Khách hàng chọn mua bánh kẹo tại một đại lý ở chợ Mỹ Tho (TP Nam Định).
Ảnh:
Dương Đức
|
Tết Nguyên đán Tân Mão 2011 đang đến gần cũng là lúc nhu cầu thực phẩm của người dân tăng cao và vấn đề VSATTP càng được nhiều người quan tâm.
Theo ước tính, vào dịp Tết, nhu cầu về thực phẩm của người dân tăng từ 30-35% so với ngày thường, đặc biệt là những loại thực phẩm chế biến sẵn như bánh kẹo, nước ngọt, giò chả… Tại chợ Mỹ Tho (TP Nam Định) - chợ đầu mối chuyên tiêu thụ các mặt hàng bánh kẹo, thực phẩm, rau củ quả lớn nhất tỉnh, không khí mua bán diễn ra khá tấp nập. Các loại măng, miến, mộc nhĩ là những thực phẩm khô có thể để được lâu đã được các chủ hàng nhập từ cả tháng trước để phục vụ Tết. Chị Thanh, chủ một quầy hàng cho biết, năm nay các loại thực phẩm đều tăng so với năm trước, đỗ xanh đã tăng lên 45 nghìn đồng/kg, măng khô 15 nghìn đồng/lạng, từ nay đến Tết chắc chắn giá tiếp tục nhích lên. Tấp nập hơn cả vẫn là các quầy bán bánh kẹo, mứt, hạt dưa. Theo quan sát của chúng tôi, hàng hoá năm nay khá phong phú về chủng loại, màu sắc, giá cả. Bên cạnh những mặt hàng sản xuất trong nước có bao bì nhãn mác, vẫn còn nhiều loại bánh kẹo, mứt, ô mai được đóng trong các bao nilon hoặc bao tải dứa trong tình trạng “3 không”: không nguồn gốc, xuất xứ; không tem nhãn ghi địa chỉ sản xuất; không hạn sử dụng cũng như hướng dẫn bảo quản thực phẩm. Giá các mặt hàng này chỉ bằng nửa hoặc 2/3 so với các mặt hàng cùng loại có bao gói sẵn, 1kg kẹo có vị dứa, vị ổi xuất xứ Trung Quốc có giá từ 35-50 nghìn đồng/kg, mứt dừa, mứt bí, chà là… từ 50-60 nghìn đồng/kg nhưng không ai dám chắc trong những bao mứt kẹo “3 không” kia không chứa các chất bảo quản, phẩm màu độc hại? Sau vụ hạt dưa bị phát hiện có nhuộm phẩm màu công nghiệp trong dịp Tết Canh Dần 2010, năm nay hạt bí được nhiều người lựa chọn khiến giá bị đẩy lên trên 150 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, hạt dưa vẫn được bày bán nhiều, những mặt hàng này chủ yếu được bán buôn cho khách hàng ở các huyện lên lấy cất. Chúng tôi gặp chị Trần Thị Thu ở thị trấn Nam Giang (Nam Trực) đang đóng một bao hàng lớn với hàng chục kg bánh kẹo, hạt dưa, mứt các loại về bán lẻ. Chị cho biết: Ở quê mọi người ít quan tâm đến nhãn hiệu hàng hoá, miễn là “ngon và rẻ”! Ước tính mỗi ngày các kiốt của chợ Mỹ Tho xuất đi hàng tấn bánh kẹo không rõ nguồn gốc, sau đó được xé lẻ để đến tay người tiêu dùng…
Cùng với các cơ sở kinh doanh thực phẩm, tại các cơ sở sản xuất thực phẩm cũng bắt đầu lên kế hoạch mua nguyên liệu, chuẩn bị nhân công cho vụ sản xuất hàng Tết, trong đó các cơ sở sản xuất giò chả, nem mọc là bận rộn hơn cả vì đây là những món ăn truyền thống trong ngày Tết cổ truyền. Chị Bích, chủ một cơ sở sản xuất giò chả có uy tín ở chợ Hoàng Ngân (TP Nam Định) cho biết, những năm trước, chị bán hàng tạ giò vào mỗi dịp Tết, có người đặt liền lúc 4-5kg vừa để ăn tết vừa làm quà biếu. Không thể phủ nhận sự tiện ích của các cơ sở dịch vụ này tuy nhiên do điều kiện sản xuất thủ công, nhỏ lẻ nên khó có thể đảm bảo VSATTP. Tận mắt chứng kiến quy trình sản xuất tại một số cơ sở sản xuất giò chả, bánh chưng trên địa bàn thành phố, có thể thấy rõ các vi phạm như nhà xưởng chật hẹp, môi trường ô nhiễm, nguồn nước chế biến không đảm bảo, dụng cụ chế biến cũ kỹ, không đảm bảo vệ sinh, ý thức của người trực tiếp chế biến còn hạn chế, thực phẩm sống để lẫn với thực phẩm chín, khâu bảo quản thực phẩm chưa được chú trọng. Nhiều cơ sở còn lén lút sử dụng các chất bảo quản, chất phụ gia không có trong danh mục Bộ Y tế cho phép trong chế biến thực phẩm. Tại những cơ sở sản xuất bánh mứt kẹo, tình hình cũng không sáng sủa hơn do hầu hết đó là các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, làm theo thời vụ nên trang thiết bị lạc hậu. Nhiều cơ sở giết mổ gia súc gia cầm vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng nên vẫn để lọt ra thị trường những thực phẩm không sạch.
Để chủ động ngăn chặn các loại thực phẩm kém chất lượng, không đảm bảo VSATTP đưa ra thị trường, bảo vệ an toàn sức khoẻ nhân dân trong dịp Tết, ngay từ đầu tháng 12 âm lịch, Sở Y tế, Chi cục VSATTP tỉnh, các ngành chức năng đã xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Đồng chí Lê Huy Ngọc, Phó chánh thanh tra Sở Y tế cho biết, công tác thanh kiểm tra năm nay tập trung vào một số mặt hàng như bánh mứt kẹo, giò chả, thực phẩm tươi sống, các cơ sở sản xuất bia rượu, nước giải khát là những loại thực phẩm có nhiều nguy cơ ô nhiễm… Đoàn thanh tra liên ngành sẽ tăng cường kiểm tra các nhà hàng, quán ăn được nhiều thực khách lựa chọn tổ chức các buổi liên hoan cuối năm nhằm hạn chế các vụ ngộ độc lớn. Theo nhận định của các cơ quan quản lý, càng gần tết, thị trường hàng hoá, thực phẩm càng trở nên sôi động cũng là lúc các loại hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng quá “đát” được tung ra, trà trộn với hàng thật để đánh lừa người tiêu dùng, nhất là đối với các mặt hàng được tiêu thụ mạnh vào dịp tết như bánh mứt kẹo, bia, thực phẩm bao gói sẵn… Các ngành chức năng cần tăng cường công tác thanh kiểm tra, kiểm soát chống sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng trên thị trường. Ngành Công Thương quản lý chặt chẽ nguồn hàng hoá tiêu thụ trên thị trường, kiểm tra phát hiện kịp thời các loại hàng giả, hàng nhái được sản xuất tại chỗ hoặc đưa từ nơi khác về, có hình thức xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Ngành NN-PTNT tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, kiểm dịch chặt chẽ lượng gia súc, gia cầm vận chuyển vào địa bàn… Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của người kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng trong việc đảm bảo chất lượng VSATTP. Người tiêu dùng cần nâng cao sự hiểu biết để lựa chọn cho mình những sản phẩm có uy tín, chất lượng nên lựa chọn những sản phẩm của các nhà sản xuất đã có thương hiệu, uy tín. Đối với người sản xuất thực phẩm, cần nâng cao trách nhiệm với sức khỏe của cộng đồng, không sử dụng các hoá chất độc hại trong chế biến thực phẩm, quy trình chế biến thực phẩm phải đảm bảo vệ sinh. Trong những ngày tết, mọi người cũng cần cảnh giác với những thực phẩm có nguy cơ gây ngộ độc cao như rau quả nhiễm hoá chất bảo vệ thực vật, các thực phẩm có sẵn độc tố như nấm, cá nóc, mật cá trắm, các thực phẩm bị ôi thiu lên men để bảo đảm cho nhân dân đón Tết cổ truyền vui tươi, an toàn và không có ngộ độc thực phẩm./.
Hoài Phương