Tiếp tục xây dựng mô hình xã, phường phù hợp với trẻ em

09:02, 21/02/2011

Xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em nhằm tạo môi trường sống an toàn, thân thiện với trẻ em, để tất cả trẻ em đều có cơ hội phát triển toàn diện cả về thể chất, trí tuệ, tinh thần và nhân cách. Đây cũng là một trong những tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của các địa phương. Qua 6 năm triển khai, các nội dung xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em đã được các cấp, các ngành đồng bộ triển khai, lồng ghép với các chương trình chăm sóc, bảo vệ trẻ em, các hoạt động xã hội từ thiện.

 

Màn hát múa của ngành GD-ĐT Thành phố Nam Định tại giao lưu văn hoá dân gian cấp tiểu học toàn tỉnh năm 2011. Ảnh: Xuân Thu
Màn hát múa của ngành GD-ĐT Thành phố Nam Định tại giao lưu văn hoá dân gian cấp tiểu học toàn tỉnh năm 2011.
Ảnh: Xuân Thu

Công tác giáo dục trẻ em tỉnh ta những năm qua đã có bước chuyển biến mới. Hệ thống giáo dục quốc dân tiếp tục được phát triển, gồm đủ các cấp học, bậc học và của mọi thành phần kinh tế như công lập, dân lập và tư thục; cơ sở vật chất cho phát triển giáo dục được tăng cường. Việc xây dựng môi trường học tập an toàn, thân thiện được đẩy mạnh. Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đi học ở bậc tiểu học, trung học cơ sở đều tăng. Công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em ngày càng được cải thiện. Mạng lưới y tế cơ sở được củng cố và nâng cấp. Trẻ em nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi được khám, chữa bệnh miễn phí tại các cơ sở y tế công lập trên toàn quốc. Các chỉ số về tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng, tử vong trẻ em, tử vong bà mẹ… đều giảm, tỷ lệ trẻ em được sử dụng nước sạch tăng. Công tác bảo vệ trẻ em đã chuyển hướng theo cách tiếp cận dựa trên nhu cầu và đáp ứng các quyền cơ bản của trẻ em. Việc phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng trẻ em bị ngược đãi, xâm hại, bạo lực, bóc lột và rơi vào hoàn cảnh đặc biệt cũng như việc trợ giúp, phục hồi tái hòa nhập cộng đồng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị tổn thương cũng có những chuyển biến tích cực. Tỉnh đã có Trường dạy nghề cho trẻ em khuyết tật, giúp các em phần nào làm chủ cuộc sống, có cơ hội hòa nhập cộng đồng. Các hoạt động vui chơi, giải trí cho trẻ em đã được các cấp, các ngành và các gia đình quan tâm hơn. Nhận thức của trẻ em đã từng bước được nâng cao, các em được cung cấp kiến thức, thông tin cần thiết để có thể bày tỏ ý kiến và tham gia các hoạt động của cộng đồng dưới nhiều hình thức và các cấp độ như ở trường học, ở địa phương.

Tuy nhiên, công tác chăm sóc trẻ em nói chung và xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em nói riêng thời gian qua vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Vẫn còn trẻ em bị ngược đãi là nạn nhân của bạo lực gia đình. Đặc biệt, do nhu cầu việc làm, nhiều gia đình trẻ, cả bố và mẹ đều đi làm xa, trẻ em ở nhà với ông bà, hoặc các cháu tự trông nhau, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, rủi ro. Một bộ phận không nhỏ các gia đình chưa có kỹ năng và điều kiện quản lý giáo dục con em phù hợp. Tình trạng trẻ em vi phạm pháp luật vẫn xảy ra, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Tình trạng buôn bán, bắt cóc trẻ em; xuất bản các ấn phẩm bạo lực, khiêu dâm trẻ em; sử dụng trẻ em để buôn bán ma túy, mại dâm chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Các điểm vui chơi, giải trí và sinh hoạt văn hóa tinh thần cho trẻ em còn thiếu; quyền tham gia của trẻ vào các hoạt động xã hội còn hạn chế và còn mang tính hình thức…

Xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em là nhằm thực hiện Luật Bảo vệ và chăm sóc trẻ em, Công ước quốc tế của LHQ về Quyền trẻ em. Từ kinh nghiệm thực tế triển khai chương trình giai đoạn 2001-2010, trên cơ sở Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2011-2020 đã được Chính phủ phê duyệt, tháng 4-2010 Chính phủ đã ban hành Quyết định 37/2010/QĐ-TTg quy định tiêu chuẩn xã, phường phù hợp với trẻ em. Để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này, ngày 29-9-2010 UBND tỉnh đã có Kế hoạch số 31 về “Xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em giai đoạn 2011-2020” với các mục tiêu: Đến năm 2015 có 50% số xã, phường trong tỉnh đạt tiêu chuẩn; đến năm 2020 có 100% số xã, phường đạt tiêu chuẩn. HĐND, UBND các cấp có nghị quyết, chương trình và kế hoạch hàng năm về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, tạo điều kiện cho các tổ chức chính trị xã hội tích cực tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chăm sóc trẻ em. Các chỉ tiêu cụ thể như không có trẻ em trên địa bàn không được đăng ký khai sinh; giảm tỷ lệ trẻ em phải lang thang kiếm sống, trẻ em phải làm việc xa gia đình, phải làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm xuống còn dưới 1%; không có trẻ bị xâm hại tình dục, bị mua bán, bắt cóc, bạo lực; giảm tỷ lệ trẻ em vi phạm pháp luật; không có trẻ em sử dụng ma túy; không phát sinh trẻ em nhiễm HIV. Đảm bảo 100% trẻ em mồ côi không người nuôi dưỡng, trẻ em bị bỏ rơi được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định của Nhà nước. Giảm tỷ lệ trẻ bị tai nạn thương tích các loại xuống dưới 1%. Đảm bảo các nhiệm vụ chăm sóc trẻ về y tế, giáo dục, tạo cơ hội cho trẻ em phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần và nhân cách với các yêu cầu cụ thể như tổ chức các hoạt động có sự tham gia của trẻ em 4 lần/năm trở lên, tăng tỷ lệ gia đình có trẻ em đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa từ 90% trở lên… Năm 2011, có 124 xã, phường, thị trấn của 10 huyện, thành phố trong tỉnh đăng ký đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em./.

Vân Anh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com