Xây dựng nông thôn mới, cơ hội và thách thức!

07:01, 31/01/2011

Sau hơn một năm tích cực triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới ở nhiều vùng quê trong tỉnh, mô hình nông thôn mới đã hình thành. Đây cũng là cơ hội để các địa phương trong tỉnh tập trung mọi nguồn lực, hoàn thiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới với quy mô và tầm vóc hiện đại trong tiến trình CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn.

Xây dựng nông thôn mới (NTM) là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta. Trong chương trình mục tiêu quốc gia lớn về xây dựng NTM đã xác định: Đến năm 2011, cơ bản phủ kín quy hoạch xây dựng nông thôn trên địa bàn cả nước làm cơ sở đầu tư xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020. 

Khu trung tâm huyện Xuân Trường. 								Ảnh: Xuân Thu
Khu trung tâm huyện Xuân Trường.
Ảnh: Xuân Thu

Cho đến thời điểm này, tỉnh ta đang tiến hành xây dựng mô hình NTM thí điểm ở 11 xã thuộc 10 huyện, thành phố trong tỉnh, trong đó xã Hải Đường (Hải Hậu) là mô hình điểm xây dựng NTM của Trung ương. Kế hoạch đến năm 2015, tiếp tục triển khai xây dựng ở 62 xã, thị trấn trong tỉnh. Qua hơn một năm thực hiện chương trình xây dựng thí điểm mô hình NTM, Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng thí điểm mô hình NTM của tỉnh ngoài việc tập trung chỉ đạo, hướng dẫn xã Hải Đường và 10 xã điểm của tỉnh xây dựng và triển khai thực hiện đề án, đã chỉ đạo các xã, thị trấn trong toàn tỉnh tự đánh giá mức độ đạt được các chỉ tiêu so với Bộ Tiêu chí Quốc gia về NTM quy định tại Quyết định 491/QĐ-TTg ngày 16-4-2009 của Thủ tướng Chính phủ. Các huyện, thành phố cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng thí điểm mô hình NTM. Để tạo thuận lợi cho các xã điểm có nguồn lực triển khai xây dựng mô hình NTM, ngày 29-4-2010, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 09/QĐ-UBND về việc quy định huy động và quản lý các nguồn vốn xây dựng xã điểm NTM; trong đó hỗ trợ mỗi xã điểm của tỉnh từ 8-10 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách của tỉnh và vốn các chương trình mục tiêu quốc gia để xây dựng thí điểm mô hình NTM.

Đến các xã được chọn làm điểm xây dựng mô hình NTM, chúng tôi cảm nhận bộ mặt nông thôn ngày càng đã có nhiều đổi thay, đường làng ngõ xóm, cơ sở hạ tầng được xây dựng khang trang, sạch đẹp. Ông Bùi Thế Kỳ ở xóm 6, xã Giao Hà (Giao Thủy) hồ hởi nói: Xây dựng NTM là chủ trương của Đảng và Nhà nước rất hợp lòng dân. Nhờ chương trình này mà càng nhiều vùng quê khởi sắc. Đồng chí Phùng Văn Huân, Chủ tịch UBND xã Giao Hà cho biết, được chọn làm điểm xây dựng mô hình NTM, xã Giao Hà đã hoàn thiện quy hoạch phát triển nông nghiệp xã đến năm 2020 và là địa phương đầu tiên trong tỉnh lập quy hoạch phát triển nông nghiệp. Xã đã hoàn thành lập dự toán và triển khai tích cực các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo hướng ưu tiên triển khai các dự án về giao thông, thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, y tế, văn hóa, giáo dục; ưu tiên trước các công trình ở thôn xóm, công trình trọng điểm. Phấn đấu đến hết tháng 12-2011 thực hiện 30% tổng số vốn đầu tư (57 tỷ đồng); hoàn thành các hạng mục công trình thủy lợi phục vụ sản xuất; các công trình văn hóa phục vụ cộng đồng; nâng cấp trạm y tế; làm mới, nâng cấp tu sửa đường giao thông xã, thôn, xóm; hoàn thành các chương trình y tế, giáo dục, văn hóa - thể thao; 6/19 tiêu chí đạt tiêu chuẩn… Vì vậy, để xây dựng Giao Hà trở thành xã NTM, trong thời gian tới cần có sự quan tâm hơn nữa của Trung ương, của tỉnh, huyện và sự đoàn kết đồng thuận, chung sức đồng lòng của nhân dân.

Quang cảnh thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh). 								Ảnh: Dương Đức
Quang cảnh thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh).
Ảnh: Dương Đức

Theo kết quả tự đánh giá so với 19 tiêu chí quốc gia, đến nay, các xã điểm chỉ có xã Lộc An (TP Nam Định) đạt 11/19 tiêu chí, thấp nhất là Giao Hà 3/19 tiêu chí. Các xã điểm còn lại đạt từ 4-9 tiêu chí. Trọng tâm về NTM vẫn là xây dựng cơ sở hạ tầng mà trước hết là hệ thống giao thông, điện, trường, thủy lợi. Trong điều kiện nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước còn hạn hẹp, các địa phương xác định huy động nội lực là chính và dựa vào sự hỗ trợ cộng đồng do người dân làm chủ. Tuỳ theo điều kiện và khả năng của từng địa phương, sẽ xây dựng cơ chế đóng góp phù hợp bằng cả ngày công, tài chính, vật tư, phát huy tối đa khả năng đóng góp của người dân, doanh nghiệp tại địa phương. Để xây dựng NTM mang lại hiệu quả cao, các địa phương thực hiện phát động phong trào rộng khắp với sự vào cuộc của tất cả các tầng lớp dân cư để họ hiểu được lợi ích của mô hình NTM mang lại. Giải pháp cơ bản đầu tiên vẫn là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của các cấp chính quyền, phát huy sức mạnh của đoàn thể chính trị - xã hội ở nông thôn. Các cấp, các ngành liên quan tiếp tục tiến hành cuộc vận động xã hội sâu rộng về xây dựng NTM, tạo sự chuyển biến nhận thức của cán bộ và nhân dân, để mọi người dân thấy rõ đây vừa là quyền lợi vừa là trách nhiệm, từ đó xác lập vai trò là chủ thể, chủ động, tích cực tham gia xây dựng NTM; huy động nguồn lực hỗ trợ của các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức đóng góp cho sự nghiệp xây dựng nông thôn. Các cấp uỷ Đảng, chính quyền cần tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để mọi người dân, cơ quan, tổ chức, thành phần kinh tế tham gia tích cực vào chương trình này. Đặc biệt cần thực hiện có lộ trình, lựa chọn xây dựng những tiêu chí phù hợp với tình hình và điều kiện thực tế để bảo đảm tiến từng bước vững chắc. Thúc đẩy sản xuất phát triển để tạo ra sự chuyển biến căn bản về kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn. Quy hoạch xây dựng NTM cần có tính đồng bộ và đặt trong mối liên kết vùng, liên kết khu vực cả về bề rộng và chiều sâu, phù hợp với xu thế phát triển cũng như tính toán đến mối tương quan với quy hoạch phát triển đô thị, công nghiệp, du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái… Để đạt được mục tiêu chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, cần tập trung nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề cho lao động ở khu vực này. Đa dạng hoá nguồn vốn huy động để thực hiện chương trình thông qua việc lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình mục tiêu; huy động nguồn lực của địa phương; thu hút vốn đầu tư của doanh nghiệp đối với các công trình có khả năng thu hồi vốn trực tiếp; khai thác nguồn lực trong nhân dân; sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn tín dụng và huy động các nguồn tài chính hợp pháp khác. Tiếp tục đầu tư nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới kết cấu hạ tầng ở khu vực nông thôn; nâng cao chất lượng, hiệu quả của chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá. Đặc biệt trong thu hút đầu tư, tỉnh cần nghiên cứu, coi trọng thu hút đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp để dần hình thành vùng sản xuất quy mô lớn, tập trung; ứng dụng công nghệ tiên tiến trong trồng trọt, chăn nuôi, chế biến; đẩy mạnh xúc tiến thương mại đối với nông sản; phấn đấu bắt kịp với nền sản xuất nông nghiệp hiện đại trong khu vực và thế giới. Gắn thực hiện chương trình xây dựng NTM với các phong trào thi đua yêu nước đã và đang được triển khai rộng rãi trong toàn tỉnh như chương trình giảm nghèo, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư; xây dựng làng văn hoá, gia đình văn hoá để tạo nên sức mạnh tổng hợp làm chuyển biến mạnh mẽ và sâu sắc kinh tế - xã hội nông thôn.

  Kế hoạch xây dựng NTM của tỉnh giai đoạn 2010-2015 xác định mục tiêu cơ bản là xây dựng NTM quy mô cấp xã có kinh tế phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, có hình thức tổ chức sản xuất tiên tiến; có kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội từng bước hiện đại, môi trường xanh - sạch - đẹp; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao; hệ thống chính trị vững mạnh, xã hội nông thôn lành mạnh, an toàn, dân chủ, công bằng, văn minh; phát huy bản sắc văn hóa của nông thôn đồng bằng sông Hồng. Từ kết quả thực hiện ở các xã điểm, rút kinh nghiệm, tiếp tục triển khai ra các xã, thị trấn trong tỉnh, từng bước đưa xây dựng NTM thành cuộc vận động sâu rộng ở các địa phương dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, phấn đấu xây dựng NTM Nam Định giàu đẹp, văn minh.

Mục tiêu của tỉnh ta trong thời gian tới là, tiếp tục chỉ đạo các xã đang làm điểm tiếp tục triển khai theo quy hoạch, đầu tư và xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm đạt các tiêu chí xã NTM. Trước mắt, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh tiếp tục giúp người dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao thu nhập; gắn nông nghiệp với phát triển công nghiệp dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với quy hoạch đô thị nhằm từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Tăng cường công tác chỉ đạo, tiến hành tổng kết các mô hình điểm tại ba xã để đánh giá, rút kinh nghiệm nhân ra diện rộng. Đồng thời, tiếp tục hoàn thành việc lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch xây dựng NTM của tất cả các xã trên địa bàn tỉnh; huy động, lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án, các nguồn lực của địa phương, nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp và các khoản đóng góp tự nguyện của nhân dân để thực hiện chương trình; phấn đấu hết năm 2011, mỗi huyện, thành phố trong tỉnh có ít nhất một xã đạt tiêu chuẩn NTM./.

Hoàng Thanh Tuấn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com