Vườn cam canh đặc sản của gia đình ông Trần Văn Ấp, thôn Lang Xá, xã Mỹ Tiến. |
Xã Mỹ Tiến (Mỹ Lộc) gần thành phố Nam Định nên ngoài nghề nông, nhiều người vào nội thành tìm việc làm để có thêm thu nhập. Từ khi các doanh nghiệp đầu tư vào KCN Hòa Xá và CCN An Xá đi vào hoạt động đã thu hút đông lao động là thanh niên trong xã và quanh vùng vào làm. Thu nhập của người dân được cải thiện nhưng nguồn tư liệu sản xuất quan trọng của xã là 1.000 mẫu ruộng thì không được khai thác có hiệu quả. Vấn đề đặt ra cho Đảng bộ xã là làm thế nào để khuyến khích phát triển kinh tế hộ nông nghiệp, phát huy tiềm năng đất và người địa phương để giải quyết việc làm tại chỗ cho nông dân.
Đồng chí Trần Xuân Trường, Bí thư Đảng uỷ xã cho biết: Trong nhiệm kỳ 2005-2010, Đảng uỷ, UBND xã đã tập trung chỉ đạo các hộ dân thực hiện dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp theo hướng tích tụ ruộng đất để hình thành những vùng sản xuất chuyên canh. Trên cơ sở thực hiện quy hoạch sản xuất, xã mạnh dạn đưa ra các phương thức cho thuê, bán, đổi ruộng để các hộ lựa chọn, kiên quyết không cho thay đổi mục đích sử dụng đất đã được quy hoạch. Đến nay, xã đã hình thành 3 vùng sản xuất chuyên canh là vùng cấy lúa, vùng nuôi thủy sản khoảng 30ha, và vùng màu trồng hoa, cây cảnh, cây ăn quả đặc sản gần 24ha… với hàng trăm trang trại, gia trại quy mô từ 2 mẫu đến 14 mẫu/trang trại, gia trại. Nhiều vùng ruộng trũng trước đây cấy lúa, hiệu quả kinh tế thấp, nay chuyển sang làm vườn hoặc nuôi cá cho thu nhập cao hơn gấp cả chục lần. Cùng với tuyên truyền, vận động và khuyến khích bằng cơ chế chính sách, xã tranh thủ sự hỗ trợ của tỉnh qua các dự án vùng nuôi trồng thủy sản, chương trình đào tạo nghề cho nông dân, nguồn vốn vay giải quyết việc làm…; phối hợp tổ chức được các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi thủy sản, chăn nuôi, thú y, dạy nghề may cho nông dân… Nhiều nông dân đã có nghề mới, lực lượng lao động của xã từng bước theo hướng chuyên môn hóa. Ông Trần Văn Ấp, ở thôn Lang Xá hiện là chủ trang trại cây ăn quả đặc sản, cây cảnh rộng 10 mẫu. Những đặc sản Cam Canh (Văn Giang, Hưng Yên), bưởi Diễn (Từ Liêm - Hà Nội) đã cho quả ngọt tại đồng đất Mỹ Tiến. Từ chỗ lao động nông nhàn chiếm tới 60% lực lượng lao động của xã, đến nay số lao động này được thu hút vào các doanh nghiệp trong các KCN, CCN lân cận, số khác làm việc tại các trang trại, gia trại. Nhiều hộ dân trước đây cả vợ, chồng đi làm ăn xa, nay đã tìm được việc làm, thu nhập ổn định ở quê hương. Toàn xã hiện có 5 cơ sở may, 2 cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, hàng trăm hộ kinh doanh dịch vụ, 29 máy xay sát, máy nghiền thức ăn gia súc, máy tuốt lúa. Các công trình điện, đường, trường học, trạm y tế, trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND xã được đầu tư xây dựng khang trang... Tiếp tục chủ trương khuyến khích, thu hút đầu tư về địa phương, mới đây xã đã cho doanh nghiệp may Thu Nguyên thuê đất đầu tư xây dựng xưởng may với năng lực giải quyết việc làm cho 300-500 lao động.
Kết quả thực tiễn đổi thay về kinh tế và diện mạo quê hương Mỹ Tiến trong những năm qua đã khẳng định hướng đi đúng và là nguồn lực để tạo đà cho bước phát triển mới của xã trong những năm tới. Hiện nay, các vùng sản xuất lớn của xã vẫn đang tiếp tục được hoàn thiện và mở rộng. Xã căn cứ vào các tiêu chí xây dựng nông thôn mới của Chính phủ đã ban hành, thực hiện rà soát lại thực trạng địa phương và xây dựng quy hoạch phát triển nông nghiệp của xã đến năm 2020, làm cơ sở phát triển kinh tế địa phương vững chắc, giải quyết tốt việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân./.
Bài và ảnh: Vân Anh