Các trường đào tạo nghề bằng cách nào để thu hút học viên?

09:02, 11/02/2011

Trái với nhu cầu sử dụng lao động có tay nghề của các doanh nghiệp, một số trường đào tạo nghề trong tỉnh lại rơi vào tình trạng thiếu học viên. Đồng chí Hoàng Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Công Đoàn Nam Định, cho biết: Từ năm 2009, do được nâng lên hệ trung cấp nên nhà trường có thêm nhiều cơ hội liên kết với các đơn vị đào tạo dạy nghề. Tuy nhiên đến nay, nhà trường vẫn chưa chiêu sinh đủ lượng học viên. Với quy mô, năng lực đào tạo 2.000 học sinh/năm nhưng hiện nay nhà trường chưa phát huy được tối đa năng lực do ngày càng khó tiếp nhận học viên với số lượng lớn. Khắc phục khó khăn, nhà trường đã thực hiện biện pháp hướng công tác đào tạo xuống địa phương, tổ chức đào tạo theo nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, nhu cầu học tập của học viên và đào tạo theo địa chỉ. Nhờ đó, mỗi năm nhà trường mở hàng chục khoá học nghề ở các huyện trong tỉnh. Đào tạo theo địa chỉ dễ gặp các khó khăn như: phải bố trí thiết bị máy móc phục vụ thực hành, phải điều động nguồn nhân lực, thậm chí có khi còn gặp các trường hợp phụ huynh học sinh kiến nghị xin giảm mức học phí thấp hơn mức Nhà nước quy định...

Hiện nay, phần lớn số lượng người học ở các trường dạy nghề đều chỉ mong muốn được vào trường để học liên thông, nhận bằng mức độ cao hoặc là những người đang vững vị trí công tác, muốn nâng cấp tay nghề, trình độ. Vì vậy, tại các trường dạy nghề mới mở hoặc mới được bổ sung nhiệm vụ đào tạo nghề thường rơi vào tình trạng tiềm lực hạ tầng, cơ sở vật chất giảng dạy thiếu thốn, số lượng giáo viên thiếu và còn yếu. Thậm chí có nhiều trường, đội ngũ giáo viên thỉnh giảng nhiều gấp đôi, gấp ba lực lượng giáo viên cơ hữu  nên học viên không có nhiều điều kiện để học tập và thực hành tốt như ở các trường đại học, có nhiều giảng viên tốt, có nhiều thiết bị máy móc thực hành hiện đại. Việc tuyển sinh của các trường dạy nghề cũng chưa có cơ chế và hệ thống chung, thường diễn ra theo phương thức mạnh trường nào trường đó quảng bá nên học viên cũng khó nắm bắt được thế mạnh của các trường đào tạo và thường chọn lựa, đăng ký học ở các trường phân cấp cao, hàng năm có số lượng học viên theo học cao. Kinh nghiệm để tháo gỡ tình trạng thiếu học viên của các trường dạy nghề, đã được nhiều trường áp dụng thành công là không ngừng nâng cấp hạ tầng vật chất, thiết bị giảng dạy theo hướng hiện đại; tích cực củng cố, ổn định số lượng và chất lượng của đội ngũ giáo viên cơ hữu nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy; nỗ lực gắn kết đào tạo với giải quyết việc làm sau ra trường cho học viên... Thực tế có một số trường như: Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định, Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp... đã áp dụng thành công các biện pháp trên. Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên bằng cách ưu tiên thu hút, tuyển dụng cán bộ giảng dạy từ khối sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, thạc sỹ từ các trường đại học kỹ thuật, Đại học Bách khoa. Hàng năm nhà trường còn cử 20-25 giảng viên đi học cao học, 5-10 giảng viên dự thi nghiên cứu sinh và thường xuyên bố trí cán bộ, giảng viên tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ, đổi mới phương pháp dạy học do bộ, ngành tổ chức. Nhà trường còn tích cực phát động phong trào nghiên cứu, sáng tạo phương pháp nâng cao chất lượng giảng dạy, hàng năm thu được nhiều đề tài có giá trị áp dụng hiệu quả vào thực tế. Trong công tác đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, những năm qua, trường đã tích cực sử dụng hiệu quả các nguồn kinh phí, xây dựng và đưa vào sử dụng khu nhà xưởng thực hành 5 tầng với tổng diện tích gần 7.000m2, đầu tư 5 tỷ đồng mua sắm, lắp đặt hàng loạt các thiết bị, máy móc vật tư phục vụ thực hành, giảng dạy. Giai đoạn 2010-2013, nhà trường tiếp tục đầu tư xây dựng thêm khu ký túc xá 11 tầng với tổng diện tích 8.870m2 bảo đảm bố trí chỗ ở nội trú cho 2.000 sinh viên. Trong công tác giảng dạy, nhà trường chủ động liên kết với các doanh nghiệp để học viên được kiểm định tay nghề ngay trong giai đoạn thực hành và được sớm bố trí việc làm nếu có đủ năng lực ngay sau khi ra trường. Nhờ đó, trong khối sinh viên học nghề của trường, tỷ lệ học viên xếp loại khá giỏi rất cao và tỷ lệ ra trường có việc làm đạt 98%. Hiện trường thường xuyên có khoảng trên 5.000 học viên theo học ở 10 nghề: tiện, phay, hàn điện, đồ hoạ máy tính, sửa chữa phần cứng máy tính... của 4 bậc học: đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và trung cấp nghề. Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Nam Định cũng nỗ lực nâng cấp cơ sở giảng dạy. Trong năm nay, nhà trường sẽ tiếp tục hoàn thiện toà nhà giảng đường trung tâm 15 tầng với 70 phòng học, giúp giảng dạy cùng lúc cho 10.000 học sinh, sinh viên. Đội ngũ giáo viên của trường được tạo điều kiện trong học tập, nâng cao trình độ giảng dạy bằng cách được giảm 50% khối lượng tiết dạy, được thanh toán học phí, hỗ trợ 20 triệu đồng/người tốt nghiệp tiến sỹ, 2 triệu đồng/người tốt nghiệp thạc sỹ. Hiện trường có 75% cán bộ giáo viên có trình độ trên đại học, trong đó có 39 tiến sỹ và nghiên cứu sinh, 365 thạc sỹ/tổng số 630 cán bộ, giáo viên. Nhờ các phương thức đào tạo đa hệ, đồng thời phối hợp với một số doanh nghiệp ở trong và ngoài tỉnh liên thông dạy nghề theo nhu cầu thực tế nên số lượng sinh viên của nhà trường đã không ngừng tăng cao./.

Nguyễn Thanh Thuý



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com