ý thức thì văn hoá trong tham gia giao thông cũng là một vấn đề cần được giải quyết góp phần phòng ngừa, ngăn chặn và hạn chế TNGT.

Nguyên nhân còn nhiều

Văn hoá giao thông là sự hiểu biết về các quy định pháp luật về giao thông, tự giác chấp hành và không vi phạm về TTATGT. Nếp sống văn hoá giao thông là cách ứng xử, hành vi có trách nhiệm của bản thân cộng đồng trong tham gia giao thông, thể hiện sự tôn trọng nhường nhịn, chia sẻ, biết giúp đỡ người cùng tham gia giao thông; đồng thời cũng là đạo đức, thể hiện thái độ ứng xử có chuẩn mực, văn minh, hành vi có văn hoá, lịch sự trách nhiệm của người tham gia giao thông với người thi hành công vụ trong lĩnh vực đảm bảo TTATGT.

Mục tiêu của xây dựng nếp sống văn hoá giao thông là góp phần tích cực giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và bị thương nguồn kinh phí vật chất thiệt hại do TNGT gây ra. Hình thành thói quen và nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông.

Những hành vi thiếu văn hoá trong giao thông được bộc lộ trên nhiều bình diện và thể hiện trong nhiều đối tượng, nhiều chủ thể, do đó hoặc khách quan, hoặc chủ quan đều dẫn đến TNGT đó là: Đối với người kinh doanh: Nặng về lợi ích kinh doanh, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, bày bán hàng, chiếm dụng hành lang an toàn của người tham gia giao thông... Đối với người tham gia giao thông: Có thói quen chủ quan, tuỳ tiện, bất chấp quy định của pháp luật, không đội MBH khi đi xe máy, lạng lách chen ngang, vượt đèn đỏ... không làm chủ tốc độ, phóng nhanh vượt ẩu, uống bia rượu trong khi cầm lái. Đối với cơ sở đào tạo lái xe: Một số cơ sở chưa chú trọng chất lượng của lái xe, sát hạch chưa nghiêm túc dẫn đến tình trạng lái xe cầm bằng nhưng chất lượng kém, không xử lý được tình huống, trong khi đó lại tham gia cầm lái có trọng tải lớn, lái xe đường dài, lái xe khách liên quan đến sinh mạng nhiều người. Đối với người thi hành công vụ trong lĩnh vực giao thông: Xử lý các trường hợp vi phạm chưa nghiêm, có khi cả nể, nhưng có lúc lại thái quá dẫn đến tình trạng người tham gia giao thông nhờn luật, không tôn trọng người thi hành công vụ...

 

Nút giao thông Quang Trung - Trần Hưng Đạo (TP Nam Định).  Ảnh: Dương Đức
Nút giao thông Quang Trung - Trần Hưng Đạo (TP Nam Định).
Ảnh: Dương Đức

Hãy bắt đầu từ cơ sở

Để xây dựng nếp sống văn hoá trong giao thông, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch đã ban hành quy chế công nhận Danh hiệu “Gia đình văn hoá, Làng văn hoá, Tổ dân phố văn hoá”. Trong các tiêu chí xây dựng gia đình văn hoá, làng văn hoá, tổ dân phố văn hoá đã có quy định cụ thể về chấp hành chủ trương của Đảng quy định: Gương mẫu chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, để đạt danh hiệu làng văn hoá phải có môi trường, cảnh quan sạch, đẹp, đường giao thông được trải nhựa bê tông, có hệ thống đèn chiếu sáng, đường phố, nơi công cộng sạch đẹp; thực hiện tốt pháp luật về TTATGT.

Xây dựng nếp sống văn hoá giao thông là góp phần giảm thiểu TNGT, lập lại TTATGT. Chính vì lẽ đó, thông qua phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá và hệ thống văn bản hướng dẫn hoạt động văn hoá cơ sở như: Quy chế xây dựng danh hiệu Gia đình văn hoá, Làng văn hoá, Tổ dân phố văn hoá, phải tuyên truyền phổ biến các quy định của nhà nước về TTATGT trong các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về ATGT của nhân dân, xây dựng ý thức tích cực tham gia đấu tranh phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm. Việc tuyên truyền phổ biến pháp luật về TTATGT phải được thực hiện bằng những hình thức sinh động, phù hợp với từng đối tượng. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị người đứng đầu các tổ chức có trách nhiệm tổ chức việc học tập các quy định về TTATGT trong cán bộ công chức và người lao động tại đơn vị, địa phương mình.

Tăng cường việc tuyên truyền xây dựng nếp sống văn hoá giao thông thông qua hoạt động của các thiết chế văn hoá, các đội thông tin tuyên truyền lưu động, các tổ đội văn nghệ quần chúng, câu lạc bộ gia đình văn hoá, thông qua hoạt động này để tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT bằng các chương trình hoạt động sôi nổi tích cực, hấp dẫn đi vào lòng người, góp phần hình thành nếp sống văn hoá giao thông theo nền nếp để mọi người thực hiện.

Xây dựng nếp sống văn hoá giao thông, ý thức trách nhiệm khi tham gia giao thông phải được tiến hành với cả đối tượng tham gia giao thông, người thi hành công vụ và cả người điều khiển phương tiện giao thông, nhất là đối với trường hợp lái tàu, lái xe có trọng tải lớn, lái xe khách, lái tàu thuỷ, lái đò... Nâng cao đạo đức nghề nghiệp, lương tâm trách nhiệm của các đối tượng này thông qua việc thường xuyên sát hạch lại chất lượng tay nghề, kiểm tra bằng lái và các điều kiện bảo đảm an toàn để lưu thông phương tiện./.

Hiền Thanh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com