Chợ Đình ngày Tết

07:02, 01/02/2011

Vui Tết - đón xuân trong tâm thức người Việt luôn là sự thành kính, trọng thể, thiêng liêng hướng về cội nguồn, cầu mong mọi sự tốt đẹp, an lành - năm mới sức khoẻ mới, tiến bộ mới, thành tích mới…

Nghi thức lễ tiết Tết Nguyên Đán trong phạm vi cả nước về cơ bản khá giống nhau; nhưng cách thức và nội dung sinh hoạt thì vô cùng phong phú, đa dạng với những sắc thái độc đáo tạo nên không khí tươi vui, hào hứng đến lạ thường đối với mọi tầng lớp dân cư, ở mọi lứa tuổi và toàn cộng đồng xã hội. Trong đó, phiên chợ Tết (họp vào ngày 29 hoặc 30 tháng Chạp) hoặc chợ hoa xuân được coi là sinh hoạt mở đầu chuẩn bị đón Tết có cảnh sắc đông vui náo nhiệt nhất, khắc hoạ bản sắc văn hoá Việt đậm đà, sinh động nhất.

 Phiên chợ quê. Tranh khắc gỗ của Đặng Hướng
Phiên chợ quê. Tranh khắc gỗ của Đặng Hướng

Cũng như một số làng quê vùng châu thổ sông Hồng nói chung và Nam Định nói riêng, An Hoà quê tôi ngoài phiên chợ Tết cuối năm còn có phiên chợ họp vào ngày mồng 3 Tết tại sân đình (gọi chợ Đình ngày Tết) rất độc đáo hàm chứa nhiều ý nghĩa thiết thực và để lại cho các thế hệ cư dân làng quê những ký ức khó phai mờ.

Chợ Đình mỗi năm chỉ họp một phiên vào đúng sáng ngày mồng 3 Tết, không có lều quán, không sạp kê hàng. Đã thành thông lệ, từ sáng tinh mơ người trong làng và một số làng lân cận đã lục tục kéo về sân đình họp chợ. Ngôi đình ở giữa xóm phía nam làng (thường gọi xóm Đình) có thế đất đẹp, khuôn viên rộng, thoáng mát. Khoảng hơn 50 năm trước, đình làng chỉ còn 5 gian đại bái và hậu cung. Do sự hủy hoại của nắng, mưa, gió, bão và bom đạn chiến tranh tàn phá, dân chưa có điều kiện tu sửa nên ngôi đình rất hoang sơ, bị hư hại nhiều: mái ngói nam đã sụt sệ, tường gạch bong chóc, cửa trước trống toang (không còn bao và cánh), những đầu đao, con guột trên mái cái còn, cái gẫy. Duy chỉ còn các hàng cột cái, hàng trụ, hàng xà bằng gỗ lim trạm trổ tinh xảo thì khá nguyên vẹn. Sân đình rộng tới hơn 200m2 lát bằng loại gạch thất nhưng đã viên vỡ, viên bong và đã bị rêu phong, cỏ mọc nham nhở… Trên cái sân đình cũ nát ấy, người ta bày bán đủ loại sản vật tươi tắn. Ở xung quanh tường bao sân đình người ta bày bán phần lớn là rau xanh, củ quả và cá tươi ngay trong đôi quang gánh, cái thúng, cái rổ, cái sọt. Hàng tươi xanh nhiều nhất là rau cần, rau cải, xu hào, xà lách, rau diếp, đậu cô ve, giá đỗ, giá bông và rau thơm: răm, mùi, thì là, húng, ớt, khế, hành, tỏi… Thỉnh thoảng có vài mớ cá quả, cá rô, cá trê, cá chuối mới bắt từ ao, chuôm được nuôi sống trong chum, trong chậu vài ngày cuối năm trước.

Ở giữa sân đình người ta mua bán vài thứ hàng tạp hoá thông dụng: xà phòng, diêm, hạt tiêu, húng lìu, cỗ bài tú lơ khơ, tam cúc, tổ tôm và ít khăn tay (mùi xoa), khăn mặt các loại. Nhưng mua bán tấp nập và chóng vánh nhất là các loại quả: cam, quýt, chanh, táo mới hái từ cây vườn đựng trong làn, trong rổ.

Số lượng hàng bán tại chợ Đình không nhiều, chỉ vừa mức cung - cầu của cư dân địa phương. Giá cả mua - bán thường thấp hơn ở chợ phiên ngày thường, với tâm lý "mở hàng" mở đầu may mắn, chóng vánh. Có thể cũng do tâm nguyện "cầu may" đầu năm nên người đến chợ Đình phần đông là phụ nữ ở các độ tuổi, nam thanh niên thì rất ít mà bé trai, bé gái thì rất nhiều. Nhưng số người đến chợ Đình lúc đông nhất cũng chỉ trên dưới dăm ba trăm người. Những người con xa xứ về quê đón Tết cũng náo nức rủ nhau đến chợ Đình để có dịp hoà nhập cộng đồng làng - xã và tái hiện sắc thái sinh hoạt của quê hương.

Mô tả ảnh.

Phiên chợ Đình ngày Tết được diễn ra theo tập tục riêng biệt, khác thường, không đông nhưng vui tươi thân thiện, chóng vánh. Ý nghĩa kinh doanh tại chợ Đình không lớn mà nổi trội hơn cả sự giao lưu xã hội những sản vật tự sản tự tiêu (dấu ấn chợ sơ khai cộng đồng); để bổ sung thực phẩm và vật phẩm tiêu dùng trong những ngày Tết. Đặc biệt là rau xanh, hoa quả tươi, cá tươi, là những món ăn hợp khẩu vị, dễ hấp thụ, có lợi cho tiêu hoá khi người ta đã dùng nhiều chất béo, chất đạm trong những ngày Tết.

Vài thập kỷ gần đây, nhờ kinh tế phát triển, đời sống dân cư các làng quê cũng khá giả dần; ngày Tết người ta đã biết mua sắm khá đầy đủ các loại thực phẩm, vật phẩm và có điều kiện bảo quản tốt hơn các loại thực phẩm tươi sống để chi dùng nên chợ Đình ngày Tết cũng mai một dần và số người đi chợ cũng thưa vắng hơn. Đặc biệt là ở nhiều làng quê không ít đình chùa đã bị phá rỡ nên phiên chợ Đình ngày Tết cũng chỉ còn được họp ở sân kho hợp tác xã hoặc sân nhà trẻ trong làng. Có lẽ, bởi thế chợ Đình ngày Tết dân dã đi vào hoài niệm của không ít người đã ngoài độ tuổi 60./.

NGÔ THÀNH AN



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com