Những ngôi trường “dân xây”

11:02, 02/02/2011

Trong những năm gần đây, ở một số địa phương trong tỉnh, nơi những người dân đang còn bộn bề những khó khăn, đã xuất hiện những ngôi trường cao tầng khang trang sớm chiều rộn vang tiếng trẻ em vui chơi, học tập. Và, mỗi khi có khách ghé qua, bà con lại tự hào giới thiệu về trường với cái tên trìu mến: Ngôi trường “dân xây”. Điều đặc biệt là những ngôi trường ấy sau khi khánh thành đều trở thành những “điểm sáng” trong phong trào thi đua “dạy tốt - học tốt”. 

Cô và trò Trường mầm non Nam Trung (Nam Trực) trong giờ ra chơi. Ảnh: Xuân Thu
Cô và trò Trường mầm non Nam Trung (Nam Trực) trong giờ ra chơi.
Ảnh: Xuân Thu

Dẫn chúng tôi đi thăm toàn cảnh Trường mầm non Nam Hùng (Nam Trực), cô giáo Nguyễn Thị My, hiệu trưởng nhà trường phấn khởi tâm sự: “Được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và đặc biệt là tấm lòng hảo tâm của gia đình bà Phạm Thị An, một người con của quê hương đang sinh sống tại Hà Nội nên đến nay, trường đã có được một cơ ngơi khang trang, sạch đẹp với đầy đủ các phòng học, phòng chức năng cùng các trang thiết bị, đồ dùng đồ chơi, đáp ứng yêu cầu giáo dục trong giai đoạn mới. Trường vừa được khánh thành và đón Bằng công nhận là trường đạt chuẩn quốc gia nhân dịp năm học mới 2010-2011”.

Có thể nhận rõ niềm vui trong từng ánh mắt, nụ cười của mỗi bậc phụ huynh khi đón, đưa trẻ tới trường. Bởi, trước năm 2005, trường mầm non Nam Hùng là một trong những trường yếu nhất của huyện với nhiều lớp nhỏ lẻ học rải rác tại các đình làng, sân kho của hợp tác xã và thậm chí phải luân phiên bố trí học cả ở nhà dân. Những cháu ra lớp buổi sáng thì buổi chiều phải nghỉ để cho bạn khác vì không đủ điều kiện cơ sở vật chất và giáo viên. Chứng kiến các cháu buổi học buổi nghỉ lại kéo theo những trễ nải của phụ huynh trong công việc để dành thời gian ở nhà trông con, mỗi lần từ Hà Nội về thăm quê, bà Phạm Thị An không khỏi chạnh lòng. Là những nhà giáo đã nghỉ hưu, bà bàn với chồng trích tiền tiết kiệm và báo cáo với lãnh đạo địa phương được xây 2 phòng học kiên cố tại thôn Cổ Gia cho các cháu. Chỉ 2 phòng học được xây dựng nhưng đã chứa chan biết bao niềm vui của nhân dân và những cô giáo mầm non trong xã. Cảm nhận được điều đó, bà An đã mạnh dạn đề xuất với Đảng ủy, UBND xã được mua lại phần đất phần trăm và đất nông nghiệp đã cấp cho các hộ gia đình chính sách và nhân dân để đầu tư mở mang xây dựng nhà trường. Được sự đồng tình ủng hộ của chính quyền và nhân dân, vợ chồng bà An cùng các con đã hỗ trợ kinh phí trên 1,4 tỷ đồng để thiết kế xây dựng trường, cùng với nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và nguồn ngân sách địa phương. Đến nay, trường mầm non Nam Hùng đã có cơ ngơi gồm 13 phòng học và 7 phòng chức năng trên diện tích 2.400m2 với tổng kinh phí 2,1 tỷ đồng. Trường mới khang trang cùng với đội ngũ giáo viên không ngừng học tập, phấn đấu vươn lên đã thu hút số trẻ ra lớp ngày càng cao với tỷ lệ 90-100% trẻ được nuôi ăn bán trú tại trường. 

Đội nghi thức Trường THCS Phùng Chí Kiên (TP Nam Định)  Ảnh: Thu Hà
Đội nghi thức Trường THCS Phùng Chí Kiên (TP Nam Định)
Ảnh: Thu Hà

Về xã Trực Nội (Trực Ninh) khi thầy và trò trường tiểu học xã đang náo nức chuẩn bị đón một mùa xuân mới trong ngôi trường cao tầng khang trang với đầy đủ trang thiết bị hiện đại, tổng số vốn đầu tư xây dựng 7,5 tỷ đồng, được nghe người dân nơi đây nhắc nhiều đến ông Nguyễn Đức Cử nói riêng và gia đình cụ Nguyễn Đức Thái (thân sinh của ông Cử) như những tấm lòng vàng hướng về thế hệ tương lai của xã. Là người từng giữ các cương vị quan trọng khác nhau của xã Trực Nội, từ năm 1960 đến 1980, trong đó có nhiều năm làm chủ tịch xã, nên cụ Nguyễn Đức Thái đã có nhiều đóng góp trong công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển quê hương. Trong tiềm thức của cả 6 người con của cụ vẫn ghi nhớ những ngày tháng khó khăn của gia đình và sự giáo dục của cha mẹ để phấn đấu vươn lên, tốt nghiệp đại học và trở thành những doanh nhân và công an thành đạt;  trong đó có người con trai thứ Nguyễn Đức Cử, hiện đang là Uỷ viên Hội đồng quản trị Ngân hàng Liên Việt, có 24 chi nhánh hoạt động trong cả nước. Lần nào các con về quê thăm bố mẹ, hai cụ đều nhắc nhở: Nếu các con có điều kiện, hãy dành tình cảm cho quê hương. Quê mình còn nghèo, trẻ em trong xóm ngoài làng lại hiếu học nên ai cũng đều mong các cháu có điều kiện học hành tốt nhất để phát triển… Nghe lời bố mẹ, lại thật tâm có tấm lòng với quê hương nên từ nhiều năm nay, được sự đồng ý của các cấp chính quyền, ông Nguyễn Đức Cử đã dành tiền của ủng hộ quê hương tôn tạo đền chùa, làm đường cho thôn, xây mới đền liệt sỹ xã và đặc biệt là xây ngôi trường tiểu học hiện đại theo phương án “chìa khóa trao tay’’, gồm 12 phòng học 3 tầng, 2 dãy nhà ngang thấp tầng cùng phòng hội trường, 2 phòng hiệu bộ, các phòng học chức năng, thư viện, sân chơi, bãi tập… trên diện tích 6.565m2. Trường được khánh thành và đón chuẩn quốc gia mức độ 2 vào ngày 30-4-2010 vừa qua. Là một trong những ngôi trường thuộc tốp dẫn đầu trong huyện, cái nôi bồi dưỡng học sinh giỏi cấp miền, hàng năm, nhà trường đã tập trung bồi dưỡng học sinh giỏi của 6 trường trong miền và liên tục có trên 20 học sinh trong miền đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, trong đó riêng nhà trường có từ 5 đến 9 học sinh… Dẫn chúng tôi qua các dãy phòng hiện đại, thầy hiệu trưởng Nguyễn Thành Công cho biết, toàn bộ bàn ghế của giáo viên và học sinh cũng được ông Nguyễn Đức Cử đem về. Và, phòng tin học với 21 bộ máy tính đời mới nhất, phòng học nhạc với một cây piano điện tử, 16 cây đàn ooc-gan, thư viện đạt chuẩn quốc gia… đã đáp ứng điều kiện tốt nhất để học sinh nhà trường ngày càng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Trong môi trường dạy và học thuận lợi, năm học vừa qua, nhà trường đã có 40 học sinh đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện và tỉnh, xếp thứ 3/28 trường tiểu học trong huyện. 100% các lớp được xếp loại A về phong trào “Giữ vở sạch - viết chữ đẹp’’. Cô giáo Vũ Thị Yến đã đoạt giải nhất trong kỳ hội giảng cấp tỉnh…

Mấy năm gần đây, ngôi trường tiểu học của xã Yên Tiến (Ý Yên) là nhà cấp 4, xây dựng đã lâu được thay thế bằng ngôi trường cao tầng khang trang, sạch đẹp với 16 phòng học cao tầng trên diện tích 8.543m2. Đây là công trình được xây dựng dựa trên nguồn vốn tài trợ của Chính phủ Nhật Bản và tấm lòng hảo tâm của các con gia đình cụ Phạm Văn Cuôi, người con của quê hương đang công tác tại TP Hồ Chí Minh và một phần kinh phí trích từ ngân sách của huyện, xã và phụ huynh học sinh đóng góp. Vốn là những người con quê hương, từng học phổ thông tại xã nhà nên trong những lần về thăm quê, 3 anh em Phạm Văn Sáng, Phạm Văn Sớn, Phạm Văn Hưng (con cụ Phạm Văn Cuôi) không khỏi chạnh lòng khi thấy con em quê mình vẫn phải học trong ngôi trường cấp 4 đã xuống cấp. Mặc dù tại quê hương, không còn người thân nhưng với tấm lòng hảo tâm, muốn cho con em quê hương được học tập trong môi trường tốt, 3 anh em họ Phạm đã  góp 1,5 tỷ đồng để xây dựng 8 phòng học cao tầng đầu tiên của trường tiểu học. Năm 2008, ngôi trường khánh thành và đưa vào sử dụng với kinh phí quyết toán gần 1,9 tỷ đồng (phần tiền còn lại do ngân sách địa phương và phụ huynh đóng góp). Có được ngôi trường cao tầng khang trang, nhưng ngân sách xã hạn hẹp, một phần của ngôi trường vẫn còn là nhà cấp 4. Vì thế, sau khi Chính phủ Nhật Bản có chương trình tài trợ về cơ sở vật chất trường học cho những xã nghèo, xã Yên Tiến được cấp kinh phí xây dựng thêm 6 phòng học cao tầng và bằng các nguồn vốn đầu tư, trường tiểu học Yên Tiến đã có thêm khu nhà cao tầng 8 phòng học nữa, đáp ứng yêu cầu giáo dục trong thời kỳ mới. Để đáp lại sự quan tâm của các đơn vị, cá nhân và nhân dân địa phương, thầy và trò trường tiểu học Yên Tiến đã phát huy truyền thống của nhà trường, đưa trường trở thành một trong 3 trường tiểu học dẫn đầu huyện về chất lượng giáo dục toàn diện. Năm học 2009-2010, sau một năm được học trong ngôi trường mới, nhà trường đã có bước tiến vượt bậc, đạt được kết quả cao nhất trong những năm vừa qua kể cả về chất lượng giáo dục đại trà và chất lượng học sinh giỏi. Trong kỳ thi học sinh giỏi toàn huyện khối lớp 3 và lớp 4, trường đã xếp thứ nhất toàn đoàn với tổng số 46 giải, trong đó 7 giải nhất, 22 giải nhì. Tại kỳ thi học sinh giỏi toàn tỉnh khối lớp 5, trường đã có 7 em đoạt giải, gồm 1 giải nhất, 2 giải nhì và 4 giải ba.

Đi khắp các địa phương trong tỉnh vẫn thấy nhiều tấm lòng hảo tâm chăm lo cho sự nghiệp “trồng người’’. Họ có thể là những người con của quê hương đang sinh sống ở trong và ngoài nước hay những người dân đang ngày ngày đóng góp sức mình trên chính mảnh đất quê mình. Nhưng, ở họ đều có một điểm chung là mong muốn cho con em mình có điều kiện tốt nhất trong học tập để mở mang tri thức, trưởng thành và về xây dựng quê hương./.

Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com