Bảo hiểm y tế học sinh - sinh viên (BHYT HSSV) là chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước mang tính cộng đồng sâu sắc nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho HSSV. Tuy nhiên, công tác thu BHYT HSSV hiện nay đang đối mặt với không ít khó khăn.
Năm học 2009-2010 công tác BHYT HSSV được triển khai thực hiện theo hai giai đoạn: Trước ngày 1-1-2010, HSSV là đối tượng tự nguyện tham gia BHYT theo Nghị định số 62/2005/NĐ-CP ngày 16-5-2005 của Chính phủ. Theo Luật BHYT, từ ngày 1-1-2010, HSSV trở thành đối tượng phải tham gia BHYT và được Nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng. Để nâng cao nhận thức của các bậc phụ huynh và HSSV, ngành BHXH đẩy mạnh tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú như: Phát tài liệu tuyên truyền đến các lớp học, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; phối hợp với Đoàn Thanh niên tổ chức đội ngũ cộng tác viên tuyên truyền. Trước khi bước vào năm học, BHXH tỉnh đã tham mưu với UBND tỉnh có công văn chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND các huyện và thành phố phối hợp với BHXH tỉnh triển khai công tác BHYT HSSV; chủ động phối hợp với Sở GD-ĐT triển khai nội dung Luật BHYT, các nghị định, thông tư hướng dẫn tới các trường học trên địa bàn tỉnh. Việc tổ chức in ấn và phát hành thẻ BHYT HSSV kịp thời, đảm bảo thẻ đến tay các em trước khi có giá trị sử dụng. Ngay khi các trường hoàn thành công tác thu, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã chuyển tiền công cho đại lý và chi kinh phí chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho các trường học. Năm học 2009-2010, BHXH tỉnh đã trích lại hơn 4,2 tỷ đồng cho các trường phục vụ công tác này và chi tiền công cho đại lý 171,3 triệu đồng. Nhiều đơn vị đã vận động được học sinh, sinh viên tham gia BHYT, tiêu biểu như: TP Nam Định có 52.170 HSSV tham gia, huyện Giao Thuỷ có 23.475 HSSV tham gia, huyện Xuân Trường có 21.109 HSSV tham gia. Tuy nhiên, do nhiều địa bàn trong tỉnh đời sống kinh tế còn gặp khó khăn, mức phí BHYT thường xuyên thay đổi, năm sau cao hơn năm trước, các gia đình lại phải đóng góp nhiều khoản vào đầu năm học, vì thế BHYT HSSV chưa được cha mẹ học sinh quan tâm, ủng hộ. Nhiều huyện có tỷ lệ HSSV tham gia BHYT thấp như: Huyện Trực Ninh chỉ có 2.653 học sinh, huyện Ý Yên có 7.117 học sinh, huyện Mỹ Lộc có 7.192 học sinh. So với tổng số 800 trường học và hơn 500.000 HSSV trên địa bàn toàn tỉnh thì con số 167.860 HSSV tham gia BHYT (năm học 2009-2010) cho thấy công tác BHYT HSSV còn nhiều khó khăn. Một nguyên nhân nữa là do mạng lưới y tế trường học và cán bộ chuyên trách trong hệ thống giáo dục phổ thông chưa được quan tâm đúng mức. Các trường học có cán bộ làm công tác BHXH thì phần lớn mới đảm nhiệm công việc nên nghiệp vụ chuyên môn chưa vững, còn lúng túng trong việc giải quyết các chế độ bảo hiểm.
Cán bộ, công chức phòng Thu (BHXH tỉnh) triển khai công tác thu đầu năm.
Ảnh:
Dương Đức
|
Để tạo lòng tin của nhân dân và HSSV vào chính sách BHYT, ngành BHXH đã phối hợp với ngành Y tế nâng cao chất lượng phục vụ tại các cơ sở y tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người có thẻ BHYT được tư vấn, khám và điều trị bệnh, giảm thiểu các thủ tục phiền hà, xây dựng thái độ, tác phong đón tiếp người bệnh hoà nhã, chu đáo. Công tác chi khám chữa bệnh cho đối tượng HSSV đảm bảo kịp thời… Tuy nhiên, công tác khám chữa bệnh ở các cơ sở y tế cho HSSV vẫn còn một số bất cập. Những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện chính sách BHYT chưa được các đơn vị phối hợp giải quyết kịp thời, ảnh hưởng đến tâm tư của phụ huynh và các em. Để khắc phục tình trạng này, trong năm học 2010-2011, BHXH tỉnh đã tăng cường cán bộ làm công tác tuyên truyền, vận động HSSV tham gia BHYT, phối hợp chặt chẽ với ngành GD-ĐT, ngành Y tế nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả BHYT HSSV. Đặc biệt, BHXH tỉnh cùng với Đoàn Thanh niên các cấp còn đẩy mạnh tuyên truyền những nội dung thiết thực về phạm vi quyền lợi của HSSV khi tham gia BHYT, giúp các em hiểu được tính chất cộng đồng và nhân đạo của chính sách BHYT./.
Lam Hồng