Chuẩn nghèo mới, người nghèo cũ, và…

09:02, 25/02/2011

 

Gia đình chị Mai Thị Thanh Nga, xóm 3 xã Mỹ Thành (Mỹ Lộc) là hộ nghèo, được UBMTTQ hỗ trợ 20 triệu đồng xây dựng nhà ở.  Ảnh:Dương Đức
Gia đình chị Mai Thị Thanh Nga, xóm 3 xã Mỹ Thành (Mỹ Lộc) là hộ nghèo, được UBMTTQ hỗ trợ 20 triệu đồng xây dựng nhà ở.
Ảnh: Dương Đức

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011-2015. Hộ nghèo ở nông thôn theo chuẩn mới có thu nhập bình quân 400.000 đồng/người/tháng trở xuống. Chuẩn cận nghèo ở nông thôn thu nhập từ 401.000 đồng đến 520.000 đồng/người/tháng trở xuống. Hộ nghèo ở thành thị thu nhập bình quân 500.000 đồng/người/tháng trở xuống. Chuẩn cận nghèo ở thành thị thu nhập từ 501.000 đồng đến 650.000 đồng/người/tháng.

Như vậy, chuẩn nghèo mới gấp đôi chuẩn nghèo cũ về mức tính thu nhập trên đầu người. Theo đó, tổng số hộ nghèo và hộ cận nghèo ở Việt Nam sẽ tăng lên khá nhiều. Mức tính mới hợp lý hơn, nhưng sẽ đặt chúng ta đối mặt với con số thật hơn về tình trạng hộ nghèo và cận nghèo ở Việt Nam hiện tại.

Nếu tính một gia đình thuộc hộ nghèo ở nông thôn hiện nay, theo chuẩn mới, hộ có 6 người gồm: cha mẹ, hai vợ chồng, hai đứa con, thì thu nhập hằng tháng của hộ sẽ là 400.000 đồng x 6 = 2.400.000 đồng/hộ/tháng. Đó là mức thu nhập phổ biến ở nông thôn hiện nay, chưa kể nhiều hộ còn thu nhập thấp hơn mức đó.

Như vậy, nhiều người nghèo cũ chưa kịp thoát chuẩn nghèo thì nhiều người nghèo mới sẽ “gia nhập” chuẩn nghèo theo cách tính mới này. Và nếu tính đúng tính đủ, chúng ta sẽ thấy đất nước mình còn rất nhiều người nghèo, rất nhiều hộ nghèo.

Xoá đói giảm nghèo là một thành tựu nổi bật của đất nước ta thời kỳ đổi mới, được thế giới thừa nhận, nhưng đây là một nhiệm vụ lâu dài, đòi hỏi sự kiên nhẫn, nỗ lực và nhất là phải minh bạch. Vì trước đây ở không ít địa phương, có thời điểm để chạy theo thành tích thì tính số hộ nghèo “giảm nhanh trông thấy”, rồi thời điểm khác, khi các chương trình xoá đói giảm nghèo của Chính phủ được triển khai, lại xuất hiện “đột ngột” rất nhiều hộ nghèo, thôn nghèo, xã nghèo… để được hưởng các chính sách ưu đãi. Cách tính hộ nghèo tuỳ tiện như vậy đã và sẽ dẫn tới một cách nhìn thiếu xác thực và những tổng kết không chính xác, từ đó việc hoạch định chính sách xoá đói giảm nghèo sẽ thiếu sát sao, và có thể chỉ chạy theo bề nổi.

Người nghèo là một vấn đề rất xưa cũ, nhưng luôn hiện đại ngay trong thời đất nước đang công nghiệp hoá hay đang phát triển. Nếu ngày xưa rất nhiều hộ nghèo, nhưng do kinh tế - xã hội chưa phát triển, Nhà nước lại bao cấp, thành ra cứ “trông nhau mà sống” - tất cả đều nghèo mà - thì bây giờ lại không phải vậy. Hố phân cách giàu nghèo ngày một sâu hơn, và đó là một thực tế không thể xoá bỏ hay “quên đi” không tính đến. Người nghèo bây giờ lặng lẽ hơn, cái nghèo bây giờ không chỉ là nghèo ăn hay mặc mà đã len lỏi vào các ngóc ngách của đời sống. Rõ nhất là trong y tế và giáo dục. Đó là hai lĩnh vực mà người nghèo chịu nhiều thiệt thòi nhất, nếu họ không được hưởng những chính sách an sinh có hiệu quả của Nhà nước.

Công bố chuẩn nghèo mới là để những hộ nghèo được hưởng những chính sách an sinh xã hội và cũng để xã hội có cái nhìn xác thực hơn về vấn đề người nghèo và tìm các phương hướng hữu hiệu để giải quyết. Đó là một việc lớn, rất lớn, có thể nói là trọng đại./.

Thanh Thảo



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com