Trong năm 2011, thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) được dự báo là có khả năng phát triển mạnh. Cụ thể là, từ năm 2011 đến 2015, mỗi năm sẽ có khoảng 87.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có 30.000 đến 40.000 lao động là người nghèo, đối tượng chính sách (khoảng 10.000 lao động thuộc các huyện nghèo).
Ảnh minh họa. nguồn: Internet. |
Trung Đông đang là thị trường trọng điểm để các doanh nghiệp đưa người lao động đi trong những năm tới. Nhưng để đưa được nhiều người lao động sang thị trường này, cần mở rộng công tác hỗ trợ đào tạo các nghề có nhu cầu cao tại đây như nghề hàn, các nghề xây dựng, cơ khí, dịch vụ… Còn thị trường Đài Loan (Trung Quốc) hiện đang dẫn đầu về tiếp nhận lao động Việt Nam. Nhưng đưa người lao động sang Đài Loan cũng đang trở nên khó khăn hơn khi phí môi giới quá cao. Bên cạnh đó, tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn tại Đài Loan đang gia tăng, khiến chủ sử dụng lao động Đài Loan bắt đầu không “mặn mà” với lao động Việt Nam. Đây cũng là một trong những nguyên nhân kìm hãm thị trường này vào năm 2011. Li-bi hiện nay đang có nhu cầu tiếp nhận lao động nước ngoài vào làm việc để tái thiết đất nước sau thời gian dài bị cấm vận, nên đây cũng là cơ hội cho người lao động Việt Nam.
Hai thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc vốn là những thị trường hấp dẫn bởi thu nhập khá cao, nhưng nhu cầu lại có hạn. Thị trường Nhật Bản gần như không có đột phá gì khi năm nào cũng chỉ tiếp nhận khoảng 4.000 lao động. Trong khi đó, thị trường Hàn Quốc ngày càng có những quy định nghiêm ngặt hơn về tay nghề, về khả năng nghe nói tiếng Hàn... Vì thế, không phải lao động nào cũng dễ dàng có cơ hội sang Hàn Quốc làm việc. Năm 2010, hoạt động XKLĐ lóe lên một điểm sáng khi một số doanh nghiệp khai thác và đưa được lao động sang I-xra-en với thu nhập 1.000 USD/tháng. Tuy nhiên, theo giới chuyên môn thì thị trường này khó phát triển rộng và cũng không thể kỳ vọng nhiều trong năm 2011 khi nhu cầu tiếp nhận lao động nước ngoài hằng năm của thị trường này rất thấp.
Để hoàn thành mục tiêu đưa 87.000 lao động đi làm việc trong năm 2011, ông Đào Công Hải, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết: Cục sẽ có biện pháp ngăn chặn nạn “cò” ngay từ đầu năm. Các cơ quan chức năng cần phải tiếp tục phát triển thị trường I-xra-en khi quốc gia này đã chính thức tiếp nhận lao động Việt Nam với tư cách lao động tại I-xra-en. Phía cục đang phối hợp với UAE xây dựng một trung tâm đào tạo lao động xuất khẩu, đào tạo lao động để cung ứng cho thị trường này tại Thanh Hóa. Mỗi khóa đào tạo có thể tiếp nhận 500 học viên. Tài liệu và giáo trình, có thể cả giáo viên cũng sẽ được phía UAE cung cấp. Hoạt động tuyển dụng của các công ty môi giới Việt Nam đang chuyển từ việc chọn thị trường sang tìm lao động và tìm thị trường. Người lao động phải được đào tạo kỹ lưỡng trước khi xuất cảnh, phải được nâng cao tay nghề (ở những lĩnh vực như hàn, cơ khí, rèn, nguội, nấu ăn...), rèn luyện kỹ năng và ý thức làm việc trong môi trường công nghiệp, thích ứng được với xu hướng phát triển của XKLĐ trong những năm tới.
Ông Hải nhấn mạnh: “Với nhiều tín hiệu vui từ thị trường lao động các nước, hy vọng tình hình XKLĐ nước ta sẽ khởi sắc trong năm 2011. Chỉ tiêu đặt ra cho năm 2011 là đưa 87.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhưng chúng tôi hy vọng là sẽ vượt chỉ tiêu này”./.
Hà Vũ