Chị Vũ Thị Tơ và mẹ chồng. |
Đến đầu làng Thái Lãng, xã Trực Nội (Trực Ninh) hỏi thăm về chị Vũ Thị Tơ - vợ liệt sỹ chống Mỹ Đỗ Văn Dụ, chúng tôi đã được nhiều người chỉ dẫn đến tận nơi. Và câu chuyện về cuộc đời người phụ nữ ấy càng khiến chúng tôi thêm cảm động.
Là chị cả trong một gia đình có tới 10 người con, năm 15 tuổi, chị Vũ Thị Tơ đã bước chân về làm dâu nhà họ Đỗ. Khi đó anh Dụ mới bước sang tuổi 17. Anh cũng là con trai duy nhất của liệt sỹ chống Pháp Đỗ Văn Thưởng. Cha anh hy sinh năm 1952, lúc đó anh mới tròn 10 tuổi. Vì gia cảnh neo người nên gia đình cũng muốn anh lấy vợ sớm để cùng mẹ lo toan công việc. Hai vợ chồng trẻ chưa kịp hưởng trọn vẹn hạnh phúc, chưa kịp có với nhau một mụn con thì anh đã tình nguyện lên đường cầm súng theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Sau hơn 1 năm huấn luyện ở Quảng Bình, tháng 2-1965, anh lên đường vào Nam chiến đấu. Từ đó chị bặt tin chồng. Chị kể, cả xã đợt ấy có 7 người ra đi, sau chiến tranh chỉ có một người trở về, 5 người hiện chưa tìm thấy phần mộ trong đó có chồng chị. Lúc đó là cán bộ chính sách của xã, chị là người trực tiếp đi báo tử cho nhiều trường hợp thân nhân các liệt sỹ trong xã nhưng còn với trường hợp của chồng mình, chị đã láng máng nghe tin anh hy sinh năm 1967 tại chiến trường phía Nam nhưng mãi đến 10 năm sau mới chính thức có giấy báo tử về! Mòn mỏi chờ đợi gần hết tuổi thanh xuân, từ năm 20 tuổi đến lúc đã ngoài 30 tuổi mới có tin tức của chồng, trong 10 năm trời chị chỉ nhận được duy nhất một lá thư của anh nhưng địa chỉ không rõ ràng, chỉ nhớ bìa thư ghi là “Phi trường 10’’ nhưng không biết cụ thể ở tỉnh nào. Trong thư anh cũng không nói được gì nhiều, chỉ dặn chị “Khi nào thống nhất về sẽ tâm sự nhiều” nhưng chị đã chờ qua ngày đất nước thống nhất mà anh không trở về. Từ đó đến nay, chị và mẹ đành phải lấy ngày anh lên đường, ngày 9-1 âm lịch hàng năm làm ngày giỗ cho anh.
Ngày anh hy sinh, chị mới ngoài 20 tuổi, tuy không đẹp nhưng chị rất đảm đang tháo vát, nhiều người đánh tiếng hỏi nhưng chị từ chối tất cả và quyết tâm ở vậy thờ chồng, phụng dưỡng mẹ chồng. Chị đã nhận một đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi ở trạm y tế xã về nuôi, từ đó mẹ con, bà cháu quây quần bên nhau trong căn nhà nhỏ. Cuộc sống của người dân ở đất nước sau chiến tranh bộn bề khó khăn thiếu thốn, chị phải xoay sở đủ thứ nghề để nuôi con, thuốc thang cho mẹ. Ngoài cấy ruộng, chăn nuôi, chị còn học thêm nghề làm bánh chưng, bánh nếp mang ra chợ bán. Bánh chưng chị làm nức tiếng cả vùng nên làm không hết việc, hết đình đám lại giỗ chạp, nhất là vào mỗi dịp Tết, chị phải làm ngày làm đêm mới đủ 3-4 trăm tấm bánh phục vụ bà con. Dù khó khăn vất vả chị vẫn không một lời kêu ca, mấy chục năm trời chưa bao giờ hàng xóm thấy cảnh mẹ chồng nàng dâu to tiếng. Chị chăm lo cho mẹ từng bữa ăn, giấc ngủ. Mẹ chồng cũng coi chị như con gái. Nhìn cảnh chị chăm sóc mẹ chồng, bà con trong làng ngoài xã ai ai cũng khen ngợi. Mẹ chồng chị năm nay đã bước sang tuổi 93, nên bị đau yếu luôn. Cụ chỉ tâm nguyện trước khi nhắm mắt là đưa được anh Dụ, người con trai duy nhất của cụ về với quê hương. Thực hiện ước nguyện của mẹ chồng, năm 2009, chị dồn hết số tiền giành dụm được trong nhiều năm để vào Nam tìm mộ chồng. Nơi dừng chân cuối cùng của chị là nghĩa trang xã Ân Nghĩa, huyện Hoà Ân, tỉnh Bình Định, nơi mà theo người đồng đội còn sống trở về đó là nơi anh đã hy sinh. Ròng rã suốt mấy ngày ở các nghĩa trang liệt sỹ trong vùng chị vẫn chưa tìm thấy anh. Chị lại quay về, lại tiếp tục tảo tần với những phiên chợ rồi lại tất tả trở về nhà lo toan công việc chăm sóc, phụng dưỡng mẹ chồng. Dù vậy, chị vẫn không nguôi niềm hy vọng một ngày không xa, chị sẽ tìm được phần mộ của anh và đưa anh về với nơi “chôn rau cắt rốn” của mình!
Chia tay chị trong buổi chiều chạng vạng, trong lòng chúng tôi tràn ngập cảm xúc mến phục. Tấm lòng thuỷ chung son sắt, hiếu nghĩa của chị thật đáng quý biết bao trong xã hội đầy những bon chen. Tấm gương của chị đã làm sáng lên phẩm chất cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”!
Bài và ảnh: Hoài Phương