Phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em ở thành phố Nam Định

09:02, 21/02/2011

Nhiều năm qua, công tác phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em ở thành phố Nam Định đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm dần qua các năm: Trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng về cân nặng giảm từ 16,47% (năm 2006) xuống còn 11,37% (6-2010), bị suy dinh dưỡng tính theo chiều cao giảm xuống còn 15,96% (năm 2010).

Có được kết quả đó, là do sự quan tâm của các cấp, các ngành, đoàn thể đối với công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em - phòng chống suy dinh dưỡng (CSSKTE-PCSDD) của thành phố những năm qua. Mạng lưới cán bộ làm công tác CSSKTE-PCSDD từ thành phố đến các xã, phường được kiện toàn và hoạt động có hiệu quả. Mỗi phường, xã có 1 cán bộ chuyên trách dinh dưỡng và đội ngũ CTV y tế phụ trách công tác dinh dưỡng khu vực tổ dân phố, thôn, xóm đẩy mạnh các hoạt động truyền thông giáo dục dinh dưỡng nhằm nâng cao kiến thức và thay đổi hành vi dinh dưỡng trong nhân dân. Trung tâm y tế thành phố thường xuyên tổ chức tập huấn, giao ban cho mạng lưới cán bộ chuyên trách các trạm y tế và CTV dinh dưỡng của tổ dân phố, thôn xóm và cung cấp tài liệu, hỗ trợ các hoạt động dinh dưỡng. Bên cạnh đó, chương trình PCSDD được cấp uỷ Đảng, chính quyền các phường, xã quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ kinh phí hoạt động. Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền kiến thức cơ bản về dinh dưỡng, theo dõi tăng trưởng, kiến thức cần thiết phục hồi trẻ suy dinh dưỡng, đa dạng hoá thực phẩm cho bữa ăn gia đình, phòng chống thiếu Vitamin A, thiếu sắt, iốt và sự phát triển của trẻ nhỏ..., hoạt động thực hành dinh dưỡng được triển khai, giúp người mẹ và những người chịu trách nhiệm trực tiếp chăm sóc trẻ có những kiến thức cơ bản nhất về dinh dưỡng để chăm sóc trẻ. Các buổi thực hành được  tiến hành tại trạm y tế các phường, xã; đối tượng cụ thể là phụ nữ có thai và các bà mẹ có con dưới 2 tuổi, bà mẹ có con dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng. Các hoạt động đều hướng tới việc tuyên truyền thực hiện các nội dung như: Quan tâm chăm sóc ăn uống cho phụ nữ có thai để đạt mức tăng cân 10-12 cân trong thời gian có thai. Khám thai ít nhất 3 lần, tiêm đủ 2 mũi phòng uốn ván trong thời gian có thai; Cho trẻ bú sớm trong nửa giờ đầu sau khi sinh, bú hoàn toàn sữa mẹ trong 6 tháng đầu và tiếp tục cho bú đến 24 tháng; Cho trẻ ăn bổ sung (ăn sam, dặm) khi trẻ tròn 6 tháng tuổi; Thực hiện tô màu bát bột, cho trẻ ăn nhiều bữa trong ngày. Thực hiện phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng. Phòng chống các bệnh nhiễm khuẩn (tiêu chảy, viêm đường hô hấp). Thực hiện tiêm phòng đầy đủ. Chăm sóc và nuôi dưỡng hợp lý khi trẻ bị bệnh. Chương trình mục tiêu phòng chống suy dinh dưỡng những năm qua tại thành phố Nam Định thành công còn nhờ sự tăng cường phối hợp với việc triển khai Dự án “Tăng cường thức ăn bổ sung cho trẻ từ 7-24 tháng tuổi có nguy cơ suy dinh dưỡng ở vùng nghèo” (gọi tắt là Dự án “TĂBS”) do Quỹ xóa đói giảm nghèo ADB tài trợ thông qua Ngân hàng Phát triển Châu Á. Thông qua các hoạt động của dự án, kỹ năng tuyên truyền, giáo dục, vận động và thực hành dinh dưỡng của đội ngũ CTV dinh dưỡng được nâng lên rõ rệt, người dân cũng được cung cấp kiến thức về chăm sóc sức khỏe dinh dưỡng nói chung, về chăm sóc trẻ nói riêng.

Tuy nhiên, công tác PCSDDTE tại thành phố Nam Định còn gặp không ít khó khăn như: Đối tượng chính chăm sóc trẻ em là các bà mẹ còn chịu nhiều sức ép về thời gian làm việc nên thời gian chăm sóc con ít; người mẹ mang thai phải làm việc hoặc trẻ em phải sống trong môi trường ô nhiễm do khói bụi, hóa chất; thực phẩm bị ô nhiễm… CTV dinh dưỡng  tổ dân phố, thôn xóm trình độ còn hạn chế… Bên cạnh đó, tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ em thành phố đang có xu hướng gia tăng… là những nguyên nhân gây khó khăn cho công tác phòng chống suy dinh dưỡng. Để khắc phục những tồn tại trên, công tác CSSKTE-PCSDD cần có sự quan tâm hơn nữa của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối kết hợp của các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn thành phố. Cần có sự hỗ trợ kinh phí để đội ngũ CTV dinh dưỡng tổ dân phố, thôn xóm mua sắm phương tiện hoạt động và in ấn tài liệu truyền thông cơ sở và có cơ chế, chính sách đãi ngộ phù hợp cho mạng lưới CTV dinh dưỡng tuyến cơ sở./.

Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com